Coteccons (CTD): ‘Bánh lái’ sau cuộc tranh chấp vương quyền và ‘cú ngược dòng’ chiếm lĩnh vị thế đầu ngành xây dựng
CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) được biết đến là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng với việc sở hữu hàng loạt gói thầu trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Sau “mớ hỗn độn” từ các cuộc tranh đấu nội bộ , thay đổi thượng tầng, mất hợp đồng, doanh thu lao dốc, nợ xấu tăng vọt... Coteccons dần trở lại với những dấu ấn tích cực trong tình hình kinh doanh.
Cơn sóng dữ trong cuộc bể lâu
Vào tháng 10/2020, ông Nguyễn Bá Dương đã thông báo quyết định từ chức Chủ tịch và rời ghế HĐQT của Coteccons. Quyết định này đặt dấu chấm hết cho 17 năm đương nhiệm của ông Dương với tư cách "kiến trúc sư trưởng" và linh hồn của Coteccons.
Dưới thời ông Nguyễn Bá Dương, Coteccons từng gắn với 2 từ "thần tốc" trong việc đáp ứng tiến độ thi công công trình và trúng thầu loạt dự án nghìn tỷ đồng như Times City Park Hill, Vinhomes Central Park, Masteri Thảo Điền, Landmark 81…
Đỉnh điểm vào năm 2017, doanh thu công ty vượt trên 27.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lập kỷ lục 1.650 tỷ đồng. Cùng với kết quả kinh doanh tích cực, giá cổ phiếu CTD ghi nhận đà tăng gần 500% từ tháng 3/2015 đến tháng 11/2017, đưa thị giá lên đỉnh thời đại 158.x (đã điều chỉnh) - mức giá mà gần 8 năm trở lại đây Coteccons chưa thể đạt được.
Tuy nhiên, sau những sự phát triển vũ bão cùng với “đối tác chiến lược” đến từ Singapore - Kustocem Pte. Ltd, nhóm cổ đông này và ban lãnh đạo Coteccons nảy sinh các mâu thuẫn liên quan đến các cáo buộc về xung đột lợi ích của các công ty trong nhóm Coteccons Group, trong đó có Ricons.
Sau những cuộc họp không tìm được tiếng nói chung, ông Nguyễn Bá Dương đã “dứt áo ra đi” sau 17 năm gắn bó, người thay thế là ông Bolat Duisenov, Thành viên HĐQT Coteccons kiêm Tổng Giám đốc Kusto Việt Nam.
Không những thế, hàng loạt các nhân sự lâu năm trong ban điều hành của Coteccons cũng nối gót theo ra đi. Minh chứng cho thấy số lượng nhân sự của tập đoàn vào cuối năm 2020 chỉ còn 1.659 người, giảm gần 30% so với con số 2.272 người vào cuối năm 2019.
Nguồn: Tự tổng hợp |
Đánh mất ngôi vị bá vương - Hiện tượng nhất thời hay nguy cơ dài hạn?
Sau khi ông Nguyễn Bá Dương rời đi, Coteccons bắt đầu tái cấu trúc Tập đoàn với mục tiêu đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, tiến vào các lĩnh vực tổng thầu EPC, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã giáng đòn nặng nề vào tình hình hình kinh doanh của Coteccons khi để “vuột mất” nhiều gói thầu và các công trình phải tạm ngừng xây dựng.
Minh chứng cho thấy kết quả kinh doanh của Coteccons bắt đầu sa sút từ quý IV/2020, đặc biệt trong quý III/2021, công ty chỉ ghi nhận hơn 1.070 tỷ đồng doanh thu - chỉ bằng 1/2 so với con số mà Xây dựng Hòa Bình (HBC) đạt được là 2.092 tỷ đồng.
Không những thế, việc kinh doanh sa sút cũng khiến cho giá cổ phiếu CTD chưa thể bứt phá kéo theo giá trị vốn hóa trên thị trường giảm mạnh, ghi nhận ở mức 5.500 tỷ đồng vào ngày 10/11, trong khi Hòa Bình ghi nhận ở mức 5.745 tỷ đồng.
Vượt mọi lĩnh vực từ doanh thu, lợi nhuận đến vốn hóa, Hòa Bình đã "soái ngôi vương" của Coteccons để trở thành nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam. Dù vậy theo Chủ tịch HĐQT Coteccons Bolat Duisenov nhận định: "Đó chỉ là hiện tượng tạm thời trong bối cảnh khó khăn chung của cả ngành". Dù vậy, đây cũng là tiếng chuông cảnh báo về hiệu quả kinh doanh sa sút của Tập đoàn.
Coteccons giành được nhiều hợp đồng triệu USD nhờ 'nước đi đặc biệt' |
“Quả ngọt” sau 3 năm tái cấu trúc
Sau những năm chìm trong khó khăn, Coteccons bắt đầu phục hồi từ quý II/2022 với doanh thu mỗi quý vượt trên 3.000 tỷ đồng. Kết thúc năm 2022, Coteccons ghi nhận doanh thu 14.537 tỷ đồng, tăng tới 60% so với năm trước. “Bước nhảy vọt” này giúp Coteccons lấy lại ngôi vị doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam (xét theo doanh thu) từ tay Hòa Bình.
Bước sang năm 2023, bất chấp thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng và ngành xây dựng đối diện nhiều khó khăn, Coteccons ghi nhận 6.744 tỷ đồng doanh thu, tăng 30% so với cùng kỳ và 52 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tới 862% so với cùng kỳ.
Bằng việc sử dụng chiến lược “repeat sales” và áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG trong hoạt động kinh doanh đã giúp cho Coteccons có lợi thế giành được các hợp đồng triệu USD từ đối tác nước ngoài lớn như dự án xây dựng nhà máy VinFast của Vingroup, nhà máy LEGO của Tập đoàn LEGO…
Bên cạnh đó, Coteccons quyết định đầu tư xây dựng ở nước ngoài dưới hình thức thành lập công ty con - Công ty Coteccons Constructions với số vốn đầu tư là 5 triệu USD (khoảng 127 tỷ đồng). Quyết định này mở ra những cơ hội đầu tư cho Tập đoàn trên hành trình xuất ngoại cùng với kỳ vọng sớm hiện thực hóa mục tiêu 1 tỷ USD vốn hóa và 3 tỷ USD doanh thu.
Đi lên bằng thực lực, giá cổ phiếu CTD đã mang lại nhiều “quả ngọt” cho nhà đầu tư với mức tăng hơn 250% kể từ vùng đáy tháng 11/2022 đến nay, đưa vốn hóa thị trường lên mức 6.500 tỷ đồng. Cũng trong thời điểm này, thanh khoản cổ phiếu chứng kiến sự gia tăng rõ rệt lên với phiên giao dịch lịch sử - đạt hơn 5,6 triệu cổ phiếu sang tay.
Có thể thấy, khó khăn của ngành xây dựng vẫn còn tồn tại cùng những trắc trở của thị trường bất động sản. Tuy nhiên “nước đi đặc biệt” cùng với lợi thế trong ngành xây dựng đã giúp Coteccons lấy lại ngôi vương sau một năm đánh mất. Và hơn hết, hàng nghìn cổ đông vẫn đang đặt kỳ vọng vào những chuyển biến tích cực của Tập đoàn trước những cơ hội đầu tư tại thị trường trong và ngoài nước.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn