Cùng báo lãi lớn, HPG được khuyến nghị mua trong khi NKG và HSG 'định giá vượt xa giá trị cơ bản'

Theo báo cáo chiến lược thị trường của CTCP Chứng khoán Vietcap (VCSC - Mã CK: VCI), trong nửa đầu năm, thị trường bất động sản dần cải thiện và nhu cầu xuất khẩu phục hồi đã hỗ trợ sản lượng bán sản phẩm thép. Cụ thể, sản lượng thép xây dựng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong khi các sản phẩm tôn mạ và ống thép tăng trưởng 24% nhờ khả năng xuất khẩu cao, thép cuộn cán nóng (HRC) cũng phục hồi nhẹ, tăng 2%.

Trong nửa cuối năm, Vietcap dự báo chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu có thể còn gặp khó khăn do đang xuất hiện các tín hiệu trái chiều từ thị trường Mỹ và Châu Âu, cùng với đó chi phí vận chuyển duy trì ở mức cao.

Báo cáo tài chính quý II vừa công bố cho thấy ba doanh nghiệp thép hàng đầu, gồm CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và CTCP Thép Nam Kim (NKG), đều ghi nhận kết quả kinh doanh cải thiện tích cực.

Cùng báo lãi lớn, HPG được khuyến nghị mua trong khi NKG và HSG 'định giá vượt xa giá trị cơ bản'
Nguồn: Tổng hợp

Cụ thể, Hòa Phát báo lãi sau thuế đạt 3.320 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất trong vòng hai năm kể từ quý II/2022. Hoa Sen và Nam Kim cũng có bước nhảy vọt về lợi nhuận sau thuế, lần lượt đạt 273 tỷ đồng và 220 tỷ đồng, tăng trưởng tới 1.900% và 76% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của ngành thép, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp đã trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, về định giá cổ phiếu, đội ngũ chuyên gia của Vietcap cho rằng chỉ có HPG đang có tiềm năng tăng giá tốt, trong khi NKG và HSG đã được định giá vượt xa tiến độ cơ bản.

Sau chuyến thăm Khu liên hợp thép Dung Quất vào tháng 3/2024, Vietcap tái khẳng định Hòa Phát có vị thế tốt nhất trong số các đơn vị sản xuất thép trong nước, từ đó tận dụng được sự tăng trưởng nhu cầu thép trong tương lai. Quy mô, hiệu quả hoạt động và công suất của Hòa Phát sẽ được nâng cấp nhờ Khu liên hợp thép Dung Quất. Với P/E dự phóng năm 2024/2025 lần lượt là 12,4x/9,5x và mức tăng trưởng EPS dự kiến mạnh trong năm 2024/2025, Vietcap đưa ra giá mục tiêu đối với HPG là 35.450 đồng/cổ phiếu, tương ứng tiềm năng tăng giá gần 30% so với giá đóng cửa phiên 2/8.

Đối với Hoa Sen và Nam Kim, giá cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian qua do tâm lý tích cực của thị trường đối với sự phục hồi lợi nhuận và kỳ vọng rằng giá thép dẹt đã chạm đáy sau đợt điều chỉnh vào tháng 4-5/2023. Tuy nhiên, định giá hiện tại của hai cổ phiếu này đã vượt xa mức trung bình lịch sử.

P/E dự phóng năm tài chính 2024/25 của Hoa Sen lần lượt là 17,1x/12,3x, cao hơn nhiều so với P/E trung bình 5 năm của công ty là 6,9x, và P/E đạt mức đỉnh trước COVID là 8,0x. Tương tự, P/E dự phóng giai đoạn 2024/25 của Nam Kim lần lượt là 15,6x/10,4x, cao hơn mức trung bình 5 năm là 7,1x và P/E cao nhất trước giai đoạn COVID là 8,6x.

Ở một diễn biến đáng chú ý khác, ngày 30/7 vừa qua, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nhận được thông tin về việc Ủy ban Châu Âu (EC) đã nhận hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam. Danh sách các nhà sản xuất bị khiếu nại bao gồm hai cái tên nổi bật: CTCP Tập đoàn Hòa Phát và Thép Formosa Hà Tĩnh, hiện là hai doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có khả năng sản xuất HRC.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn