Công ty vàng SJC đang làm ăn ra sao?

sjc

Lợi nhuận SJC thu hẹp sau khi không còn chủ động sản xuất vàng miếng. Nguồn: SJC

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC được thành lập từ 1988, là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM. Đến 2010, công ty chuyển đổi với tên gọi mới Công Ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC (Saigon Jewelry Company Limited).

Qua quá trình phát triển, công ty đã xây dựng được thương hiệu vàng miếng SJC trở thành thương hiệu quốc gia với giá trị tích trữ, tính thanh khoản cao. Vào thời kỳ đỉnh cao (2007 – 2011), vàng miếng SJC chiếm đến 90% giao dịch vàng, chiếm 85% lượng vàng mà người dân và tổ chức nắm giữ, còn được dùng để thanh toán giao dịch bất động sản.

Tuy nhiên, diễn biến bất ổn của giá vàng lặp đi lặp lại khiến tỷ giá không ổn định, đồng nội tệ suy yếu, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản rơi vào ảm đạm. Do vậy, vào tháng 4/2012, Chính phủ đã ban hàng Nghị định 24 về quản ký kinh doanh vàng với chủ trương “chống vàng hóa” nền kinh tế. Kể từ đó, Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và chỉ thuê Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn gia công khi có nhu cầu dưới sự giám sát của nhà điều hành.

Qua hơn 10 năm, Nghị định 24 đã hoàn thành nhiệm vụ, diễn biến giá vàng, tỷ giá và tình hình kinh tế vĩ mô ổn định. Song, các tháng cuối năm 2023 giá vàng miếng SJC liên tục nhảy múa, chênh lệch với giá vàng thế giới có thời điểm nhảy vọt lên 20 triệu đồng/lượng. Qua đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đã đến lúc cần đánh giá, tổng kết lại những mục tiêu, chính sách Nghị định 24 và có sự thay đổi cho phù hợp tình hình mới.

Nhìn lại, Nghị định 24 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn. Việc không còn được chủ động trong sản xuất vàng miếng khiến doanh thu công ty lao dốc. Năm 2011 có thể nói là năm thăng hoa của SJC khi doanh thu đạt kỷ lục 111.000 tỷ đồng, doanh nghiệp được xếp hàng thứ 4 trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Song, sang năm 2012, doanh thu giảm về 72.050 tỷ đồng và các năm sau đó tiếp tục xuống vùng 16.025 tỷ đồng mới phục hồi. Vào năm 2022, doanh thu SJC đạt 27.154 tỷ đồng, mức cao nhất trong gần 10 năm.

Về mặt lợi nhuận, theo báo cáo với Ngân hàng Nhà nước, trước năm 2012, lợi nhuận SJC đạt hơn 300 – 400 tỷ đồng/năm (90 – 95% từ sản xuất vàng miếng). Năm 2012 ghi nhận 295 tỷ đồng và 2013 là 191 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nhờ có sự đóng góp lớn của hoạt động tài chính, lên đến gần 250 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, kể từ năm 2014 đến nay, lợi nhuận SJC luôn dưới mức 100 tỷ đồng. 

vang-sjc

Từ chỗ lợi nhuận kinh doanh vàng miếng chiếm 90 – 95% thì chỉ còn đóng góp 7% lợi nhuận công ty (số liệu 2015). Nguồn thu nhập từ gia công vàng miếng kể từ năm 2015 không còn nhiều do Ngân hàng Nhà nước chủ trương hạn chế lưu thông và tiêu dùng vàng miếng. Ngoài ra, việc phải thực hiện thoái vốn theo đề án tái cơ cấu khiến nguồn thu nhập từ hoạt động tài chính từ 2015 cũng không còn như các năm trước.

Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đó là biên lợi nhuận gộp có sự cải thiện. Năm 2012, biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 0,33% nhưng các năm sau đó tăng lên 0,6 – 0,9%.  Dù vậy, mức biên lợi nhuận gộp này vẫn rất thấp khi so với doanh nghiệp cùng ngành là Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ) – biên lợi nhuận gộp ở mức 18 – 20% mỗi năm.

Trong sản xuất và kinh doanh vàng, vàng miếng tuy mang lại doanh thu lớn nhưng biên lợi nhuận gộp mỏng, trong khi mảng trang sức có biên lợi nhuận tốt hơn. Sự cải thiện trong biên lợi nhuận gộp của SJC chính là nhờ chuyển hướng sang phát triển nữ trang.

Doanh nghiệp ý thức được và đã thành lập bộ phận sản xuất nữ trang từ 2007 nhưng phải đến 2012 mới thực sự tập trung thực hiện đề án “Phát triển nữ trang giai đoạn 2012 – 2015”, định hướng kinh doanh nữ trang bao gồm cả phân khúc phổ thông và nữ trang cao cấp trong phạm vi cả nước, mở rộng ra vài thị trường quốc tế. Công ty đã đầu tư xí nghiệp nữ trang Tân Thuận công suất 1 triệu sản phẩm/năm, khánh thành vào tháng 5/2012. Kết hợp với đó, SJC tập trung phát triển mạng lưới bán lẻ và đạt 37 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2015.

Tính đến cuối năm 2022, công ty có tổng tài sản 1.740 tỷ đồng, tập trung ở hàng tồn kho. SJC không có nợ vay dài hạn và vay ngắn hạn ghi nhận 101 tỷ đồng.

Doanh nghiệp có 38 đơn vị trực thuộc gồm chi nhánh và cửa hàng, trải dài từ Bắc vào Nam; 5 công ty con và 5 đơn vị liên kết. Trong các công ty con, chỉ Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý SJC Cần Thơ mang lại lợi nhuận cho công ty mẹ, các đơn vị còn lại hoạt động kinh doanh thua lỗ.

Hiện nay, mục tiêu của công ty là đầu tư sản xuất kinh doanh nữ trang, hoàn thiện công tác cổ phần hóa và tái cơ cấu theo quyết định của Ủy ban nhân dân TP.HCM. Công ty cũng có chiến lược mở rộng thị trường kinh doanh sang khu vực Đông Nam Á.

Xem thêm tại nhadautu.vn