Cụ thể, trong thời gian từ ngày 29/2 đến 12/3/2024, cổ phiếu ICF tăng từ mức 2.400 đồng lên đến 7.400 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trước đó cổ phiếu này đã có 10 phiên tăng trần liên tiếp, tương ứng mức tăng 160% kể từ đầu tháng 3. Khối lượng khớp lệnh mỗi phiên của ICF ở mức vài chục nghìn đến vài trăm nghìn mỗi phiên.
Ngày 12/3/2024, ICF đã có văn bản giải trình gửi lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc giá cổ phiếu tăng liên tục. Theo đó, ICF cho biết, công ty vẫn hoạt động bình thường, không có bất gì sự thay đổi nào. Công ty không biết nguyên nhân giá cổ phiếu tăng.
Sau khi giải trình, giá cổ phiếu của ICF ngày 13/3 tiếp tục tăng trần lên mức 8.500 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu ICF liên tục tăng khi công ty đang lỗ luỹ kế lên đến 88 tỷ đồng. |
Về tình hình kinh doanh của ICF, theo báo cáo tài chính quý IV/2023, ICF lỗ luỹ kế lên đến hơn 88 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu của ICF cũng liên tục giảm trong những năm gần đây. Nguyên nhân là do hoạt động xuất khẩu giảm. Thị trường chính của ICF là xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Canada, Trung Quốc.
Trái ngược với doanh thu liên tục sụt giảm, lãi ròng của ICF được cải thiện. Năm 2023 không còn tình trạng lỗ ròng kéo dài trong 6 năm như trước (từ 2016 đến 2022). Thời điểm năm 2016 ICF bắt đầu chuyển sang lỗ, một phần do hoạt động cốt lõi sụt giảm, một phần do phải trích dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán và dự phòng phải thu khó đòi. Năm 2023 ICF có lãi ròng trở lại nhưng chỉ ở mức 250 triệu đồng và mới thực hiện được 29% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của ICF đạt 194 tỷ đồng, giảm 3 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, ICF chỉ còn vỏn vẹn vài chục triệu tiền mặt. ICF hiện đang sở hữu hơn 8.600 cổ phiếu PVD của Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí, với tổng giá trị 531 triệu đồng và đang phải dự phòng cho khoản đầu tư này hơn 200 triệu đồng. Khoản mục chiếm phần lớn tài sản của công ty là hàng tồn kho ở mức 135 tỷ đồng.
Về ICF, công ty được thành lập 1/9/1999 với lĩnh vực hoạt động chính là đầu tư, kinh doanh xuất nhập khẩu hàng thủy sản đông lạnh. Đến năm 2001, căn cứ theo kế hoạch định hướng khi thành lập đảm bảo phát triển bền vững và lâu dài, đồng thời để chủ động nguồn cung cấp sản phẩm cho xuất khẩu, công ty này đã triển khai dự án xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TP. Hồ Chí Minh.
Sau hơn một năm xây dựng từ năm 2001 đến tháng 6/2002, Nhà máy Chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu, với công suất sản xuất ổn định các mặt hàng có giá trị gia tăng là 6.500 tấn/năm, đã đi vào sản xuất thử, sau đó đi vào sản xuất chính thức từ đầu năm 2003 cho đến nay.
Ngày 29/11/2006, công ty đã niêm yết cổ phiếu trên HNX. Sau 1 năm giao dịch công ty đã chuyển vào giao dịch tại trên HoSE. Đến năm 2019, cổ phiếu của công ty này đã bị hủy niêm yết do thua lỗ liên tiếp.
Hiện nay vốn điều lệ của doanh nghiệp này đạt 128 tỷ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thị Kim Xuân - Chủ tịch HĐQT Incomfish đang là cổ đông lớn nhất khi nắm 18,34% vốn. Hai chị em của bà Xuân là bà Nguyễn Thị Kim Thủy và Nguyễn Thị Kim Thu lần lượt nắm 7,58% và 7,57% vốn. Đây cũng là ba cổ đông lớn của công ty này.
Mới đây, ICF đã thông báo ngày đăng ký cuối cùng tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2024. Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra vào ngày 29/3/2024 tại hội trường Công ty cổ phần Đầu tư thương mại thủy sản, A77/I đường số 7, KCN Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Nội dung cuộc họp với các nội dung chính như: thông qua báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2023; định hướng hoạt động năm 2024 và các vấn đề khác theo quy định nhà nước. |