CTCK mở rộng danh mục tự doanh lên gần 9 tỷ USD, một ông lớn chiếm 23%
Hoạt động tự doanh là chìa khóa giúp công ty chứng khoán (CTCK) có những khoản lợi nhuận đáng kể trong một năm 2023 tăng trưởng của thị trường (VN-Index tăng 12%).
Mảng tự doanh bao gồm tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) và các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS).
Người viết tổng hợp ba danh mục FTVTL, AFS và HTM để phản ánh hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán. Theo dữ liệu thống kê, tổng tài sản tự doanh của 71 CTCK hàng đầu tại thời điểm cuối năm 2023 đạt xếp xỉ 214.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8,8 tỷ USD (tạm tính theo tỷ giá 1 USD = 24.400 đồng). Trong đó, FVTPL chiếm hơn 134.000 tỷ đồng (63%), HTM hơn 51.000 tỷ đồng (24%) và AFS khoảng 28.000 tỷ đồng (13%).
Tổng giá trị danh mục tự doanh đã gia tăng 13% so với thời điểm 3 tháng trước (gần 190.000 tỷ đồng), chủ yếu đến từ FVTPL. Top 10 CTCK có khoản tự doanh lớn nhất sở hữu danh mục trên 140.000 tỷ đồng, chiếm 66% giá trị tự doanh toàn ngành và tăng 19% so với cuối tháng 9 (khoảng 118.000 tỷ đồng).
Tăng trưởng tài sản tự doanh có sự đóng góp đáng kể của Chứng khoán SSI. Ông lớn ngành chứng khoán có tổng tài sản tự doanh cuối năm (công ty mẹ) đạt trên 49.000 tỷ đồng, tăng 43% tương đương gần 14.700 tỷ đồng sau 3 tháng.
Theo đó, SSI tiếp tục giữ vị trí đầu tư tự doanh lớn nhất, với tỷ trọng 23% toàn ngành. VNDirect duy trì vị trí thứ hai với hơn 24.000 tỷ đồng, đi ngang so với 3 tháng trước. Các đơn vị tiếp theo lần lượt là TCBS, VPBankS, VPS, Vietcap, song con số đã sụt giảm.
Trong khi đó, nhiều đơn vị nhóm sau gia tăng đáng kể giá trị đầu tư, gồm KBSV, ACBS, VCBS hay VIX.
Sau khi bán ra lượng lớn cổ phiếu và trái phiếu đầu tư trong quý III, Chứng khoán VIX quay lại ghi nhận giá trị tự doanh tăng 48%, tương ứng với gần 1.900 tỷ đồng trong quý IV.
Chứng khoán ACB (ACBS) cũng gia tăng đáng kể giá trị tự doanh trong quý cuối năm, với mức tăng 48%, tương ứng với gần 2.100 tỷ đồng, lên mức 6.400 tỷ đồng và xếp thứ 8 toàn ngành.
Về cơ cấu giữa 3 loại tài sản FVTPL, HTM và AFS, đa số các đơn vị vẫn tập trung giá trị lớn nhất tại FVTPL. Tại nhóm 10 CTCK có tự doanh lớn nhất, giá trị FVTPL chiếm tổng cộng 67% (khoảng 2/3) danh mục.
Tự doanh của Chứng khoán VIX và VCBS nắm giữ toàn bộ là FVTPL, với giá trị cuối kỳ lần lượt khoảng 5.800 tỷ đồng và 6.203 tỷ đồng.
Trong 3 tháng cuối năm, VPBankS đã phát sinh khoản AFS 513 tỷ đồng, ngược lại FVTPL giảm hơn 1.500 tỷ đồng. Mảng tự doanh có giá trị cuối kỳ hơn 11.800 tỷ đồng, giảm 8% so với cuối quý III, với 96% là FVTPL.
FVTPL của SSI đã gấp rưỡi so với cuối quý III, lên trên 43.700 tỷ đồng và chiếm 89% cơ cấu tự doanh. Kế đến là HTM 10% và AFS 1%.
Các đơn vị có tỷ trọng FVTPL cao còn có Chứng khoán VNDirect (69%), VPS (77%), SHS (88%).
Tỷ trọng HTM trong top 10 CTCK chiếm 17% còn AFS 16%. Các đơn vị đầu tư nhiều vào HTM kể đến như ACBS (80%), KBSV (48%).
TCBS và Vietcap là các đơn ghi nhận tự doanh lớn nhất tại AFS. Giá trị tự doanh cuối kỳ đạt lần lượt khoảng 16.300 tỷ đồng và 6.400 tỷ đồng, với 92-93% là AFS.
Năm 2024, triển vọng của nhóm CTCK sẽ chủ yếu đến từ kỳ vọng diễn biến chỉ số và thanh khoản tích cực hơn nhờ môi trường lãi suất thấp, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, giúp kết quả kinh doanh dự kiến khởi sắc ở cả hai mảng môi giới và tự doanh.
Xem thêm tại vietnambiz.vn