Công ty CP Tasco chưa tích cực phối hợp GPMB khiến người dân Quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vướng cảnh “nhà hỏng không được sửa”

UBND TP. Hà Nội đánh giá, Công ty CP Tasco (HUT) - chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật phần đất còn lại thuộc Khu đô thị mới Xuân Phương chưa tích cực phối hợp trong công tác GPMB thực hiện dự án.

Công ty CP Tasco chưa tích cực phối hợp GPMB khiến người dân Quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vướng cảnh “nhà hỏng không được sửa”

UBND TP. Hà Nội vừa có Báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri năm 2024 phục vụ Kỳ họp thứ 20, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI.

Theo đó, kiến nghị các cơ quan chức năng, cử tri Quận Nam Từ Liêm đề nghị UBND Thành phố xem xét chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Đơn vị ở 2, 3 (Khu đô thị mới Xuân Phương) do Công ty Tasco làm chủ đầu tư đã dừng nhiều năm nay chưa được triển khai, người dân có nhà ở thuộc dự án này không cải tạo, sửa chữa được dẫn đến nhà xuống cấp ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

capture(3).jpg
Khu đô thị mới Xuân Phương do Công ty CP Tasco làm chủ đầu tư.

Trả lời kiến nghị của người dân, UBND TP. Hà Nội cho biết, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật phần đất còn lại thuộc “đơn vị ở số 2” Khu đô thị mới Xuân Phương được UBND Thành phố chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 4967/QĐ-UBND ngày 25/9/2009.

Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật phần đất còn lại thuộc “đơn vị ở số 3” Khu đô thị mới Xuân Phương được UBND Thành phố chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 345/QĐ-UBND ngày 19/01/2009.

Ngày 28/8/2015, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 4324/QĐ-UBND về việc chấp thuận đầu tư dự án Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương (gồm đơn vị ở số 2, số 3), trong đó giao Công ty cổ phần Taso làm chủ đầu tư thực hiện dự án, với tổng diện tích 38,2 ha, tiến độ thực hiện từ Quý III/2015-Quý II/2025.

Dự án đã được UBND huyện Từ Liêm thực hiện giải phóng mặt bằng cơ bản xong từ trước ngày 01/7/2014. Đến nay, còn 1,16 ha chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó: 2.524 m2 đất nông nghiệp do 06 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng; 4.779 m2 đất ở do 48 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng; 4.297m2 đất giao thông, thủy lợi nội đồng; 54 ngôi mộ (01 ngôi mộ để lại tại dự án và 53 ngôi chưa có phê duyệt phương án BTHT di chuyển).

Theo UBND TP. Hà Nội, hiện nay, UBND quận Nam Từ Liêm đang thành lập hội đồng xác định giá đất cụ thể làm căn cứ phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân phục vụ công tác giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, UBND Thành phố cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc UBND quận Nam Từ Liêm và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trên theo quy định.

Đối với vướng mắc nói trên của người dân liên quan đến dự án Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương của Công ty Tasco, UBND TP. Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp UBND quận Nam Từ Liêm.

Về nguyên nhân của vướng mắc dẫn đến kiến nghị của người dân, UBND TP. Hà Nội xác định do do Chủ đầu tư dự án là Công ty Tasco chưa tích cực phối hợp trong công tác GPMB thực hiện dự án.

Dự án BT từng bị Thanh tra Chính phủ nhắc tên

Về quá trình hình thành và phát triển của dự án KĐT mới Xuân Phương, ngày 4/2/2008, UBND TP Hà Nội đã thông qua đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT). Công ty cổ phần Tasco (Tasco) là nhà đầu tư được giao lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường này.

Để thực hiện dự án xây dựng đường Lê Đức Thọ - Khu đô thị mới Xuân Phương, Tasco được chính quyền Thủ đô đối ứng cho 70ha đất, gồm: 30ha đất tại dự án đơn vị ở số 1 phường Xuân Phương, 3.000m2 đất tại 48 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) và 38ha đất tại đơn vị ở 3 và một phần đơn vị ở 2 Khu đô thị mới Xuân Phương (nay là dự án Khu đô thị sinh thái Xuân Phương).

Đến ngày 15/6/2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3105 về việc cho phép Tasco tiếp tục sử dụng 370.440m2 đất (37,4ha) tại phường Xuân Phương, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương, giai đoạn 1.

Theo báo cáo của Tasco, dự án triển khai đảm bảo tiến độ được phê duyệt, trong đó, giai đoạn 1 gồm 567 căn triển khai từ năm 2015-2018, giai đoạn 2 gồm 246 căn còn lại triển khai từ năm 2019-2025.

Tuy nhiên, dự án có tổng mức đầu tư 2.850 tỷ đồng đã chậm tiến độ dẫn đến cảnh hàng loạt biệt thự triệu đô bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nhiều hạng mục xuống cấp. Khu đô thị trở nên hoang tàn, nhếch nhác.

Hiện tại, dự án vẫn còn biệt thự bỏ hoang, nhiều hạng mục công trình chưa hoàn thành nhưng bên cạnh đó, các tuyến đường đã được tu sửa, nhiều biệt thự "triệu đô" cũng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra những vi phạm khi thực hiện dự án BT đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương do Công ty Cổ phần Tasco (mã chứng khoán: HUT) thực hiện.

Theo Thanh tra Chính phủ, công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác do áp dụng định mức, đơn giá và tính toán khối lượng không đúng làm tăng giá trị hợp đồng BT hơn 19,561 tỷ đồng.

Chủ đầu tư vi phạm trong việc liên doanh đầu tư để phân chia đất tại dự án đối ứng (dự án Khu đô thị mới Xuân Phương – huyện Nam Từ Liêm) khi chưa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt; tính sai tăng chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật do áp sai suất vốn đầu tư, trong việc xác định tiền sử dụng đất đối với dự án đối ứng là 11,275 tỷ đồng.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án, năng lực về tài chính của Tasco bị hạn chế, không đảm bảo năng lực. Do đó, Thanh tra Chính phủ kết luận UBND thành phố Hà Nội đã không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư; thẩm định đánh giá năng lực nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; lựa chọn ký hợp đồng với nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo yêu cầu.

Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh các quyết định giao đất Khu đô thị Xuân Phương đối với Tasco; rà soát, xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và xử lý hơn 37,648 tỷ đồng tiền sử dụng đất tăng thêm của dự án theo quy định của pháp luật.

Xem thêm tại markettimes.vn