Công trình trọng yếu sân bay Long Thành đã hoàn thành, sẵn sàng bay hiệu chuẩn
Sân bay Long Thành được giao mục tiêu hoàn thành trong năm nay.

Ngày 27/4, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết đã hoàn thành và vận hành thử nghiệm thành công hệ thống đèn hiệu đường cất hạ cánh (đường băng) số 1 Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, sẵn sàng phục vụ cho công tác bay hiệu chuẩn trước ngày 30/4 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ACV, hệ thống đèn hiệu đường băng số 1 sân bay Long Thành sử dụng công nghệ LED 100% nhập khẩu từ châu Âu, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực hàng không quốc tế. Cùng với đó, sân bay Long Thành còn được trang bị hệ thống thiết bị dẫn đường hạ cánh chính xác ILS/DME, giúp hướng dẫn máy bay tiếp cận và hạ cánh an toàn, kể cả trong điều kiện thời tiết xấu.
Hai hệ thống này kết hợp đồng bộ nhằm đảm bảo quá trình cất hạ cánh diễn ra an toàn, chính xác tuyệt đối trong mọi điều kiện thời tiết, nâng cao năng lực khai thác và tính ổn định cho sân bay.
Việc hoàn thành và vận hành thành công hệ thống đèn hiệu đường băng số 1 là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án sân bay Long Thành cùng liên danh nhà thầu.
Theo đó, nhà thầu đã huy động hơn 1.000 nhân sự và 243 trang thiết bị máy móc, triển khai đồng loạt 30 mũi thi công để hoàn thành việc lắp đặt toàn bộ thiết bị, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định và an toàn. Việc mở thành công hệ thống đèn hiệu là một bước tiến quan trọng, góp phần khẳng định đường cất hạ cánh đã cơ bản đủ điều kiện kỹ thuật để tiến hành bay hiệu chuẩn theo kế hoạch đề ra trước ngày 30/4.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng. Giai đoạn 1, sân bay xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách mỗi năm.

Đường cất hạ cánh số 1 Sân bay Long Thành có chiều dài 4 km, bề rộng 70m có thể tiếp nhận các loại tàu bay tiên tiến nhất hiện nay. Đó là một trong các hạng mục của gói thầu 4.6, ngoài đường cất hạ cánh còn đường lăn, đường lăn nối, đường lăn thoát nhanh, sân đỗ tàu bay, sân đỗ các phương tiện phục vụ mặt đất... trị giá hơn 7.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 1, Long Thành sẽ có hai đường băng
Hồi cuối năm ngoái, ACV cho biết tiết kiệm được gần 4.000 tỷ đồng qua đấu thầu và nguồn phí dự phòng, số tiền này sẽ dùng để xây đường băng thứ 2 sân bay Long Thành.
Đường cất hạ cánh thứ 2 sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng. Theo tính toán của ACV, chi phí đầu tư đường băng này sẽ được cân đối trọn vẹn trong tổng mức đầu tư của dự án thành phần 3 sân bay Long Thành do đơn vị làm chủ đầu tư nên sẽ không làm tăng vốn dự án.
Theo ACV, việc xây dựng đường băng thứ 2 sẽ giúp tăng năng lực và hiệu quả khai thác của sân bay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư của dự án. Đồng thời đường cất hạ cánh thứ 2 cũng đáp ứng nhu cầu khai thác của sân bay Long Thành khi đường cất hạ cánh thứ nhất xảy ra sự cố, không phải chuyển sang Tân Sơn Nhất...
Cuối tháng 11/2024, Quốc hội đồng ý giai đoạn 1 đầu tư xây dựng hai đường cất hạ cánh ở phía bắc và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm vật liệu và kết nối hạ tầng, phấn đấu cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành ngay trong năm 2025.
Việc đưa sân bay Long Thành về đích đúng tiến độ không chỉ góp phần hiện thực hóa mục tiêu chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông quốc gia, mà còn nâng cao năng lực hàng không, giảm áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất và mở rộng mạng lưới kết nối quốc tế. Đồng thời, dự án mang ý nghĩa biểu tượng cho bước chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam trong tư duy quy hoạch, năng lực quản trị và hội nhập toàn cầu.
Xem thêm tại markettimes.vn