Cú bắt tay ra mắt nhà máy AI sẽ đem lại "bước nhảy" đột biến về doanh thu cho FPT?
Giữa tháng 11/2024, FPT đã chính thức ra mắt FPT AI Factory tại Việt Nam và Nhật Bản, cùng với công bố hệ sinh thái đối tác với NVIDIA, SCSK, ASUS, Hewlett Packard Enterprise, VAST Data và DDN để thúc đẩy phát triển và vận hành của dự án.
Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán SSI đánh giá so với cơ sở hạ tầng AI của các đối thủ tại Nhật Bản, FPT AI Factory là một giải pháp toàn diện để phát triển AI từ đầu đến cuối.
Cụ thể, FPT AI Factory bao gồm 4 nhóm sản phẩm chính: FPT AI Infrastructure, FPT AI Studio, FPT AI Inference and FPT AI Agents. Liên quan đến chiến lược giá, FPT không đặt mục tiêu với mức giá cao như các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn trên toàn cầu như Google và Microsoft, mà tương tự như các các công ty cùng ngành tại Nhật Bản. SSI Research cũng lưu ý rằng dịch vụ đám mây GPU của FPT sẽ được hỗ trợ bởi chip GPU NVIDIA H200 Tensor Core tại Nhật Bản và GPU NVIDIA H100 Tensor Core tại Việt Nam.
Đặc biệt, tính khẩn cấp về chuyển đổi số và thiếu hụt lao động CNTT của Nhật Bản tạo ra một điều kiện lý tưởng cho FPT AI Factory. Mặc dù đã có những nỗ lực, quá trình chuyển đổi số tại Nhật Bản vẫn theo sau Mỹ và nhiều quốc gia trong Châu Âu và kể cả một số nước APAC (như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc và Úc). Cũng theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), thiếu hụt lao động, đặc biệt là lực lượng lao động kỹ thuật số như chuyên gia AI/phân tích dữ liệu và thiết kế UI/UX là một trong những lý do chính khiến quá trình số hóa diễn ra chậm chạp. Những điều này sẽ hỗ trợ triển vọng tăng trưởng cho AI FPT Factory.
Theo FPT, công ty đang nhận đơn đặt hàng trước và đặt mục tiêu dự án sẽ tạo ra doanh thu từ năm 2025, với mục tiêu doanh thu là khoảng 100 triệu USD (công suất hoạt động là 90%), với biên lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao khoảng 50% và tỷ suất sinh lời nội bộ khoảng 25%. Con số này khả năng sẽ được phân loại vào mảng CNTT trong nước khi ghi nhận dưới công ty FPT Smart Cloud. Trong khi đó, SSI Research ước tính rằng doanh thu này tương đương khoảng 5% ước tính doanh thu mảng CNTT năm 2024.
Mảng CNTT nước ngoài là động lực tăng trưởng cho giai đoạn 2025-2026
Với năm 2025, SSI Research dự báo tăng trưởng LNTT có thể đạt gần 13.700 tỷ, với động lực chủ yếu nhờ mảng CNTT nước ngoài tiếp đà tăng trưởng và doanh thu từ FPT AI Factory. Cụ thể, tại mảng CNTT, doanh thu và LNTT mảng CNTT nước ngoài được dự báo tăng trưởng lần lượt đạt 29% và 31%. Đối với mảng CNTT trong nước, SSI dự báo doanh thu tăng 33% nhờ ra mắt FPT AI Factory, chiếm khoảng 20%-25% doanh thu CNTT trong nước và biên LNTT cải thiện đáng kể lên 7% (từ 4% trong năm 2024) do biên LNTT của FPT AI Factory tương đối cao (khoảng 20%).
Tại mảng viễn thông, SSI dự báo mảng này sẽ duy trì mức tăng trưởng một chữ số cho cả doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, mảng băng rộng cố định và Pay TV sẽ gia tăng thị phần nhờ cải thiện chất lượng dịch vụ. FPT cũng đang đầu tư một số giấy phép mới cho Pay TV. Đối với mảng trung tâm dữ liệu, trung tâm dữ liệu sắp tới (đặt tại Quận 9, TP.HCM) đang gặp một số vấn đề trì hoãn, chủ yếu liên quan đến vấn đề hậu cần liên quan đến thiết bị. Mục tiêu dự án sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025, song sự trì hoãn này sẽ chỉ có tác động nhỏ vào dự báo lợi nhuận do mảng trung tâm dữ liệu chỉ chiếm khoảng 3% doanh thu của mảng viễn thông. Ngoài ra, quảng cáo trực tuyến sẽ được thúc đẩy nhờ nền kinh tế tiếp tục phục hồi.
Đối với mảng giáo dục, đầu tư và các lĩnh vực khác, trong năm 2025 FPT mong đợi mức tăng trưởng cao hơn khi công ty có kế hoạch tập trung hơn vào các hoạt động xây dựng thương hiệu Tổ chức giáo dục FPT. Để thận trọng, SSI ước tính mức tăng trưởng tương tự như năm 2024 vào khoảng 17%. Trong tháng 11/2024, FPT công bố kế hoạch mở văn phòng giáo dục đại diện tại Nhật Bản, nhằm mục đích mở rộng các chương trình đào tạo, thúc đẩy việc trao đổi sinh viên và giao lưu văn hóa, cho thấy một động lực tăng trưởng mới cho mảng này trong dài hạn.
Sang năm 2026, SSI dự báo doanh thu và lãi ròng của FPT sẽ lần lượt đạt 91.200 tỷ đồng (tăng 18%) và 12.400 tỷ đồng (tăng 23%). Trong đó, mảng CNTT nước ngoài được kỳ vọng sẽ tiếp tục và trở thành động lực tăng trưởng chính trong dài hạn.
Xem thêm tại cafef.vn