Cú đấm bất ngờ

VN-Index mở tuần chậm chạp với những phiên điều chỉnh cùng thanh khoản thấp dần, đa số cổ phiếu đều không biến động quá nhiều, chỉ có một số cổ phiếu ngách đạt mức tăng tốt như TNH, VGC, VTP. Bất ngờ chỉ xảy ra vào phiên thứ Sáu (3/1/2025) khi lực cung mạnh từ các nhóm cổ phiếu trụ đã lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu khác khiến chỉ số chung giảm mạnh và đóng cửa ở mức thấp nhất tuần. Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng vốn là bệ phóng cho VN-Index bay cao trong thời gian qua bất ngờ gặp áp lực điều chỉnh mạnh, tiêu biểu như CTG, HDB, LPB…

Trên thế giới, Mỹ đối mặt với mức vỡ nợ thẻ tín dụng cao kỷ lục, đạt 46 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024, phản ánh sức ép tài chính lớn từ lạm phát và lãi suất cao. Sự suy yếu trong chi tiêu tiêu dùng, đặc biệt của các hộ thu nhập thấp, có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ từ 2,7% năm 2024 xuống 2,2% năm 2025. Điều này ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt các nhóm ngành phụ thuộc vào tiêu dùng và xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời gia tăng biến động dòng vốn tại các thị trường mới nổi như Việt Nam.

Ở Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đang hướng tới cải cách chính sách tiền tệ bằng cách tập trung vào lãi suất hơn là mục tiêu định lượng. Việc dự kiến cắt giảm lãi suất vào năm 2025 nhằm kích thích tín dụng và khôi phục niềm tin thị trường, đặc biệt trong bối cảnh bất động sản trầm lắng. Điều này có thể tạo cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc và cải thiện dòng vốn vào các thị trường khu vực.

Với bối cảnh hiện tại, VN-Index khả năng cao sẽ gặp áp lực điều chỉnh ngay đầu tuần này để kiểm định lại mốc 1.240 điểm. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, khả năng thủng mốc 1.240 điểm là khó có thể xảy ra, kịch bản cơ sở là VN-Index sẽ nhúng qua 1.240 điểm, sau đó hồi phục trên mốc này để có một cây nến rút chân ngay trong tuần.

Năm 2025, tỷ giá USD/VND dự kiến tiếp tục đối mặt nhiều thách thức khi các chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Donald Trump được triển khai. Việc áp thuế 60% lên hàng hoá Trung Quốc và 20% với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác khiến đồng USD tăng giá, gây áp lực giảm giá lên VND. Thêm vào đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài có nguy cơ dịch chuyển, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam. Dự báo, VND có thể mất giá từ 2,5-5% trong năm 2025, dù tình hình cung - cầu ngoại tệ trong nước vẫn ổn định.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể điều hành linh hoạt để giảm bớt biến động thông qua việc tăng lãi suất các ngân hàng Big4. Với chính sách tiền tệ thận trọng và sự điều chỉnh lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), áp lực tỷ giá có thể được kiểm soát, tránh gây xáo trộn lớn cho nền kinh tế.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn