Công ty kiểm toán ký 'khống' cho Quốc Cường Gia Lai đã gián tiếp khiến Novaland (NVL) mất 2.700 tỷ đồng như thế nào?
Tính minh bạch trong báo cáo tài chính Quốc Cường Gia Lai?
Trong phiên giao dịch ngày 20/11, cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai tiếp tục giảm sàn, thị giá về 11.550 đồng/cp, đánh dấu 2 phiên giảm sàn liên tiếp. Trước đó, thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) dấy lên lo ngại về tính minh bạch trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp thuộc sở hữu của gia đình doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô La).
Ảnh minh họa |
Cụ thể, theo kết quả kiểm tra của UBCKNN tại Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam - đơn vị kiểm toán cho Quốc Cường Gia Lai, các kiểm toán viên đã chưa thực hiện đủ các thủ tục kiểm toán và chưa thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp theo chuẩn mực. Do vậy, UBCKNN sẽ đình chỉ các kiểm toán viên đã ký vào báo cáo tài chính năm 2023 của Quốc Cường Gia Lai. Hai người ký báo cáo là ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc và ông Lê Huy Bình - Kiểm toán viên.
Trong năm 2023, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần 432 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của công ty đạt 9.567 tỷ đồng, nhưng tiền mặt chỉ còn 28 tỷ đồng. Phần lớn tài sản nằm ở hàng tồn kho, đạt 7.036 tỷ đồng, chiếm 74%, trong đó có dự án Khu dân cư Phước Kiển. Đây cũng là dự án mà Quốc Cường Gia Lai đang giữ khoản tiền cọc 2.882,8 tỷ đồng từ công ty của bà Trương Mỹ Lan.
Ảnh minh họa |
Kiểm toán DFK Việt Nam và đại án Sài Gòn Đại Ninh
Đáng chú ý, Kiểm toán DFK cũng là đơn vị bị xác định đã ký “khống” Báo cáo kiểm toán độc lập về tình hình góp vốn điều lệ cho CTCP Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh trong vụ án xảy ra tại doanh nghiệp này.
Theo kết luận điều tra, năm 2010, Sài Gòn Đại Ninh (do bà Phan Thị Hoa làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc) được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh. Dự án có quy mô 3.595ha tại huyện Đức Trọng, tổng vốn đầu tư hơn 25.200 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm. Tuy nhiên, dự án đã có nhiều vi phạm và bị Thanh tra kiến nghị thu hồi vào năm 2020.
Tháng 1/2021, người đại diện theo pháp luật của công ty chuyển từ bà Hoa sang ông Nguyễn Cao Trí - Tổng Giám đốc. Trước đó, ông Trí là Chủ tịch Công ty Đầu tư và Quản lý Giáo dục Văn Lang. Với mong muốn thâu tóm dự án, Nguyễn Cao Trí đã móc nối với lãnh đạo, cán bộ tại Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và tỉnh Lâm Đồng để xin chuyển nhượng và gia hạn dự án, tránh bị thu hồi.
Để đạt yêu cầu, doanh nghiệp cần chứng minh năng lực tài chính với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng và số dư tiền mặt khoảng 1.800 tỷ đồng. Tháng 3/2021, ông Phạm Đức Thắng - Phó Giám đốc và Trần Mai Hải Đăng - Kiểm toán viên của Kiểm toán DFK đã ký ban hành Báo cáo kiểm toán độc lập về tình hình góp vốn điều lệ của các cổ đông tại ngày 31/12/2020, xác định vốn góp của chủ sở hữu là 2.000 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định các cá nhân tại Kiểm toán DFK chỉ căn cứ vào bản sao tài liệu, chứng từ đóng dấu treo, phiếu thu, giấy chứng nhận sở hữu cổ phần mà không kiểm tra đối chiếu tài liệu, chứng từ gốc và không có chứng từ chứng minh như sao kê hay sổ quỹ tiền mặt. Cơ quan điều tra đánh giá rằng việc ký ban hành báo cáo kiểm toán thiếu đủ bằng chứng, không làm việc với HĐQT, ban Tổng Giám đốc và đại diện pháp luật, cũng như không đưa ra ý kiến loại trừ là vi phạm quy định chuẩn mực kiểm toán. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, xử lý nghiêm vi phạm của Kiểm toán DFK và các cá nhân liên quan.
Dự án Đại Ninh được Nguyễn Cao Trí thâu tóm và sang tay cho Novaland, Novaland đã đặt cọc 2.700 tỷ đồng |
Sau khi sở hữu dự án, năm 2022, nhóm Nguyễn Cao Trí đã bán toàn bộ dự án Đại Ninh cho Novaland với giá 27.600 tỷ đồng. Novaland sau đó đã chuyển tổng cộng 2.700 tỷ đồng cho ông Trí, nhưng chưa thanh toán đầy đủ theo tiến độ thỏa thuận nên chưa được nhận cổ phần hoặc quyền lợi tại dự án Đại Ninh.
Khi xét xử vụ án Sài Gòn Đại Ninh, kết luận điều tra chỉ ra rằng Novaland đã vi phạm thời hạn thanh toán lần hai và dù biết dự án có vướng mắc pháp lý vẫn tiến hành đặt cọc và chuyển tiền cho Trí. Do đó, số tiền 2.700 tỷ đồng đặt cọc này được xác định là thu lợi bất chính từ hành vi vi phạm pháp luật giữa Trí và các bên liên quan, và được đề nghị sung công quỹ Nhà nước.
Được biết, Kiểm toán DFK hiện cũng đang kiểm toán cho một số đơn vị khác như: CTCP Xi măng Công Thanh, CTCP Gạch Men Chang Yih, CTCP Đầu tư Xây dựng số 5, CTCP Đầu tư LDG, CTCP Thương mại & Khai thác Khoáng sản Dương Hiếu, CTCP Tư vấn Điện lực Dầu khí Việt Nam...
Xem thêm tại nguoiquansat.vn