Hướng tới tầng lớp trung lưu
Ngày 27/8/2024, lần đầu tiên Toshiba Lifestyle - thương hiệu điện máy hàng đầu Nhật Bản chọn Hà Nội là địa điểm tổ chức hội nghị Chiến lược khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), với sự tham gia của các đối tác, khách hàng, truyền thông đến từ nhiều nước.
Tại sự kiện, Toshiba Lifestyle công bố chiến lược kinh doanh năm 2025, trong đó tập trung tiếp cận tầng lớp trung lưu - phân khúc khách hàng tiềm năng đang phát triển ở APAC, bao gồm Việt Nam. 12 tháng tới, hãng có kế hoạch giới thiệu ra thị trường 98 sản phẩm điện máy mới.
Ông Zeal Jiang, Chủ tịch khu vực APAC của Toshiba Lifestyle cho biết: “Chúng tôi có chiến lược sản xuất sản phẩm công nghệ cao hơn, đầu tư nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng để có sản phẩm phù hợp. Ở những thị trường mới nổi, đang phát triển là điểm chính cần tập trung. Chúng tôi đưa ra các sản phẩm bản địa hoá hơn, bởi mỗi quốc gia khác nhau có thói quen, khẩu vị khác nhau, vì thế cần phải sáng tạo, đổi mới, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ở các quốc gia khác nhau”.
Mục tiêu của Toshiba LifeStyle là trở thành thương hiệu đồ gia dụng hàng đầu trong khu vực vào năm 2027, tăng gấp đôi doanh số lên 1,5 tỷ USD.
“Tầng lớp trung lưu toàn cầu đang mở rộng nhanh chóng sẽ đạt được một cột mốc lịch sử. Toshiba LifeStyle tiếp cận tầng lớp trung lưu - phân khúc khách hàng tiềm năng lớn đang phát triển tại khu vực APAC”, ông Zeal Jiang nhấn mạnh.
Một nhãn hàng lớn khác đến từ Hàn Quốc là LG Electronics mới đây công bố kết hợp với một thương hiệu phân phối nội thất hàng đầu tại thị trường Việt Nam nhằm mang những thiết bị LG đến gần hơn với người tiêu dùng và góp phần nâng cao trải nghiệm cho người dùng. LG Electronics là nhà phát triển công nghệ và điện tử tiêu dùng toàn cầu, năm 2023 đạt doanh thu 84.200 tỷ KRW (hơn 1,5 triệu tỷ đồng). Doanh nghiệp này đang nỗ lực để phát triển mạnh tại Việt Nam.
Chủ động đổi mới, sáng tạo
Các nhãn hàng dành nhiều thời gian nghiên cứu thói quen, nhu cầu khách hàng để thiết kế sản phẩm, trong đó áp dụng công nghệ cao giúp cải thiện chất lượng tính năng…
Báo cáo của Nielsen IQ Việt Nam cho thấy, có đến 42% người tiêu dùng Việt Nam chỉ mua sản phẩm điện máy nói chung hoặc sử dụng dịch vụ từ các thương hiệu uy tín. Vì vậy, cải tiến sản phẩm về chất lượng, các tính năng, tính tiện lợi khi sử dụng, qua đó củng cố thương hiệu, tăng sức cạnh tranh là yếu tố trọng tâm của các doanh nghiệp.
Thực tế, các nhãn hàng đang cho thấy sự chủ động trong đổi mới, sáng tạo để có sản phẩm tốt vì người dùng, nhất là trong bối cảnh các sản phẩm như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, ti vi đang bước vào giai đoạn bão hòa.
Chẳng hạn, Tập đoàn Kangaroo đã đưa ra thị trường máy lọc nước Sumire Series 2024. Ông Takashi Inoue, Phó tổng giám đốc Kangaroo cho biết, với sự đầu tư mạnh mẽ vào sản phẩm trong năm 2024, dòng máy lọc nước hoàn toàn mới của Kangaroo được đánh giá cao nhất từ trước đến nay. Sản phẩm có công nghệ sản xuất lõi lọc được cấp bằng sáng chế độc quyền, giám sát chất lượng đến từ các chuyên gia Nhật Bản và thiết kế của chuyên gia Hàn Quốc.
Không chỉ quan tâm đến các giải pháp công nghệ đột phá hướng tới việc giúp người dùng có cuộc sống chất lượng hơn, các nhà phát triển ngày càng chú trọng đến yếu tố bền vững, bảo vệ sức khỏe, môi trường.
“Chúng tôi mang đến sản phẩm phục vụ lối sống mới, nỗ lực chuyển đổi để Toshiba LifeStyle phát triển hơn bao giờ hết, có thể đưa ra những đóng góp cho xã hội không carbon thông qua các chương trình tái sử dụng, thiết lập vòng đời một sản phẩm”, ông Kenji Shirato, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Toshiba Lifestyle nói.
Là nhà phân phối các sản phẩm điện máy, thiết bị gia dụng của nhiều thương hiệu, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã DGW) nhận xét, trong 2 quý đầu năm 2024, ngành điện máy vẫn ở “vùng trũng tăng trưởng”. Tuy nhiên, thị trường điện máy, đồ gia dụng đang dần cải thiện sức cầu. Digiworld sẽ nỗ lực có thêm sản phẩm của nhiều nhãn hàng để có điều kiện mở rộng kênh phân phối.
Theo ông Việt, việc tìm kiếm, phân phối thêm nhãn hàng mới cũng như gia nhập ngành hàng mới là chiến lược phát triển theo chiều ngang của Digiworld. Do vậy, hàng quý, hàng năm, trong danh mục sản phẩm của Công ty luôn có những gương mặt mới. Trong quý III/2024 và những quý sau đó, Digiworld sẽ có những thương hiệu mới trong ngành thiết bị gia dụng. Dự kiến, cuối năm 2024, doanh nghiệp sẽ phân phối thêm sản phẩm máy điều hòa nhiệt độ và tủ lạnh thương hiệu Xiaomi.
Nhìn lại thị trường điện máy, thiết bị gia dụng nửa đầu năm 2024, kết quả kinh doanh của không ít doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận giảm. Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (mã SHI), nhà sản xuất nhiều mặt hàng như máy lọc nước, nồi cơm điện, máy hút mùi..., doanh thu quý II2024 tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, chi phí bán hàng trong kỳ tăng gần 40%, chủ yếu do chi phí quảng cáo, khuyến mại, chi phí bảo hành, chi phí xuất khẩu, vận chuyển tăng, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nhà phân phối, đại lý ngành hàng gia dụng, năng lượng. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế quý II năm nay chỉ đạt 10,8 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Quốc tế Sơn Hà ghi nhận doanh thu 4.770 tỷ đồng - tương đương cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế 32,7 tỷ đồng - giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để chinh phục khách hàng trong dài hạn, theo các chuyên gia, các thương hiệu điện máy, thiết bị gia dụng cần liên tục đổi mới sáng tạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường như chú trọng nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ cho cuộc sống thông minh, tăng cường các đồ gia dụng cá nhân, cung cấp tinh tế màu sắc, trao quyền cho người sử dụng phù hợp sở thích, tính cách, lối sống.
Trước khi tung ra thị trường một sản phẩm, các nhà phát triển cần quan sát, tiếp xúc người tiêu dùng, thị trường. Tiếp cận người dùng Việt bằng các yếu tố mới, sản phẩm công nghệ có tính đột phá sẽ giúp doanh nghiệp có kết quả tốt hơn.