Cổ phiếu dò đáy sau hơn 7 tháng niêm yết
Siba Group là thành viên thứ hai của Tập đoàn Tân Long niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE. Tham vọng của doanh nghiệp này khi lên sàn là trở thành doanh nghiệp cơ khí chế tạo hàng đầu. Tuy vậy, trải qua hơn 7 tháng niêm yết (từ ngày 1/12/2023), giá cổ phiếu SBG liên tục lao dốc. Từ ngày 4/12/2023 đến ngày 17/7/2024, cổ phiếu SBG đã giảm 31,4%, từ 19.250 đồng/cổ phiếu về 13.200 đồng/cổ phiếu và vẫn tiếp tục dò đáy.
Giai đoạn giá cổ phiếu giảm cũng trùng với việc Siba Group báo cáo kết quả kinh doanh thụt lùi. Năm 2023, Công ty ghi nhận lợi nhuận giảm 13,51% so với năm trước đó, về 32 tỷ đồng. Sang quý I/2024, Công ty báo lãi vỏn vẹn 2,79 tỷ đồng, giảm 66,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, Siba Group đã có động thái tái cơ cấu khi quyết định giải thể Công ty TNHH MTV Năng lượng sạch Vmeco Đồng Tháp - doanh nghiệp mà Siba Group sở hữu 100% vốn điều lệ - với lý do thay đổi định hướng kinh doanh của Công ty và các công ty con, tối ưu sử dụng nguồn vốn và lên kế hoạch bán hàng loạt tài sản nằm trên diện tích đất ở tỉnh Nghệ An như trạm điện, nhà lắp máy, nhà kho, nhà nghỉ công nhân…
Siba Group được thành lập năm 2015, với vốn điều lệ 90 tỷ đồng, sau đó tăng lên 250 tỷ đồng (vào tháng 12/2022). Công ty có hai cổ đông lớn, gồm CTCP Siba Holdings (sở hữu 55,6% vốn), ông Nguyễn Văn Đức (sở hữu 6,06% vốn). Còn lại 38,34% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông sở hữu dưới 5%.
Gần 2 tháng sau khi chào sàn, Siba Group đã thực hiện lấy ý kiến cổ đông về việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:46, tương ứng chào bán thêm 11,5 triệu cổ phiếu mới, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm huy động 115 tỷ đồng. Kế hoạch này dự kiến được triển khai trong năm 2024.
Đáng lưu ý, toàn bộ số tiền huy động mới từ cổ đông, Công ty dự kiến sử dụng để thanh toán công nợ mua hàng hoá đến hạn.
Thực tế, tại thời điểm 31/3/2024, Siba Group chỉ sở hữu 32,5 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 2,1% tổng tài sản. Ngược lại, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn ghi nhận 144,3 tỷ đồng, chiếm 9,3% tổng nguồn vốn; phải trả người bán ngắn hạn ghi nhận 823,1 tỷ đồng, chiếm 52,9% tổng nguồn vốn… và các khoản mục khác.
Trong đó, các khoản phải trả người bán ngắn hạn chủ yếu là: 308,2 tỷ đồng với CTCP Nông sản Sông Lam; 214,2 tỷ đồng với CTCP Nông sản BIVC Quốc tế; 10,8 tỷ đồng với BD Agriculture (Malaysia) và 289,8 tỷ đồng.
Chất lượng tài sản của Siba Group cũng là điểm đáng lưu ý, khi phải thu ngắn hạn của khách hàng (bên thứ ba nắm giữ tài sản Công ty) đã lên tới 729,2 tỷ đồng, chiếm tới 46,9% tổng tài sản. Trong đó, chủ yếu là việc Công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ bán chịu và chưa thu tiền của khách hàng. Điều này dẫn tới rủi ro lớn nếu khách hàng gặp vấn đề tài chính, chậm trả trong tương lai.
Như vậy, việc huy động vốn ngay khi chào sàn của Siba Group nếu thành công cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn. Nếu không sớm bổ sung được nguồn vốn mới, Công ty sẽ chịu áp lực dòng tiền trả cho đối tác. Vì vậy, dễ hiểu vì sao Công ty đang phải cấu trúc bằng việc bán một phần tài sản, đồng thời giải thể công ty con.
Quá phụ thuộc vào hệ sinh thái Tập đoàn Tân Long
Tại ngày 31/3/2024, phải thu ngắn hạn khách hàng của Siba Group lên tới 729,2 tỷ đồng, chiếm tới 46,9% tổng tài sản.
Hiện nay, cổ đông lớn nhất của Siba Group là CTCP Siba Holdings. Trong đó, ông Trương Sỹ Bá đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Siba Holdings đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Tân Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF).
Được biết, Tập đoàn Tân Long được thành lập năm 2000, hoạt động trong lĩnh vực chính: cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi; chăn nuôi; sản xuất - kinh doanh gạo; cơ khí công nghệ cao…
Trong khi đó, Siba Group hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cơ khí chế tạo - xây lắp, bao gồm hoạt động chế tạo, xây lắp phục vụ cho các lĩnh vực nhà kèo thép, nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp - môi trường, đồ gia dụng - nội thất, đầu tư xây lắp điện mặt trời… Trong đó, sản phẩm chủ yếu của Công ty là khung nhà kèo thép cho trang trại heo; nhà kèo thép cho nhà máy sản xuất, xưởng công nghiệp; silo bảo quản lương thực, thức ăn chăn nuôi; silo chứa thức ăn chăn nuôi; hệ thống silo sấy trữ lúa gạo…
Trước thời điểm niêm yết, Siba Group đặt mục tiêu giảm cơ cấu doanh thu lĩnh vực thương mại nông sản từ mức hiện tại là 80% tổng doanh thu, xuống còn 17% trong giai đoạn đến năm 2030, đồng thời tập trung để phát triển mảng cơ khí, mảng năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, Siba Group cho biết các hợp đồng lớn của Công ty bao gồm cung cấp thiết bị, xây lắp cho CTCP Chăn nuôi công nghệ cao Hải Đăng; xây dựng và lắp đặt thiết bị cho Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Đông An Khánh; xây lắp cho Công ty TNHH Đầu tư trang trại xanh 2; cung cấp thiết bị, xây lắp cho CTCP Chăn nuôi công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh… Hầu hết các khách hàng lớn của Siba Group đều là đơn vị liên quan tới Siba Holdings, cũng như Tập đoàn Tân Long.
Có thể thấy, các sản phẩm dịch vụ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo - xây lắp, cũng như các hợp đồng lớn mà Siba Group ký kết và đang triển khai chủ yếu liên quan tới các đơn vị trong hệ sinh thái Tập đoàn Tân Long.
Trong hệ sinh thái Tập đoàn Tân Long, BaF Việt Nam đã niêm yết trên sàn HOSE ngày 3/12/2021. Trong đó, sau khi niêm yết, Công ty đã đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực trang trại nuôi heo, đồng thời mở rộng cung cấp thức ăn cho các trang trại nuôi heo quy mô lớn. Việc đơn vị thành viên của Tập đoàn Tân Long mở rộng lĩnh vực chăn nuôi heo đã giúp Siba Group triển khai cung cấp lĩnh vực cơ khí chế tạo - xây lắp, đồng thời mở rộng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, bức tranh tài chính sau niêm yết của BaF Việt Nam có dấu hiệu chững lại. Đơn vị này cũng đang phụ thuộc vào dòng tiền huy động mới từ cổ đông cho tham vọng mở rộng trang trại nuôi heo.
Với việc hoạt động kinh doanh hoàn toàn phụ thuộc vào các đơn vị cùng hệ sinh thái, từ kinh doanh nông sản đến xây dựng trang trại chăn nuôi, Siba Group sẽ rất dễ bị rủi ro khi các đơn vị cùng hệ sinh thái gặp khó khăn.