CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC): Vững vàng sứ mệnh nông nghiệp, bền bỉ kiến tạo giá trị, tự hào nhìn lại chặng đường đầy gian khó nhưng vinh quang

Trong năm 2023, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi giá nguyên liệu tăng, giá phân bón giảm, nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp, cạnh tranh với phân bón nhập khẩu ngày càng cao…

Tuy nhiên, PVCFC đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong quản trị, SXKD và đạt được kết quả ấn tượng, hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch năm cũng như kế hoạch quản trị theo Nghị quyết 529 của Tập đoàn.

Nguồn: PVCFC

PVCFC ghi nhận tổng sản lượng tiêu thụ phân bón các loại trong năm 2023 ước đạt hơn 1,3 triệu tấn sản phẩm, tăng 20% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng tiêu thụ urê ước đạt 866 nghìn tấn. Đặc biệt, PVCFC đã xâm nhập và phát triển thành công thị trường NPK với sản lượng tiêu thụ trong năm ước đạt được 140 ngàn tấn bằng 192% so với năm 2022.

Một điểm sáng nổi bật của Phân bón Cà Mau trong năm 2023 là mở rộng xuất khẩu phân bón, góp phần gia tăng doanh thu khi thị trường trong nước trầm lắng, nhu cầu giảm để giảm áp lực tồn kho. Tính đến nay, Phân bón Cà Mau đã xuất khẩu qua hơn 18 quốc gia với sản lượng xuất khẩu trong năm 2023 dự tính đạt 344 nghìn tấn, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng tiêu thụ; giá trị xuất khẩu dự kiến đạt 136 triệu USD, chiếm khoảng 25% doanh thu các sản phẩm phân bón.

Theo BCTC năm 2023, nhờ nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh hiệu quả mà PVCFC đạt được các chỉ số khá ấn tượng, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm với doanh thu ước đạt 12.950 tỷ đồng. Kết quả hoạt động kinh doanh Quý 4/2023 của PVCFC, doanh thu đạt 3.512,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trong kỳ đạt 537,3 tỷ đồng. Lũy kết cả năm lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.255 tỷ đồng, hoàn thành 122% kế hoạch năm 2023 sau điều chỉnh.

Khai Xuân Giáp Thìn 2024, công ty đánh dấu bước tiến khi xâm nhập thành công vào 2 thị trường khó tính là Úc và Newzealand. Hai lô hàng urê chính thức khởi động năm, với mục tiêu phát triển kinh doanh quốc tế, mạnh mẽ hơn, quy mô hơn.

Thành công này khẳng định chất lượng vượt trội của sản phẩm Phân bón Cà Mau. Bởi Úc và Newzealand là hai đất nước có nền nông nghiệp phát triển bậc nhất thế giới. Riêng NewZealand là cường quốc nông nghiệp nổi tiếng tiêu chuẩn cao, đặc biệt với phân bón.

Với sức bền vận hành liên tục và cường độ cao từ 110% - 115% công suất thiết kế, đã đưa Nhà máy Đạm Cà Mau chinh phục các giải thưởng/danh hiệu quan trọng. Hai lần được Nhà bản quyền Haldor Topsoe cấp chứng chỉ vận hành liên tục hơn 350 ngày, Top 10% nhà máy có tiêu hao năng lượng thấp nhất toàn cầu (tính trên 1 tấn sản phẩm) năm 2020 của Haldor Topsoe; Đạt kỷ lục vận hành ổn định và liên tục của cụm Tạo hạt là 45 ngày từ Nhà bản quyền TOYO.

Năm 2024, PVCFC sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô SXKD mà điển hình là việc sẽ thực hiện M&A nhà máy NPK và nâng tổng công suất sản xuất sản phẩm NPK lên 660.000 tấn/năm (với giá trị đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, trong đó: Vốn chủ sở hữu 420 tỷ đồng, vốn vay: 180 tỷ đồng). Việc mua lại công ty sẽ giúp PVCFC nâng cao công suất NPK, thêm một thương hiệu, giúp phát triển thị trường tốt hơn. Bên cạnh đó, PVCFC cũng đang tập trung phát triển kho cảng đầu mối để giúp cho việc tồn trữ hàng hóa nhập khẩu trước khi đưa đến các vùng thị trường được hiệu quả hơn.

Đặc biệt trọng tâm của kế hoạch đầu tư là Trung tâm Nghiên cứu phát triển của PVCFC tại huyện Thạnh Hóa, Long An với diện tích gần 23ha. Đây sẽ là trung tâm nghiên cứu lớn nhất khu vực Đông Nam Á về nông nghiệp nói chung gồm: phân bón, giải pháp canh tác, thu hoạch và chế biến sau thu hoạch. Hiện Dự án đã xong các thủ tục đầu tư, đang chuyển sang bước xây dựng hạ tầng.

Ngoài ra, công ty đang triển khai thực hiện các dự án tối ưu hóa vận hành sản xuất trong đó có Dự án thu hồi CO2 để chế biến thành CO2 thực phẩm, dự án sản xuất khí công nghiệp ngay tại nhà máy hiện hữu; đầu tư hệ thống xuất hàng hóa để tiết kiệm chi phí bốc dỡ, bao bì, đóng và xé khi thực hiện xuất khẩu.

Trong năm 2024, PVCFC tiếp tục thúc đẩy chương trình chuyển đổi số. Hiện công ty đã hoàn tất chương trình “Nhà máy thông minh” với những ứng dụng khá hiệu quả trong giám sát vận hành, bảo trì bảo dưỡng nhà máy. Và tiến tới sẽ kết nối các mảng hoạt động của nhà máy trên nền tảng ứng dụng kỹ thuật số.

PVCFC đã có hệ sinh thái số khá đa dạng như: Hệ thống ERP, hệ thống văn phòng điện tử (Eoffice), hệ thống số hóa hoạt động kinh doanh (DMS), dịch vụ khách hàng (CRM), hệ thống quản lý nhân sự (HRM), hệ thống số hóa hoạt động tiếp thị truyền thông (CRM), App 2Nông và mới đây nhất là ứng dụng người nhân tạo “Anh Hai Cà Mau”... Việc ứng dụng chuyển đổi số để thay đổi mô hình kinh doanh của PVCFC trong thời gian tới sẽ tiếp tục được khai thác rất mạnh.

Theo BCPT cổ phiếu DCM từ các CTCK trong 3 tháng trở lại đây, giá mục tiêu 1 năm của DCM bình quân quanh ngưỡng 39,393 đồng/cổ phiếu, cao hơn 14,5% so với giá chốt phiên ngày 05/03/2024.

Nguồn: Tổng hợp từ các BCPT độc lập của các CTCK trong tháng gần nhất.

Báo cáo cập nhật của Chứng khoán Dầu Khí (PSI) cũng đánh giá DCM là một trong những doanh nghiệp có tỉ lệ tiền ròng trên cổ phần ở mức cao nhất trên thị trường. Doanh nghiệp cũng có kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt ít nhất 10% cho năm 2024. Đây sẽ là điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư tìm kiếm sự ổn định trong giai đoạn khó khăn của thị trường. Đứng trước bức tranh toàn cảnh nhiều biến động của thị trường phân bón trong và ngoài nước,DCM là một lựa chọn để nhà đầu tư quan sát.

Xem thêm tại vietnambiz.vn