Công khai loạt cổ đông lớn, Eximbank làm ăn ra sao?
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam – Eximbank (mã: EIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024, cho thấy sự phục hồi khá tích cực so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, quý II/2024, Eximbank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt gần 1.512 tỷ đồng, tăng 38%. Cùng với đó, lãi thuần từ hoạt động khác đạt 213 tỷ đồng, gấp 3 lần so với quý II/2023.
Ngược lại, thu ngoài lãi sụt giảm: hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 33%, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 5 tỷ đồng.
Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý II/2024 đạt hơn 813 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Eximbank ghi nhận hơn 1.474 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 5% so với 6 tháng đầu năm ngoái. Dù mới hoàn thành 28% kế hoạch cả năm nhưng bức tranh lợi nhuận của ngân hàng này cho thấy sự khả quan khi lợi nhuận kinh doanh tăng dần theo từng quý.
Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của Eximbank tăng 5% so với đầu năm, lên 211.999 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng 38% đạt 5.599 tỷ đồng, tiền gửi tại TCTD khác giảm 27% đạt 31.542 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 8% đạt 151.327 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu tính đến 30/06/2024 là 4.002 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn và nghi ngờ dịch chuyển sang nợ có khả năng mất vốn. Nhưng tỷ lệ nợ xấu/dư nợ giảm nhẹ từ 2,65% đầu năm xuống còn 2,64%.
Trong 29 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý II, Eximbank là ngân hàng hiếm hoi hiện nay hoàn toàn không có dư nợ từ việc cho vay trái phiếu doanh nghiệp. Đây có thể coi là điểm cộng lớn đối với chất lượng tài sản của Eximbank trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 2022.
Năm 2024, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, cao hơn 90,5% so với kết quả năm trước. Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng; huy động vốn tăng thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng.
Trước đó, Eximbank công bố sẽ chi trả cổ tức với tỷ lệ 3% bằng tiền mặt từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến năm 2023. Với hơn 1.740 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, ngân hàng sẽ chi khoảng 522 tỷ đồng để trả cổ tức. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm, ngân hàng này chia cổ tức bằng tiền mặt.
Từng có “cơ hội vàng” để vươn lên trở thành ngân hàng trong nhóm dẫn đầu hệ thống, tuy nhiên, những câu chuyện “cơm không lành canh không ngọt” giữa các nhóm cổ đông thời gian trước là nguyên nhân dẫn đến bất đồng, mâu thuẫn ý kiến khiến ròng rã 3 năm Eximbank không thể tổ chức Đại hội cổ đông thành công một cách trọn vẹn như những ngân hàng cùng quy mô khác. Điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của Eximbank.
Sau nhiều năm lục đục ở dàn nhân sự cấp thượng tầng, 2022 là năm đầu tiên nhà băng này tổ chức đại hội cổ đông thành công sau 11 lần bất thành và dàn xếp được bộ máy hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.
Sắp tới, Tập đoàn Gelex sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,9% hiện tại lên mức 10% vốn điều lệ của Eximbank. |
Cũng trong năm 2022, loạt cổ đông như Thành công Group, Âu Lạc hay VinaCapital đều thông báo thoái toàn bộ vốn khỏi nhà băng. Đáng chú ý, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - cổ đông lớn nhất của Eximbank lúc bấy giờ, với tỷ lệ sở hữu hơn 15% vốn điều lệ, cũng đã chấm dứt trước thời hạn thỏa thuận liên minh chiến lược với nhà băng từ đầu năm 2022 và hoàn tất rút vốn vào năm 2023.
Sau khi các cổ đông lâu năm thoái sạch vốn, cơ cấu cổ đông của Eximbank vẫn được “ẩn giấu”, phải đến khi Luật Các tổ chức tín dụng mới ban hành yêu cầu, ngày 24/7/2024, Eximbank mới công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của ngân hàng tại thời điểm 1/7/2024.
Trong lần cập nhật mới này, Eximbank chỉ còn 4 cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ. Những cổ đông này bao gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex, nắm 85,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,9% vốn. Cổ đông tổ chức khác là Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX sở hữu 62,3 triệu cổ phiếu tương đương 3,58% vốn.
Hai cổ đông cá nhân là bà Lương Thị Cẩm Tú, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của Eximbank, nắm 19,5 triệu cổ phiếu, tương đương 1,12% vốn và bà Lê Thị Mai Loan, cựu Thành viên Hội đồng quản trị, sở hữu 17,9 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 1,03% vốn.
Những cổ đông này sở hữu 185,3 triệu cổ phiếu của Eximbank, tương ứng 10,6% vốn điều lệ của Eximbank tại ngày 6/8 và không có sự thay đổi về tỷ lệ sở hữu so với báo cáo ngày 1/7.
Điều đáng chú ý là, trong danh sách mới không còn sự xuất hiện của Công ty Cổ phần Thắng Phương, doanh nghiệp từng nắm giữ 53,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,07% vốn của Eximbank, theo danh sách cập nhật tại ngày 1/7.
Do đó, việc Thắng Phương không còn trong danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của Eximbank có thể do cổ đông này đã bán bớt cổ phần hoặc toàn bộ số cổ phần sở hữu tại Eximbank. Cũng không loại trừ việc cổ đông này chia nhỏ cổ phần cho người có liên quan để không còn nắm trên 1% vốn ngân hàng để không thuộc diện phải công bố thông tin sở hữu.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản cho phép Gelex nâng tỷ lệ sở hữu tại Eximbank lên 10% vốn điều lệ. Đây là mức tỷ lệ mà một cổ đông tổ chức được sở hữu tối đa tại một tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
Văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước đồng ý để Gelex mua cổ phần của Eximbank thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận qua hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM trong năm 2024.
Đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước cũng phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Eximbank thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông. Cụ thể, Eximbank sẽ phát hành thêm 121,9 triệu cổ phiếu mới, tương đương vốn điều lệ tăng thêm gần 1.219 tỷ đồng. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ đạt 18.688 tỷ đồng.
Thanh Hoa
Xem thêm tại vnbusiness.vn