Cùng đi lên từ vùng 873 điểm, Coteccons (CTD) tăng hơn 330% nhờ ‘nước đi đặc biệt’, Hòa Bình (HBC) vẫn lình xình ở đáy 8 năm
CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) được biết đến là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng với việc sở hữu hàng loạt gói thầu trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Sau “mớ hỗn độn” từ các cuộc tranh đấu nội bộ, thay đổi thượng tầng, mất hợp đồng, doanh thu lao dốc, nợ xấu tăng vọt... Coteccons dần trở lại với vị thế đầu ngành xây dựng với bước chuyển mình từ năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, đây cũng là năm đánh dấu sự trở lại của “ông lớn” làng thầu xây dựng sau cú sụt giảm hơn 80% giá trị cùng với sự lao dốc của chỉ số chung.
Phục hồi từ đáy 873 điểm (tháng 11/2022), Coteccons đã đi lên bằng thực lực với mức tăng hơn 4,4 lần từ vùng 17.x lên 77.x trong vòng chưa đầy 1 năm. Cũng trong thời điểm này, thanh khoản cổ phiếu chứng kiến sự gia tăng rõ rệt lên với phiên giao dịch lịch sử - đạt hơn 5,6 triệu cổ phiếu sang tay.
Coteccons (CTD) đã tăng hơn 330% kể từ vùng đáy 873 điểm |
Diễn biến tích cực này đến từ sự phục hồi của kết quả kinh doanh sau những năm chìm trong khó khăn.
Từ quý II/2022, doanh thu mỗi quý của Coteccons vượt trên 3.000 tỷ đồng. Kết thúc năm 2022, Coteccons ghi nhận doanh thu 14.537 tỷ đồng, tăng tới 60% so với năm trước. “Bước nhảy vọt” này giúp Coteccons lấy lại ngôi vị doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam từ tay CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC).
Bằng việc sử dụng chiến lược “repeat sales” và áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG đã giúp cho Coteccons có lợi thế giành được các hợp đồng triệu USD từ đối tác nước ngoài lớn như dự án xây dựng nhà máy VinFast của Vingroup, nhà máy LEGO của Tập đoàn LEGO…
“Bước nhảy vọt” này thay cho lời khẳng định của “ông lớn” đầu ngành xây dựng về những nỗ lực tái cấu trúc và sự đúng đắn của chiến lược kinh doanh bền vững.
Kết quả kinh doanh của Coteccons (CTD) phục hồi từ quý II/2022 |
Trái ngược với sự đi lên của Coteccons, Xây dựng Hòa Bình tiếp tục chìm trong vòng xoáy khó khăn. Kết quả kinh doanh của HBC bắt đầu sụt giảm từ quý II/2022 khi ghi nhận “vỏn vẹn” 5 tỷ đồng lãi sau thuế và tiếp theo là những ngày tháng tăm tối chìm vào thua lỗ.
Tính đến cuối năm 2023, Hòa Bình ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên đến 3.240 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp của công ty là 2.741 tỷ đồng. Đây cũng là cơ sở để HoSE ra quyết định hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu HBC.
Trên thị trường chứng khoán, diễn biến cổ phiếu HBC cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư nắm giữ cảm thấy “ức chế”. Từ vùng đỉnh tháng 1/2022, thị giá liên tục lao dốc và “bốc hơi” hơn 80% từ mức giá 32.x về 5.x, tiệm cận vùng đáy thấp nhất trong vòng 8 năm qua.
Cổ phiếu HBC đang lình xình ở vùng đáy 8 năm |
Từng là đối thủ cạnh tranh vị trí ngôi vương trong nhóm ngành xây dựng, nhưng hiện tại, Coteccons đang bỏ xa Hòa Bình nhờ quá trình tái cấu trúc hiệu quả cùng với chiến lược kinh doanh đúng đắn.
Dù vậy, HBC cũng đang trong quá trình nỗ lực tái cấu trúc từ chiến lược mở rộng kinh doanh sang thị trường nước ngoài, tái cấu trúc các khoản nợ song những cố gắng này vẫn chưa mang lại "trái ngọt" cho doanh nghiệp.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn