Cuộc đấu giao hàng tại Việt Nam: Beamin ngậm ngùi rút lui sau khi lỗ hơn 4.000 tỷ, các bên còn trụ lại thì “ôm lỗ” ngàn tỷ

Năm 2023, Beamin chính thức nói lời chia tay thị trường Việt Nam sau 5 năm chinh chiến. Điều này nhấn mạnh cuộc đấu khốc liệt vẫn đang tiếp diễn giữa các bên trong ngành giao vận.

Được biết, Baemin là ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến được phát triển bởi Woowa Brothers Corp., một công ty công nghệ Hàn Quốc. Baemin chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam vào tháng 6/2019. Trong thời gian ngắn, Baemin đã nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng giao đồ ăn phổ biến nhất tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ giao đồ ăn từ các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, và nhiều nơi khác đến tận tay khách hàng.

Dữ liệu từ Vietdata cho thấy, trước khi tuyên bố đóng cửa và rút lui khỏi thị trường Việt Nam, Baemin đã có khoảng thời gian kinh doanh giành thị phần đầy khốc liệt khi duy trì được mức doanh thu tăng trưởng qua các năm. Cụ thể vào năm 2020, doanh thu của Công ty chỉ ở mức gần 441 tỷ đồng thì đến năm 2022, doanh thu đã tăng lên 84% cán mốc hơn 810 tỷ đồng. Đi cùng đó là “gánh nặng” lỗ càng ngày càng lớn.

Nếu năm 2020 công ty lỗ sau thuế hơn 1.400 tỷ đồng, thì đến năm 2021 khoản lỗ này tăng đến 1.500 tỷ đồng và năm 2022 là khoảng 1.300 tỷ đồng. Trong 3 năm, công ty lỗ khoảng 4.200 tỷ đồng.

Mới nhất, Be Group công bố nhận khoản đầu tư từ VPBankS, thành viên thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Trong đó, VPBankS sẽ đầu tư để sở hữu cổ phần Be Holdings – công ty chủ sở hữu của Be Group. Tổng giá trị thương vụ sau giao dịch lên tới 739,5 tỷ đồng.

Là thương hiệu nội địa sớm có mặt trong cuộc chơi với các “đại gia” ngoại, Be Group liên tục huy động vốn. Trước đó, năm 2022, Be Group đã tiếp nhận khoản vay vốn trị giá lên đến 100 triệu USD khi hợp tác với đối tác ngân hàng ngoại là Deutsche Bank.

Be Group là công ty công nghệ Việt Nam sở hữu và phát triển nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ “Be”. Be hiện cung cấp hơn 15 dịch vụ: bao gồm từ gọi xe-di chuyển đa phương thức (ô tô, taxi, taxi điện, xe máy, xe khách, xe bus, vé máy bay…) cho tới giao hàng, giao đồ ăn, bảo hiểm, dịch vụ viễn thông... Với đội ngũ tài xế lớn, giá cước cạnh tranh và sự đa dạng của các dịch vụ, Be Group đã nhanh chóng trở thành lựa chọn hàng đầu của người dùng khi cần di chuyển, giao hàng hoặc đặt vé máy bay.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Be Group đã trải qua những biến động đáng kể. Số liệu từ Vietdata cho thấy, sau sự sụt giảm doanh thu vào năm 2021 thì doanh thu của Be Group đã cho thấy sự phục hồi khi tăng lên mức hơn 856 tỷ đồng vào năm 2022, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Công ty này tiếp tục ở mức âm, lỗ hơn 957 tỷ đồng.

Với việc nhận được vốn từ VPBankS, Be Group cũng tuyên bố mục tiêu có lãi EBITDA (Lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) trong năm tài chính 2024.

Cuộc đấu giao hàng tại Việt Nam: Beamin ngậm ngùi rút lui sau khi lỗ hơn 4.000 tỷ, các bên còn trụ lại thì “ôm lỗ” ngàn tỷ - Ảnh 1.

Thua lỗ triền miên cũng là câu chuyện chưa có hồi kết tại Gojek. Hai năm gần nhất 2021-2022, khoản lỗ của Gojek đã vượt mốc -1.000 tỷ đồng.

Gojek là một công ty công nghệ Indonesia cung cấp siêu ứng dụng tích hợp các dịch vụ như gọi xe, giao đồ ăn, giao hàng, thanh toán trực tuyến và nhiều dịch vụ khác. Gojek được thành lập vào năm 2010 bởi Nadiem Makarim và hiện là một trong những công ty công nghệ lớn nhất ở Đông Nam Á. Gojek đã được ghi nhận là một trong những công ty khởi nghiệp thành công nhất ở Đông Nam Á, năm 2020 nền tảng chính thức “đổ bộ” Việt Nam.

So với các đơn vị khác, Gojek có quy mô nhỏ hơn và khả năng cạnh tranh không cao. Điều này được thể hiện rõ qua tình hình doanh thu của công ty, Gojek là công ty có doanh thu thấp nhất khi so với các công ty cùng ngành khác.

Cuối cùng, ứng dụng có thể xem là “đại ca” làng công nghệ: năm 2022 Grab thu về 6.000 tỷ đồng doanh thu – tăng 91% so với năm 2021. Tương ứng, sau khoản lỗ hơn 300 tỷ vào năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Grab năm 2022 cũng tăng lên hơn 332 tỷ đồng vào năm 2022.

Grab là một công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore, cung cấp các dịch vụ vận chuyển, giao hàng và thanh toán kỹ thuật số tại Singapore và các quốc gia Đông Nam Á. Grab được thành lập vào năm 2012 bởi Anthony Tan và Tan Hooi Ling. Ban đầu, Grab hoạt động như một ứng dụng đặt taxi, nhưng sau đó đã mở rộng sang các dịch vụ khác như GrabBike, GrabCar, GrabExpress, GrabFood, GrabMart, và GrabPay. Bên cạnh đó, Grab đã huy động được hơn 10 tỷ USD vốn đầu tư từ các nhà đầu tư như SoftBank, Temasek Holdings, và GIC.

Dù vậy, liên tục “đốt tiền” để mở rộng thị phần ra nhiều lĩnh vực khiến Grab đang gánh khoản lỗ luỹ kế khổng lồ. Theo BCTC từ Grab, tính đến cuối năm 2022, vốn góp của Grab Việt Nam vỏn vẹn 20 tỷ đồng. Song, doanh nghiệp đang gánh khoản lỗ luỹ kế xấp xỉ 4.037 tỷ khiến vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2022 âm gần 4.017 tỷ đồng.

Xem thêm tại cafef.vn