"Cục nợ" của các ngân hàng ngày càng dầy
Tổng hợp báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm 2024 tại 29 ngân hàng thương mại trong nước cho thấy, nợ xấu toàn ngành Ngân hàng tiếp tục tăng mạnh so với quý I/2024 và cuối năm 2023.
Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, số dư nợ xấu các ngân hàng đã tăng thêm 20,8%, tương ứng tăng 46.719 tỷ đồng lên gần 283.000 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh, lên tới 120 nghìn tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2024.
Như vậy, sau khi đã tăng mạnh trong năm 2023, nợ xấu của toàn ngành tiếp tục đi lên trong nửa đầu năm nay, trong bối cảnh kinh tế vẫn đối mặt nhiều thách thức và hoạt động của nhiều doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn.
Có đến 24 trong số 29 ngân hàng chứng kiến nợ xấu tăng so với đầu năm, phản ánh xu hướng chung của toàn ngành là chất lượng tín dụng suy giảm. Đáng chú ý, nếu tính theo con số tuyệt đối thì cả 4 ngân hàng cổ phần Nhà nước gồm BIDV, VietinBank, Agribank và Vietcombank đang thuộc nhóm có số dư nợ xấu cao nhất ngành. Phía ngân hàng thương mại tư nhân, NCB gây chú ý khi nợ xấu tăng 6.200 tỷ đồng.
Xét theo quy mô, có 10 ngân hàng có nợ xấu tuyệt đối trên 10.000 tỉ đồng, trong đó năm ngân hàng có nợ xấu lớn nhất với tổng nợ xấu của năm ngân hàng này là hơn 146.000 tỉ đồng, chiếm 52% tổng nợ xấu của 29 ngân hàng.
Theo số liệu của Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS Research), hết quý II/2024, tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn Ngành đang ở ngưỡng 4,56% và tăng 8,6% so với đầu năm. Tuy nhiên, nếu bóc tách nợ xấu của 5 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn dưới 3% và tỷ lệ nợ xấu toàn Ngành niêm yết đang ở mức 2,2%, tăng 29 điểm cơ bản so với đầu năm 2024.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến hết tháng 5/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ của hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 5/2024 là 6,9%, tương đương thời điểm cuối năm 2023 và tập trung chủ yếu tại một số tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Điểm sáng là trong quý II năm nay là, có 20 trên tổng số 27 ngân hàng ghi nhận giảm nợ nhóm 2 (Nợ cần chú ý) so với quý trước. Các ngân hàng này cũng hầu hết lựa chọn phương án chủ động trích lập sớm, do đó, VPBankS Research kỳ vọng, đỉnh của nợ xấu trong năm 2024 sẽ rơi vào quý III/2024. Dù vẫn trong tầm kiểm soát song là thách thức lớn khi Luật các Tổ chức tín dụng 2024 đã hạn chế quyền thu giữ tài sản bảo đảm nợ xấu của các ngân hàng.
Bên cạnh nợ xấu nội bảng, khoản lãi phải thu cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu, nhưng không được phản ánh đầy đủ khi lợi nhuận được ghi nhận khi trên thực tế chưa thu được tiền về. Trong quý II/2024, một số ngân hàng bán buôn tăng lãi, phí phải thu mạnh so với cuối năm 2023, có thể kể đến như Techcombank, SHB, Nam A Bank…
Cụ thể, Techcombank ghi nhận khoản lãi phải thu tăng 38% so với đầu năm, tăng 15% so với quý trước; SHB tăng 37% so với đầu năm và đang có lượng lãi, phí phải thu cao nhất ngành ở 19.892 tỷ đồng. Khoản lãi phải thu tại Nam A Bank tăng “đột biến” tới 50% so với đầu năm, dù đã giảm 8% so với quý trước. Khoản này tại LPBank tăng 21% so với đầu năm nhưng tăng tới 51% so với quý trước.
Nợ xấu tăng, trong khi tình hình thu hồi nợ xấu chưa có nhiều phục hồi tích cực, đặc biệt là khoản nợ xấu xuất phát từ ngân hàng SCB. Điều này là mối đe dọa lớn đối với chất lượng tài sản ngành Ngân hàng, đồng thời, kéo chi phí dự phòng đi lên, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của Ngành.
Theo nhận định của Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Agribank, chất lượng tài sản của toàn Ngành khi kinh tế vẫn cần thêm thời gian cải thiện, thậm chí kéo dài tới năm 2025.
Chất lượng tài sản có sự phân hóa giữa các ngân hàng: Nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt và nhóm ngân hàng có tỷ trọng tín dụng doanh nghiệp cao (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp. Nhìn chung, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024 – 2025.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn