Cùng báo lãi đột biến quý 2, tăng cả nghìn % so với cùng kỳ, HBC "cháy hàng" còn VOS quay đầu giảm sâu
Mùa báo cáo tài chính quý 2/2024 đang dần hé lộ với nhiều doanh nghiệp công bố những khoản lãi cao đột biến. Điển hình như CTCP Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) và CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco, mã: VOS).
Mới đây, Xây dựng Hòa Bình báo lãi sau thuế quý 2/2024 đạt 684 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức thua lỗ hơn 268 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức lãi kỷ lục trong một quý mà doanh nghiệp này đạt được kể từ khi đi vào hoạt động. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên 741 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ tới 713 tỷ). Nhờ kết quả này, HBC đã vượt 71% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2024.
Với VOS, lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 5.300% lên 344 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng tăng từ hơn 1 tỷ đồng trong cùng kỳ lên 284 tỷ đồng. Kết quả trên cũng giúp lãi trước thuế lũy kế 6 tháng đầu năm của VOS đạt hơn 427 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch cả năm.
"Kẻ khóc, người cười" trên sàn chứng khoán
Cùng báo những khoản lãi đột biến, tuy nhiên có thể thấy phản ứng của nhà đầu tư lại khá trái chiều đối với cổ phiếu của 2 doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán. Phiên giao dịch 18/7, cổ phiếu HBC lập tức thăng hoa khi mở gap tăng mạnh, thậm chí dòng tiền ồ ạt kéo thị giá chạm mức giá trần 8.130 đồng/cp.
Có phần ảm đạm hơn, sau khi giảm kịch sàn trong phiên 17/7 về mức 18.600 đồng/cp, cổ phiếu VOS tiếp tục diễn biến kém sắc trong phiên sáng 18/7. Thị giá nối đà giảm mạnh gần 3,8% về dưới 18.000 đồng/cp. Phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu này khiến thị giá đã bay sạch thành quả của cả tháng trước đó. Trước khi giảm sâu, VOS đã chứng kiến đà tăng phi mã trên 100% trong hơn 2 tháng qua.
Lợi nhuận đột biến đều không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi
Trên thực tế, dù HBC và VOS báo lãi ấn tượng song nhìn sâu vào kết quả kinh doanh của 2 doanh nghiệp trên đều thấy rằng, lợi nhuận cao đều không tới từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Trước tiên với Xây dựng hòa Bình, doanh thu thuần quý 2/2024 đạt gần 2.160 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí giá vốn tăng 10% lên hơn 2.060 tỷ đồng khiến lãi gộp của doanh nghiệp giảm mạnh 74% so với thực hiện quý 2 năm ngoái còn gần 100 tỷ đồng.
Điểm sáng trong kết quả kinh doanh quý 2 lại đến từ khoản hoàn nhập dự phòng hơn 220 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp trong khi cùng kỳ năm trước khoản chi phí này là 528 tỷ đồng. Thêm vào đó, HBC cũng ghi nhận thêm khoản lợi nhuận khác mang lại 515 tỷ đồng, tăng 64.225% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.
Tương tự với VOSCO, việc kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty ghi nhận khoản lỗ gộp 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gộp 30 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, VOS lỗ từ hoạt động kinh doanh đến gần 49 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi nhẹ hơn 6 tỷ đồng.
Khoản lợi nhuận tăng đột biến nhờ Vosco ghi nhận hơn 393 tỷ đồng lợi nhuận khác nhờ bán tàu Đại Minh. Cụ thể, trong tháng 4/2024, VOS đã đấu giá công khai tàu Đại Minh, với giá khởi điểm 356 tỷ đồng, tiền đặt trước 30 tỷ đồng, địa điểm đấu giá tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. Hải Phòng.
Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định rằng tình hình kinh doanh năm nay của Vosco vẫn sẽ đối diện nhiều thách thức do tác động từ nhiều yếu tố như nhu cầu sụt giảm, lượng cung tàu tăng kéo theo áp lực cạnh tranh dẫn đến giá cước vận chuyển giảm sâu.
Theo đó, triển vọng năm 2024 cho tàu hàng khô dự kiến sẽ không có nhiều tín hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường Trung Quốc cần thời gian để khôi phục lại nhu cầu xuất nhập khẩu các mặt hàng chính như than, quặng, sắt thép,… Mảng tàu container cũng được dự báo sẽ chứng kiến cầu vận chuyển suy giảm nghiêm trọng do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu vì lạm phát cũng như lãi suất tăng nhanh.
Tuy nhiên ABS Research kỳ vọng thị trường tàu dầu/sản phẩm tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024 cùng các hoạt động đóng góp cho lợi nhuận của VOS như thu nhập từ thanh lý tàu Đại Minh, dịch vụ hoạt động thương mại,... sẽ giúp KQKD của VOS tiếp tục có lãi.
Xem thêm tại cafef.vn