Công ty chứng khoán nào giúp nhóm Egroup của Shark Thủy phát hành trái phiếu?
Phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu
Mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty CP đầu tư và phân phối Egame.
Đến ngày 22/3, cơ qua chức ăng quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy)- Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty CP đầu tư và phân phối Egame và Đặng Văn Hiền- Trưởng Ban quan hệ cổ đông Công ty CP đầu tư và phân phối Egame cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
"Hệ sinh thái" của ông Nguyễn Ngọc Thủy trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm; trong đó, Tập đoàn Egroup là công ty mẹ.
Thống kê từ HNX cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của Shark Thủy đã nhận về nguồn vốn lớn từ kênh trái phiếu, với sự tham gia của cả nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân.
Đầu tiên phải kể đến 2 lô trái phiếu mã AECCH2123001 và mã AECCH2123002 với tổng trị giá 500 tỷ đồng của Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (Apax English).
Đơn vị đứng sau thu xếp cho 2 lô trái phiếu này là Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).
Một doanh nghiệp khác trong nhóm Egroup tham gia phát hành trái phiếu là Công ty cổ phần Phát triển giáo dục Igarten (Igarten).
Từ tháng 6/2021-8/2021, doanh nghiệp này phát hành thành công 20.000 trái phiếu mã IGECH2124001 với mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu; tương ứng giá trị phát hành là 200 tỷ đồng.
Trái chủ là 54 nhà đầu tư cá nhân trong nước. Thương vụ được thu xếp bởi Công ty cổ phần Chứng khoán Stanley Brothers và Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ tầng giáo dục (Hạ tầng giáo dục) cũng là một doanh nghiệp có liên quan đến "hệ sinh thái" của Shark Thủy.
Hạ tầng giáo dục đang lưu hành 2 lô trái phiếu mã EIGCH2227001 và EIGCH2227002 được phát hành năm 2022, với tổng giá trị phát hành là 1.963 tỷ đồng.
Tiềm lực công ty chứng khoán giúp nhóm Egroup phát hành trái phiếu
Trong số các công ty chứng khoán đứng ra thu xếp các thương vụ phát hành trái phiếu cho Egroup, Chứng khoán Bảo Việt là cái tên không mấy xa lạ.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) được thành lập từ năm 1999 với cổ đông sáng lập là Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (nay là Tập đoàn Bảo Việt).
Theo giới thiệu, "BVSC là công ty chứng khoán hàng đầu và uy tín trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính và đầu tư cho tất cả các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, các quỹ và ngân hàng đầu tư danh tiếng trong nước và nước ngoài".
Về tình hình kinh doanh, theo BCTC quý IV/2023, tổng doanh thu của Chứng khoán Bảo Việt ở mức 322,6 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 52,5 tỷ đồng, tăng 17,6% so với quý IV/2022.
Theo giải trình của BVSC, lợi nhuận sau thuế trong kỳ tăng do doanh thu từ chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản chính FVTPL quý này tăng 5,2 tỷ (43,8%) so với năm trước, trong khi chi phí từ chênh lệch đánh giá lại tài sản tài chính FVTPL giảm 8,65 tỷ đồng (tương ứng giảm 51,6%).
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu hoạt động của doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 870 tỷ đồng và 195,6 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2023, nợ phải trả tăng hơn 2,2 lần so với thời điểm đầu năm, lên mức 3.711 tỷ đồng. Hầu hết là nợ ngắn hạn, trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 3.358 tỷ đồng.
Về Công ty cổ phần Chứng khoán Stanley Brothers (SBSI), doanh nghiệp này thành lập năm 2008, tiền thân là Công ty Cổ phần Chứng khoán Toàn cầu.
Năm 2023, doanh nghiệp kinh doanh suy giảm với nhiều chỉ số không mấy "tươi sáng". Cụ thể, doanh thu cả năm của SBBI đạt 22,1 tỷ đồng, giảm 78% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế ở mức âm gần 64,6 tỷ đồng, trong khi năm trước vẫn có lãi gần 12,7 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mới đây, Chứng khoán Stanley Brothers đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 159/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, với tổng mức tiền phạt là 450 triệu đồng.
Đáng chú ý, trong số các hành vi vi phạm, doanh nghiệp này bị xử phạt do báo cáo có nội dung sai lệch liên quan đến các lô trái phiếu nhóm Egroup.
Cụ thể, theo UBCKNN, Công ty báo cáo các đợt chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của các mã trái phiếu EIGCH2227001 và EIGCH2227002 phát hành bởi Công ty cổ phần Tập đoàn Hạ tầng giáo dục, và mã trái phiếu IGECH2124001 phát hành bởi Công ty cổ phần Phát triển Giáo dục Igarten được phát hành theo phương thức đại lý phát hành.
Tuy nhiên theo báo cáo của Công ty tại văn bản số 384/2023/CV-SBSI ngày 28/12/2023, Công ty báo cáo các tổ chức phát hành là bên bán trái phiếu trực tiếp, tư vấn trái phiếu đến nhà đầu tư.
Liên quan đến trái phiếu của Igarten, ngoài Chứng khoán Stanley Brothers, Chứng khoán An Bình (ABS) cũng là doanh nghiệp tham gia vào thương vụ này khi là đại lý quản lý tài sản bảo đảm
Chứng khoán An Bình là một trong những công ty chứng khoán đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện, ABS được biết đến là thành viên quan trọng trong "hệ sinh thái" Geleximco của doanh nhân Vũ Văn Tiền.
Hiện, Chủ tịch HĐQT của ABS là bà Vũ Thị Hương. Bà Hương còn là thành viên HĐQT của Tập đoàn Geleximco-CTCP và là em gái của ông Vũ Văn Tiền.
Theo báo cáo quản trị năm 2023, tính đến cuối năm 2023, Tập đoàn Geleximco sở hữu 48,85% tại Chứng khoán An Bình.
Về tình hình kinh doanh, trong quý IV/2023, Doanh thu hoạt động đạt 87,6 tỷ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do tốc độ giảm chi phí hoạt động cao hơn (39,7%) và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 11,1% khiến ABS báo lợi nhuận sau thuế đạt 19,21 tỷ đồng, tăng 9,88 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 105,9% so với quý IV/2022.
Lũy kế cả năm 2023, Chứng khoán An Bình lãi sau thuế hơn 77,8 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2022.
Xem thêm tại cafef.vn