Cú bắt tay của các 'đại gia' BOT tại dự án cao tốc 40.000 tỷ và thương vụ CII đầu tư vào HUT: Đang lỗ hơn 60 tỷ

Cùng với HUT, cao tốc Tp.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận cũng là dự án được quan tâm tại CII

Cú bắt tay của các 'đại gia' BOT tại dự án cao tốc 40.000 tỷ và thương vụ CII đầu tư vào HUT: Đang lỗ hơn 60 tỷ

Ngày 15/2/2025, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức đối tác công tư.

Được biết, dự án có tổng mức đầu tư 39.800 tỷ đồng, tổng chiều dài hơn 96km, điểm đầu tại nút giao Chợ Đệm (huyện Bình Chánh, Tp.HCM) và điểm cuối tại đầu cầu phía Bắc cầu Mỹ Thuận 2 (huyện Cái Bè, Tiền Giang).

Tuyến cao tốc này giúp kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Tp.HCM, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, sân bay quốc tế Long Thành và các cảng biển trọng yếu của miền Nam.

Dự án 40.000 tỷ và “ván cược” đầu tư cổ phiếu của CII

Liên danh nhà đầu tư đề xuất gồm: CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII) - CTCP Tập đoàn Đèo Cả (DCG) - CTCP Tasco (HUT) - Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng Hoàng Long - Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Đầu tư CII.

Trên thị trường ngày 18/2, cổ phiếu HUT của Tasco nhanh chóng tăng hết biên độ, đạt 17.900 đồng/cp với thanh khoản gần 9 triệu cổ phiếu. Tuyến cao tốc Tp.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận cũng là một trong những dự án trọng điểm của HUT trước cú chuyển mình vào giữa năm 2023.

screen-shot-2025-02-18-at-18.30.27.png

Cùng với HUT, đây cũng là dự án được quan tâm tại CII. Công ty đã nhiều lần “tung tiền” mời cổ đông dự họp để có thể thông qua chủ trương dự án, cùng với loạt dự án cao tốc trọng điểm khác.

Riêng giai đoạn 2 tuyến cao tốc Tp.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, tại cuộc họp ĐHĐCĐ tháng 9/2023, CEO Lê Quốc Bình cũng trao đổi về việc CII đang giữ 5% cổ phiếu HUT. “Ý đồ” sở hữu mã này của CII là do hai bên đang có quan hệ tại dự án quy mô rất lớn.

Trong quý 2/2023, CII đã mua 17,32 triệu cổ phiếu HUT, tương đương với 4,97% vốn điều lệ của Tasco với giá gốc 335 tỷ đồng, bình quân 19.446 đồng/cp.

screen-shot-2025-02-18-at-18.10.17.png

Báo cáo kiểm toán quý 2/2024 cho biết, tính đến 30/6/2024, CII vẫn đang nắm hơn 18 triệu cổ phiếu HUT, ghi lỗ hơn 81 tỷ đồng. Dù chia sẻ với cổ đông “nếu thị giá HUT lên sẽ bán”, song CII vẫn nắm giữ và bỏ qua nhiều đỉnh cao của mã này (đỉnh cao nhất đạt đến 35.000 đồng/cp vào tháng 1/2022).

Tại BCTC năm 2024 (chưa kiểm toán), tính đến cuối năm CII vẫn đang nắm hơn 11 triệu cổ phiếu HUT, ghi lỗ 61 tỷ đồng.

Tạm tính theo thị giá ngày 18/2 của HUT, giá trị thị trường của khoản đầu tư này của CII vào mức 329 tỷ đồng, tương ứng CII vẫn còn lỗ 61 tỷ.

Từ “trùm” BOT đến cú chuyển mình trở thành DN phân phối ô tô lớn nhất nước 

Về HUT, tại thời điểm trước khi lên sàn (2008), Công ty tập trung chủ yếu vào mảng xây lắp, nên 90% cơ cấu doanh thu của Tasco đến từ lĩnh vực này.

Thay đổi đáng chú ý đầu tiên vào tháng 10/2021, HUT chuyển giao dàn lãnh đạo mới. Đồng thời, Công ty cũng công bố chiến lược tái cấu trúc, tập trung vào các hoạt động cốt lõi gồm Hạ tầng giao thông BOT, thu phí không dừng (VETC), bất động sản.

Năm 2016, doanh thu đạt đỉnh cao nhờ việc bàn giao nhà cho khách hàng. Sang đến năm 2017, Tasco bắt đầu chứng kiến sự sụt giảm về mặt doanh thu khi các hợp đồng xây dựng và dự án bất động sản bị chậm tiến độ, chưa được bàn giao.

Kể từ đó, lợi nhuận Công ty liên tục sa sút, đỉnh điểm năm 2020 thua lỗ tới 243 tỷ đồng. HUT giải trình nguyên nhân thua lỗ phần lớn do ảnh hưởng từ số lỗ của dự án VETC.

Đến tháng 9/2023, HUT đã phát hành riêng lẻ 544 triệu cổ phiếu để hoán đổi 100% cổ phần với các cổ đông của CTCP SVC Holdings. Với tỷ lệ hoán đổi 1:1, vốn điều lệ của doanh nghiệp tăng 5.438 tỷ đồng, đạt 8.925 tỷ đồng. Lúc bấy giờ, con số này cũng giúp vốn hóa của Tasco tiệm cận với một số tên tuổi như Đô thị Kinh Bắc, Khang Điền hay REE.

Năm 2023, doanh thu HUT tăng lên tầm cao mới sau khi sáp nhập SVC, đóng góp chính là doanh thu bán hàng hoá với hơn 8.800 tỷ đồng. Dù vậy, mảng thu phí vẫn đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng cho Công ty.

screen-shot-2025-02-18-at-18.31.17.png

Đáng nói, SVC về vốn hoá lớn hơn HUT khá nhiều, được biết đến là doanh nghiệp đứng đầu thị phần kinh doanh ô tô tại Việt Nam với sản lượng bán 42.834 xe mới năm 2022, chiếm 11,9% thị phần xe bán ra của cả nước.

Như vậy, với sự sáp nhập này, một bước HUT chuyển mình từ doanh nghiệp bình thường, chuyên BOT thành một trong số ít các doanh nghiệp tỷ đô trên sàn chứng khoán và là doanh nghiệp số 1 về hệ sinh thái ô tô tại Việt Nam.

Theo giới phân tích, việc sáp nhật của SVC rất quan trọng vì các mảng kinh doanh cốt lõi của HUT như VETC hay bất động sản đang nằm ở dạng đầu tư cho tương lai, nên cần một nguồn vốn lớn, một dòng tiền lớn để tài trợ. Và nguồn tiền từ SVC với lợi nhuận vài trăm tỷ mỗi năm chính là yếu tố quyết định cho sự chuyển mình của HUT.

Ngày 29/8/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.Hà Nội cấp giấy xác nhận thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho HUT. Theo đó, doanh nghiệp chuyển từ ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản và phát triển nhà ở sang hoạt động đại lý ô tô và xe có động cơ khác, không bao gồm hoạt động đấu giá.

Không chỉ đổi tên thành Tasco Auto, HUT cũng khẳng định việc đầu tư nghiêm túc vào mảng ô tô khi tăng cường sở hữu tại các công ty ô tô lớn khác như Bình Dương Ford (94%), Honda Cần Thơ (87%), và Hyundai Bình Định (71%).

Công ty cũng vừa hoàn tất thâu tóm 100% Công ty TNHH Sweden Auto - nhà phân phối chính thức xe Volvo tại Việt Nam. Bên cạnh đó, HUT còn đẩy mạnh việc xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô, với mục tiêu ra mắt sản phẩm đầu tiên trong năm 2025.

Xem thêm tại markettimes.vn