Cuộc đua cổ tức cuối năm: HDBank công bố ngày chốt quyền, Vietcombank, VietinBank và BIDV đồng loạt góp tin vui

Khi năm 2024 đang dần khép lại, các tổ chức niêm yết đua nhau thông báo mức cổ tức hấp dẫn, với tâm điểm thuộc về nhóm ngân hàng trong rổ VN30. Các nhà băng không chỉ mạnh tay trong chính sách cổ tức mà còn tạo nên sự chú ý đặc biệt với nhiều câu chuyện riêng.

HDBank: 5 năm liên tiếp trả cổ tức ở mức Top đầu ngành

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HoSE: HDB) thu hút sự chú ý từ giới đầu tư khi duy trì 5 năm liên tiếp chi trả cổ tức ở mức cao.

Theo thông báo, ngày 12/12 tới đây, HDBank sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 20 cổ phiếu mới. Đây là động thái tiếp theo sau khi ngân hàng thực hiện trả cổ tức năm 2023 bằng tiền tỷ lệ 10% vào hồi tháng 7/2024.

HDBank phát hành hơn 582,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức này cho cổ đông. Giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 5.825 tỷ đồng. Dự kiến, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ hoàn tất vào quý IV/2024, trong khi thủ tục tăng vốn liên quan sẽ hoàn thành vào quý I/2025.

Như vậy, qua 2 đợt, HDBank sẽ hoàn tất việc duy trì mức chia cổ tức với tỷ lệ 30% cho năm 2023. Vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng lên hơn 34.900 tỷ đồng, duy trì vị thế Top ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Với tỷ lệ cổ tức là 10% tiền mặt và 20% cổ phiếu, chính sách của HDBank được giới đầu tư đánh giá là hài hòa, đáp ứng nhu cầu của cả cổ đông ưa thích tiền mặt và nhà đầu tư dài hạn mong muốn cổ phiếu tăng trưởng.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2023, HDBank báo lãi trước thuế đạt 13.017 tỷ đồng, tăng trưởng 26,8%. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) được nâng lên mức 24,2%, giữ vị thế hiệu quả ở Top dẫn đầu.

Cuộc đua cổ tức cuối năm: HDBank công bố ngày chốt quyền, Vietcombank, VietinBank và BIDV đồng loạt góp tin vui
Kết quả kinh doanh của HDBank từ năm 2013 đến 9 tháng đầu năm 2024

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận HDBank đạt 12.655 tỷ đồng, hoàn thành gần 80% kế hoạch năm. HDBank kỳ vọng kết thúc năm với lợi nhuận trước thuế vượt 16.000 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 12 liên tiếp tăng trưởng.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, HDBank dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2024. Đồng thời ngân hàng sẽ tiếp nối truyền thống trả cổ tức cao và đều đặn như kế hoạch ĐHCĐ đã thông qua.

Loạt ngân hàng cũng đang lên kế hoạch tăng vốn

Sau thời gian vắng bóng, các ngân hàng quốc doanh cũng đã lên kế hoạch chia cổ tức, tạo nên sức hút mạnh mẽ trên thị trường.

Chiều ngày 30/11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào Vietcombank (VCB) với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng, nguồn bổ sung này đến từ cổ tức bằng cổ phiếu mà cổ đông nhà nước nhận được, lấy từ lợi nhuận lũy kế đến hết năm 2018 và năm 2021 của ngân hàng.

Vietcombank có thể sẽ sớm phát hành cổ phiếu trả cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ chi trả 49,5%. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến đạt 83.557 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

BIDV (BID) cũng dự kiến trả cổ tức vào đầu năm 2025. Tại hội nghị Nhà đầu tư mới đây, ban lãnh đạo BIDV cho biết sẽ tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 21%) sau khi có phê duyệt của Bộ Tài chính, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2025.

Trong năm 2024, BIDV chưa thực hiện đợt chi trả cổ tức nào. Lần chia cổ tức gần nhất của BIDV diễn ra vào tháng 12/2023 với nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận còn lại sau thuế và trích lập các quỹ năm 2021.

Tại VietinBank (CTG), dù tiến trình tăng vốn diễn ra chậm, nhưng theo Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình, ngân hàng đã nhận được ý kiến chấp thuận từ NHNN và Bộ Tài chính để giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng), thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 21%. Lần chia cổ tức gần nhất của nhà băng là tháng 12/2023 với nguồn chi trả là lợi nhuận còn lại của năm 2020, giúp vốn điều lệ tăng lên 53.700 tỷ đồng.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn