"Cú đấm nồng độ cồn" không chừa đại gia nào: Lợi nhuận toàn ngành bia "bốc hơi" gần 1/4, Heineken phải "cắt máu" đóng cửa nhà máy từng nộp thuế nghìn tỷ
Tuy nhiên, hành động này phần nào cũng phản ánh sự khốc liệt của của thị trường kinh doanh đồ uống có cồn tại Việt Nam.
Bức tranh lợi nhuận xám màu
Theo Euromonitor, năm 2010, tổng sản lượng bia tiêu thụ tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 2,4 tỷ lít. Với dân số Việt Nam tước tính khoảng 88,5 triệu người tại thời điểm đó, bình quân mỗi người tiêu thụ khoảng 27,1 lít bia.
Hơn một thập kỷ sau, đến năm 2022, mức tiêu thụ bia của người Việt cải thiện lên 3,8 tỷ lít, xếp thứ 9 thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu ASEAN và thứ ba châu Á về mức tiêu thụ bia.
Mức tiêu thụ bia tăng, liên tục lọt top xếp hạng thị trường tiềm năng, nhưng bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này không tỷ lệ thuận.
Thông tin từ Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành bia giảm 11% doanh thu và 23% lợi nhuận trước thuế trong năm 2023. Trước đó, năm 2022, ngành này cũng chịu tăng trưởng âm 7%.
Cụ thể, lợi nhuận hai doanh nghiệp nổi bật ngành bia là Sabeco và Habeco "bốc hơi" hàng nghìn tỷ trong 2023. Theo kết quả kinh doanh của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), lợi nhuận sau thuế khoảng 4.255 tỷ đồng, giảm 23%. Nếu không tính giai đoạn đỉnh dịch 2021, con số này chạm đáy kể từ năm 2016.
Tương tự, CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - mã CK: BHN) cũng hụt hơi trong cuộc đua tăng trưởng. Doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần 7.757 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 355 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 30% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 là mức thấp thứ 2 kể từ khi lên sàn chứng khoán của Habeco, chỉ cao hơn con số năm 2021.
Cập nhật số liệu mới nhất, trong quý I/2024, hầu hết doanh thu của doanh nghiệp ngành bia tăng trưởng. Nhưng dưới nhiều áp lực mà lợi nhuận bị bào mòn dẫn đến tăng trưởng nhẹ, thậm chí có công ty vẫn báo lỗ.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, ngành này vẫn được hưởng lợi từ các hoạt động thể thao như Giải vô địch bóng đá châu Âu (UEFA Euro) 2024 hay Thế vận hội Mùa hè 2024 đều sắp diễn ra. Còn trong dài dạn, bất chấp cổ phiếu ngành bia cũng bắt đầu rục rịch tăng trở lại, nhiều nhóm phân tích tại công ty chứng khoán vẫn đánh giá còn nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Khó khăn không chỉ phản ánh qua doanh thu, chính việc doanh nghiệp vừa đóng cửa cũng phần nào phản ánh hiện thực khốc liệt của ngành này. Kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2024, Heineken đóng góp khoảng 20 tỷ đồng cho ngân sách Quảng Nam. Con số này kém xa so với thời hoàng kim của nhà máy vừa bị đóng cửa.
Trước đó, hồi 2018, nhà máy Heineken Quảng Nam là doanh nghiệp nhận đầu tư nước ngoài nộp thuế nhiều nhất tỉnh với sản lượng và doanh số tiêu thụ đều ở mức cao. 10 tháng đầu năm, nhà máy này nộp ngân sách 877,4 tỷ đồng, đạt 117% chỉ tiêu. Kế toán trưởng doanh nghiệp Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Quảng Nam khi đó dự báo, 2 kỳ nộp thuế của 2 tháng cuối năm, số nộp ngân sách của công ty sẽ khoảng 200 tỷ đồng/tháng.
Tại sao khó khăn bủa vây doanh nghiệp ngành bia?
Trong báo cáo thường niên lãnh đạo Sabeco đánh giá rằng thị trường bia rượu năm nay còn gặp nhiều tác động khó khăn trong bối cảnh Nghị định 100 được thực thi khiến người tiêu dùng ngần ngại sử dụng các loại đồ uống có cồn. Tương tự, tại họp báo hồi tháng 3, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng cho rằng, các doanh nghiệp ủng hộ chính sách kiểm soát nồng độ cồn, nhưng việc cấm tuyệt đối ảnh hưởng tới sản xuất, chuỗi cung ứng của ngành này.
"Nhiều nhà hàng, các khu du lịch vắng khách không kinh doanh được kéo theo lao động, doanh thu, lợi nhuận, ngân sách đều giảm", đại diện VBA cho biết.
Ngoài Nghị định 100, ngành đồ uống còn chịu ảnh hưởng từ việc thay đổi chính sách, như thuế tiêu thụ đặc biệt cũng phần nào tác động đến doanh nghiệp ngành bia, theo ông Đậu Anh Tuấn Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong họp báo.
Một nguyên nhân khác của khó khăn là lượng cầu tiêu thụ đang giảm. Báo cáo của Công ty Chứng khoán Funan (FNS) chỉ ra, rủi ro với doanh nghiệp ngành bia là nhu cầu chưa có tín hiệu cải thiện, bởi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu.
"Chi tiêu cho rượu bia giảm không chỉ là câu chuyện khó khăn nền kinh tế, ảnh hưởng bởi Nghị định 100. Bên cạnh đó, xu hướng tất yếu trong tương lai khi các mặt hàng đồ uống không tốt cho sức khỏe sẽ bị giảm dần chi tiêu cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến triển vọng ngành bia", báo cáo của FNS viết.
Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu (malt, gạo, vỏ lon) tăng 20-40%, khiến chi phí sản xuất leo thang. Điều này buộc doanh nghiệp đội giá bán và người tiêu dùng phải "gánh" phần chi phí đội lên này. Giá cao trong khi nhu cầu giảm càng khiến khó chồng khó.
Dự báo sức tiêu thụ đồ uống có cồn trong đó có bia, nhóm phân tích tại SSI Research cũng tỏ ra thận trọng. Bởi mức tiêu thụ bia có thể tiếp tục chịu tác động kép từ Nghị định 100 và thu nhập của người tiêu dùng giảm trong năm nay.
SSI Research lấy dẫn chứng từ thị trường Trung Quốc khi chính phủ nước này áp dụng luật lái xe nghiêm ngặt từ năm 2011 và có hiệu lực đến năm 2023, mức tăng trưởng tiêu thụ bia đã chững lại đáng kể.
Do đó, SSI Research nhận định các luật nghiêm ngặt tương tự được áp dụng tại Việt Nam kể từ năm 2020 sẽ là yếu tố chính khiến mức tăng trưởng tiêu thụ bia chậm lại.
Hay Mirae Asset cũng nhận định, việc tăng cường kiểm tra nồng độ cồn giờ đây đã trở thành thông lệ, làm tăng chi phí liên quan đến việc tiêu thụ rượu, bia. Điều này có thể tạo ra hành vi tiêu dùng mới và cản trở sự phục hồi của thị trường bia trong nước.
Xem thêm tại cafef.vn