Cuộc đua tăng vốn làm nóng mùa đại hội công ty chứng khoán

Empty

Tăng vốn là vấn đề sống còn với các CTCK. Ảnh: Trọng Hiếu

Mùa đại hội cổ đông năm 2024 đang tới, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đã công bố tài liệu họp và đa phần không thể thiếu kế hoạch tăng vốn.

Theo tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2023, HĐQT Chứng khoán Rồng Việt (mã: VDS) trình kế hoạch tăng vốn qua phát hành tối đa 114 triệu cổ phiếu. Trong đó, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 24,15 triệu đơn vị, ESOP 8,85 triệu đơn vị và chào bán riêng lẻ 81 triệu đơn vị. Sau khi hoàn tất, Chứng khoán Rồng Việt sẽ nâng vốn gấp rưỡi lên 3.230 tỷ đồng. Phương án chào bán riêng lẻ sẽ được thực hiện sau khi hoàn thành trả cổ tức và phát hành ESOP.

Công ty kỳ vọng việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược, nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ giúp tăng năng lực tài chính, tăng quy mô và khả năng cạnh tranh. Giá chào bán sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách và giá thị trường của cổ phiếu tại thời điểm chào bán.

Chứng khoán Vietcap (mã: VCI) trình kế hoạch phát hành thêm hơn 280 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 4.375 tỷ đồng lên 7.181 tỷ đồng qua 3 phương án. Đầu tiên, công ty sẽ phát hành 4,4 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 1% vốn điều lệ. Giá phát hành 12.000 đồng/cp. Sau đó, Vietcap phát hành tiếp 132,57 triệu đơn vị để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 30%.

Cuối cùng, công ty chào bán riêng lẻ 143,6 triệu cổ phiếu, giá không thấp hơn giá trị sổ sách cuối năm 2023 là 16.849 đồng/cp. Cổ phiếu riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Vietcap kỳ vọng huy động tối thiểu 2.420 tỷ đồng, trong đó 2.120 tỷ để bổ sung vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ, 300 tỷ bổ sung cho hoạt động tự doanh.

Đây là lần thứ 2 công ty chứng khoán do bà Nguyễn Thanh Phượng làm Chủ tịch HĐQT huy động vốn với quy mô lớn, các năm trước công ty chủ yếu tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu ESOP và từ vốn chủ sở hữu. Lần gần nhất doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường là chào bán riêng lẻ 14,8 triệu cổ phiếu giá 48.000 đồng/cp cho 5 nhà đầu tư cá nhân, tổng thu 710 tỷ đồng vào 2017.

Ngày 12/3, cổ đông Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) (mã: IVS) đã thông qua kế hoạch chào bán hơn 69 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1. Công ty sẽ sử dụng 75% số tiền thu được bổ sung vào nguồn vốn cho vay hoạt động ký quỹ, 10%-15% dùng để mở rộng phát triển sản phẩm phái sinh và 10%-15% còn lại bổ sung vào nguồn vốn hỗ trợ hoạt động ngân hàng đầu tư.

Nhiều công ty chứng khoán khác không gọi vốn nhưng sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ vốn chủ sở hữu. Như Chứng khoán FPT (mã: FTS) thực hiện thưởng cổ phiếu tỷ lệ 40% từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành 85,8 triệu đơn vị. Chứng khoán VIX (mã: VIX) sẽ chia cổ tức và thưởng cổ phiếu tổng tỷ lệ 20%.

Tăng vốn là yếu tố sống còn

Kinh doanh chứng khoán là ngành đặc thù, một số hoạt động phụ thuộc vào quy mô vốn điều lệ như cho vay giao dịch ký quỹ, đầu tư,… Theo quy định, để đảm bảo an toàn tài chính, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu; tổng mức cho vay giao dịch ký quỹ với một khách hàng không được vượt quá 3% vốn chủ sở hữu; tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ với một loại chứng khoán không được vượt quá 10% vốn chủ sở hữu…

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán liên tục tăng trưởng về quy mô, tính đến cuối 2023 đạt 5.700 tỷ đồng, gấp gần 6 lần trong vòng 10 năm. Thanh khoản thị trường cũng cải thiện mạnh và ngày càng thu hút nhà đầu tư trong, ngoài nước tham gia. Hơn nữa, Chính phủ đã có định hướng quyết liệt về việc tiếp tục mở rộng quy mô thị trường trong tương lai như quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030, đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trước 2025.

Hệ thống KRX đi vào vận hành đưa ra thêm nhiều sản phẩm cho thị trường như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về… Hay sắp tới đây để nới quy định ký quỹ với nhà đầu tư nước ngoài, các công ty chứng khoán sẽ trở thành nhân tố quan trọng đảm bảo giảm thiểu rủi ro. CTCK muốn cung cấp các dịch vụ mới sẽ phải đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu theo yêu cầu. Nhìn lại, khi thị trường chứng khoán ra mắt thị trường phái sinh đã yêu cầu công ty chứng khoán có vốn điều lệ từ 800 tỷ trở lên, hay để phát hành chứng quyền có đảm bảo vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng mới được kinh doanh.

Bối cảnh mới đặt các công ty chứng khoán vào tính thế phải tăng vốn điều lệ để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng sức cạnh tranh, cũng như có nguồn xây dựng hệ thống giao dịch đảm bảo cung cấp được đa dạng sản phẩm.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán tăng điểm cũng là động lực lớn cho các doanh nghiệp trong ngành tăng vốn. Hàng loạt cổ phiếu chứng khoán tăng giá mạnh từ cuối 2022 đến nay như VCI gấp 2,6 lần, MBS gấp 3,5 lần, VDS gấp 3 lần, SSI gấp 2,6 lần…

Xem thêm tại nhadautu.vn