Công ty Nhà nước vừa có Tổng giám đốc xin nghỉ vì môi trường làm việc ‘quá nhiều bất ổn’: Kết quả kinh doanh bất ngờ
Ngày 13/5, CTCP Giao nhận Kho vận Ngoại thương Việt Nam (Vinatrans, mã chứng khoán: VIN) đã nhận được đơn xin nghỉ việc của bà Lê Hoàng Như Uyên - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty. Trong đơn xin nghỉ việc, bà Uyên xin được thôi việc kể từ ngày 17/6/2024 với lí do môi trường làm việc quá nhiều bất ổn, không còn phù hợp để làm việc và cống hiến thêm sức lực cho Công ty.
Trong đơn, bà cũng chia sẻ bà hài lòng và lấy làm vinh dự lớn được làm việc tại Vinatrans trong hơn 28 năm qua và đặc biệt trong 3 năm qua, công ty đã đề bạt lên vị trí lãnh đạo quản lý cấp cao.
Bà Lê Hoàng Như Uyên sinh năm 1973, có trình độ cử nhân Kinh tế chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại và cử nhân Khoa học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh. Bà đã công tác tại Vinatrans từ năm 1996 và ngày 26/2/2021, bà Uyên được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Vinatrans, khoảng 1 tháng sau, bà trúng cử Thành viên HĐQT của Vinatrans.
Cá nhân bà Uyên đang sở hữu 6.000 cổ phiếu VIN, tính theo giá thị trường ngày 17/5 có giá trị 126 triệu đồng. Trong năm vừa rồi, thu nhập của bà Uyên tại Vinatrans là 513 triệu đồng/năm, tương ứng với 42,75 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, bà Uyên đang giữ chức Thành viên HĐQT tại CTCP Giao nhận vận tải Ngoại thương (VNT), CTCP Vinafreight (VNF) và CTCP Giao nhận Vận tải miền Trung (VMT).
Theo tìm hiểu, CTCP Giao Nhận Kho Vận Ngoại Thương Việt Nam (Vinatrans) được thành lập vào ngày 14/7/1975 với ngành nghề kinh doanh: giao nhận và vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu; đại lý tàu biển; đại lý và tổng đại lý cho các hãng hàng không các dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách... Doanh nghiệp này được cổ phần hóa vào năm 2010 và lần đầu giao dịch cổ phiếu trên UPCoM vào năm 2014.
Tính đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của doanh nghiệp này ở mức 255 tỷ đồng, trong đó tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) đang nắm hơn 95% vốn. Ông Nguyễn Minh Huy hiện đang là Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này.
Về tình hình kinh doanh, hàng năm Vinatrans vẫn mang về hàng trăm tỷ đồng doanh thu và hàng chục tỷ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên trong năm 2023, doanh nghiệp này đã chứng kiến kết quả kinh doanh giảm mạnh, thấp nhất trong 4 năm qua. Cụ thể, năm ngoái Vinatrans mang về 142 tỷ đồng doanh thu, hơn 43 tỷ lợi nhuận ròng, lần lượt giảm 33,5% và 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thực tế, lợi nhuận gộp của Vinatrans nhỏ hơn nhiều so với lợi nhuận ròng. Công ty này thường có một nguồn thu nhập khác là khoản cổ tức từ các công ty con và công ty liên kết với con số vài chục tỷ mỗi năm.
Trong năm 2024, doanh nghiệp này đặt mục tiêu khiêm tốn với doanh thu 130 tỷ đồng, lãi sau thuế 16 tỷ đồng, giảm mạnh so với 2023. Tuy nhiên, công ty này vẫn có truyền thống đặt mục tiêu thấp.
Trong quý 1, Vinatrans ghi nhận doanh thu thuần đạt 28,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 9,9 tỷ lần lượt giảm 14% và 15% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 589 tỷ đồng, giảm 3 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi của công ty ở mức 155 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Vinatrans (62%) là khoản đầu tư tài chính dài hạn, đạt 366 tỷ đồng. Đây là số tiền doanh nghiệp này đầu tư vào các công ty liên kết.
Hàng năm, công ty này vẫn trả cổ tức đầu đặng bằng tiền mặt, con số sẽ giao động từ 5%-19%. Năm 2022 là năm công ty trả cao nhất với mức 19%. Trên thị trường chứng khoán, hiện cổ phiếu VIN của doanh nghiệp này có mức giá 21.000 đồng/cp nhưng đã một thời gian dài không có thanh khoản.
Xem thêm tại cafef.vn