Cửa sáng với doanh nghiệp chăn nuôi

Nhiều yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp chăn nuôi

Theo thông tin mới phát đi từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, đến cuối tháng 11/2024, toàn tỉnh có 1.979 cơ sở đã ngưng chăn nuôi hoặc di dời theo lộ trình đến hết ngày 31/12/2024. Trong đó, có đến 1.971 cơ sở ngừng chăn nuôi, còn lại là số ít cơ sở di dời từ khu dân cư vào các khu vườn rẫy xa khu dân cư để tiếp tục hoạt động chăn nuôi theo quy mô nông hộ.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, việc số lượng gia súc giảm so với cùng kỳ là do tỉnh đang có chủ trương di dời hàng ngàn cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư và các khu vực không phù hợp quy hoạch. Ngoài ra, dịch tả heo châu Phi cũng gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, dẫn đến nhiều hộ phải ngừng chăn nuôi.

Quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018 có hiệu lực từ năm 2020 đã nêu rõ, các địa phương có 5 năm kể từ khi Luật có hiệu lực, tức là đến ngày 01/01/2025 các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư sẽ phải di dời. Trong đó, tỉnh Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi cả nước đã rục rịch chuẩn bị cho hoạt động di dời từ vài năm trước.

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá, quy định này sẽ khiến một số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ phải ngừng hoạt động nếu không thể di dời, làm nguồn cung bị thu hẹp. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn mở rộng thị phần khi nhu cầu vẫn gia tăng.

TPS dự báo, sản lượng thịt heo của Việt Nam năm 2025 ghi nhận 3,765 ngàn tấn, tăng 3,0% so với cùng kỳ nhờ dự kiến mở rộng đàn heo sau khi khắc phục hậu quả cơn bão Yagi và dịch tả heo châu Phi được kiểm soát tốt hơn. Tiêu thụ thịt heo dự kiến khoảng 3,9 triệu tấn vào năm 2025, tăng 3,3% so với cùng kỳ và 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 3,1%/năm.

Bên cạnh sự thay đổi của Luật Chăn nuôi, ngành chăn nuôi heo đang và sẽ bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng. TPS dự kiến, ngành này sẽ diễn ra một cuộc cải tổ sâu sắc trong giai đoạn 2025 – 2026.

Cụ thể, người tiêu dùng ngày càng chú ý hơn đến vấn đề sức khỏe và an toàn thực phẩm. Đồng thời, chi phí sản xuất ngày càng tăng, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp làm giảm hình thức chăn nuôi nông hộ. Trong khi đó, thị phần của các doanh nghiệp chăn nuôi khép kín quy mô lớn ngày càng tăng nhờ lợi thế về chi phí sản xuất và tỷ lệ hao hụt thấp.

Đổi mới công nghệ cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng khi lĩnh vực chăn nuôi sẽ áp dụng công nghệ nhiều hơn để nâng cao hiệu quả, đặc biệt là hình thức chăn nuôi trang trại. Các công nghệ được sử dụng để theo dõi sức khoẻ cho heo, tối ưu hoá công thức thức ăn và giảm bớt tác động tới môi trường.

Về nguồn thức ăn chăn nuôi, từ đầu năm 2024 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã có khoảng 4 lần điều chỉnh giảm, nguyên nhân do nguyên liệu nhập khẩu sản xuất thức ăn giảm.

Cục Chăn nuôi dự báo, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước sẽ tiếp tục theo xu hướng giảm nhẹ từ nay tới cuối năm và sang đầu năm tới, tuy nhiên khó có thể trở lại mức giá khởi điểm trước dịch Covid-19.

Ngoài các yếu tố “thiên thời” nói trên, doanh nghiệp chăn nuôi còn được hỗ trợ bởi việc heo trên thị trường đang được giá. Theo khảo sát của người viết, từ đầu tháng 11, giá heo hơi tăng ở hầu khắp địa phương trên cả nước và duy trì ở mức cao. Đến giữa tháng 12/2024, giá heo hơi trên cả nước dao động từ 62.000 – 65.000 đồng/kg.

Theo Bộ Công Thương, lượng tiêu thụ thịt heo dịp Tết Ất Tỵ dự kiến tăng 10 - 15% nhờ nhu cầu chế biến các sản phẩm như giò, chả, xúc xích của các doanh nghiệp. Dù vậy, giá heo hơi có khả năng sẽ không tăng đột biến nhờ sự ổn định trong tái đàn và nguồn cung giống.

Còn TPS dự báo, giá heo hơi dự báo tiếp tục phục hồi và neo cao từ nay tới 6 tháng đầu năm 2025 trong bối cảnh nguồn cung hạn chế do ảnh hưởng bão Yagi và chăn nuôi theo mô hình nông hộ ngày càng suy giảm.

Doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô

Đứng trước mở rộng thị phần, các doanh nghiệp lớn trong ngành với quy trình sản xuất chăn nuôi khép kín 3F (Feed – Farm – Food) có lợi thế chi phí thấp, cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội, không ngừng đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi.

Trong đó, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC) đang có kế hoạch mở rộng hoạt động chăn nuôi heo với việc tăng đàn lên 60.000 con heo nái và 1,5 triệu con heo thịt trong thời gian tới, giảm sự phụ thuộc vào hợp đồng với các trang trại quy mô nhỏ.

Trong ngắn hạn, doanh nghiệp cũng dự kiến xây dựng hai trang trại mới ở các tỉnh Thái Nguyên và Hòa Bình, mỗi trang trại có quy mô 5.000 con heo nái (hiện Công ty có 50.000 con heo nái). Để đáp ứng tăng trưởng trong hoạt động chăn nuôi, ban lãnh đạo cũng có kế hoạch mở một nhà máy thức ăn chăn nuôi mới trong trung hạn.

Tại CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF), vào cuối tháng 10, HĐQT BAF đã thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phần tại hàng loạt các công ty hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi như: CTCP Thành Sen HT - QT, CTCP Hoàng Kim HT - QT, CTCP Hoàng Kim QT, CTCP Việt Thái HT, CTCP Toàn Thắng HT.

Bên cạnh đó, HĐQT BAF quyết định nhận chuyển nhượng 95% vốn góp tại Công ty TNHH Chăn nuôi Công nghệ cao Khuyên Nam Tiến với giá 47,5 tỷ đồng, có trụ sở tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Hay BAF cũng nhận chuyển nhượng 99,99% vốn của CTCP Nông nghiệp sạch Thanh Xuân tại Thanh Hoá.

TPS cho rằng, quy mô chăn nuôi của BAF sẽ không ngừng tăng lên, sản lượng heo dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 1,65 triệu con năm 2025 và 10 triệu con năm 2030. Do đó, trong nhóm này, BAF sẽ có cơ hội đầu tư.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn