Cú huých từ M&A

Gần nhất, tuần qua Tập đoàn DNP công bố thoái vốn tại 2 nhà máy nước với giá trị giao dịch 900 tỷ đồng, thu về 700 tỷ đồng tiền lãi. Thoạt nhìn vào con số lợi nhuận khủng như vậy, ngỡ rằng M&A là lĩnh vực dễ kiếm tiền, nhưng thực tế DNP là doanh nghiệp có kinh nghiệm trong ngành nước, bằng vốn và con người đã triển khai 2 nhà máy nước từ dự án trên giấy đến vận hành hiệu quả, mới có thể thu được quả ngọt nói trên.

Một số thương vụ lớn cần sự phê duyệt của cơ quan quản lý như BB Power Holdings (BBPH) mới đây đã nhận được phê duyệt về việc chấp thuận M&A cho dự án năng lượng đầu tiên vào ngày 15/10/2024. BBPH không công bố tên tuổi bên mua, song theo giới tư vấn M&A, đó là một tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản.

BB Power Holdings hiện là chủ đầu tư của một loạt dự án năng lượng tái tạo khu vực miền Trung như Dự án Gio Thành 1 công suất 50 MWp; Nhà máy Điện mặt trời Gio Thành 2 công suất 50 MWp; Nhà máy Điện mặt trời Đầm Trà Ổ ở Bình Định công suất 50 MWp; Nhà máy Điện mặt trời Hanbaram ở Ninh Thuận, công suất 117 MWp; Nhà máy Điện mặt trời Phan Lâm 2 tại Bình Thuận, công suất 49 MWp; Các dự án thủy điện: Sông Lô 2, Đăkpsi 3, Đăkpsi 4, Đăk Mi 1.

Dữ liệu từ các công ty tư vấn M&A cho thấy, thị trường 2024 không có những thương vụ bom tấn nhưng gần đây đã sôi động hơn rất nhiều; bên mua, bán không còn dè dặt và chờ đợi như trước.

Sự sôi động của thị trường M&A là một chỉ báo tích cực. Một mặt M&A tạo ra các cơ hội đầu tư kinh doanh mới với bên có thực lực, một mặt giúp nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính có khả năng bán các dự án để tái cấu trúc, có dòng tiền trả nợ. Thị trường sôi động cũng góp phần giúp giá trị giao dịch trong các thương vụ M&A không bị ép giá, dễ dàng “chốt deal”.

Với nhiều điểm tích cực như vậy, thực sự rất cần những chính sách gỡ khó, hay cách nói phổ biến hiện nay là tháo gỡ thể chế cho thị trường vận hành suôn sẻ và tích cực hơn. Ít nhất, nếu so sánh với thị trường chứng khoán thứ cấp - khi các bên vẫn đau đáu câu chuyện nhà đầu tư nước ngoài rút vốn kỷ lục, với con số ghi nhận gần 90.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay, thì các thương vụ nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào doanh nghiệp qua thị trường sơ cấp như tại BBPH nói trên hay một loạt doanh nghiệp khác lại trở thành điểm sáng.

Những lát cắt về thị trường M&A được Đầu tư Chứng khoán phản ánh trong mục Tiêu điểm số báo này phần nào đem đến những nét vẽ tích cực như thế.

Nhìn rộng hơn từ thị trường M&A để thấy, các nút thắt chính sách của thị trường vốn cần tiếp tục được rốt ráo cởi bỏ nhằm kích hoạt năng lượng tích cực từ các dòng vốn đầu tư. Kinh nghiệm khá rõ qua việc Malaysia từ đầu năm 2024 đến nay đạt 46 thương vụ IPO, vượt qua con số 32 của cả năm 2023, đồng thời là mức cao nhất kể từ năm 2006. Tổng số tiền huy động được thông qua IPO đã chạm mức 1,5 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2017, trong khi vốn hóa thị trường đạt 6,6 tỷ USD, gấp đôi so với năm trước và đạt đỉnh kể từ năm 2013…

Quan sát diễn biến thị trường M&A để nhìn sang thị trường vốn, sang nền kinh tế chung sẽ có rất nhiều điều thú vị có thể rút ra và đó cũng là lý do Diễn đàn M&A Việt Nam 2024 với chủ đề “Nhộn nhịp thương vụ” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 27/11 này thu hút sự chú ý không chỉ của cộng đồng M&A trong và ngoài nước, mà còn của giới đầu tư nói chung đang tìm kiếm câu trả lời cho những quyết định đầu tư trong bối cảnh kinh doanh nhiều biến số.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn