"Cuộc tình" 16 năm với đại gia Carlsberg vẫn còn dang dở, cổ phiếu Habeco miệt mài giảm về đáy, hãng bia Việt 134 tuổi "lao đao" vì cạnh tranh và 3 chữ "nồng độ cồn"
Thương vụ đình đám Thaibev thâu tóm Sabeco khiến không ít người quên mất một doanh nghiệp bia lâu năm khác của Việt Nam cũng từng "suýt" về tay đại gia nước ngoài. Đó là thương hiệu 134 năm tuổi Bia Hà Nội (Habeco – mã BHN) và "mối tình" dang dở với hãng bia Carlsberg đến từ Đan Mạch.
Đúng 16 năm trước, vào ngày 27/3/2008, Habeco đã tiến hành IPO với giá khởi điểm 50.000 đồng. Trong 5 nhà đầu tư đăng ký mua, riêng Carlsberg lọt vào mắt xanh và mua vào thành công 16% vốn của Habeco qua đó trở thành cổ đông lớn thứ 2 của hãng bia Việt, chỉ sau cổ đông Nhà nước.
Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược, cổ đông ngoại này được hưởng nhiều quyền lợi, trong đó có quyền ưu tiên được mua cổ phiếu của Habeco trong trường hợp Nhà nước thoái vốn. Lãnh đạo của Habeco từng cho biết Carlsberg nhiều lần ngỏ ý muốn tăng sở hữu, thậm chí nắm quyền chi phối. Dù vậy, tham vọng này đến nay vẫn còn dang dở và Carlsberg hiện sở hữu 17,5% cổ phần Habeco (hơn 40 triệu cổ phiếu với giá mua khoảng 2.000 tỷ đồng).
Theo một số nhận định, vướng mắc của thương vụ chủ yếu nằm ở vấn đề giá, đặc biệt là sau khi Habeco lên sàn chứng khoán cuối tháng 10/2016 và nổi sóng mạnh mẽ. Từ mức giá chào sàn 39.000 đồng/cp, BHN liên tục tăng nóng và có thời điểm trở thành cái tên có thị giá đắt đỏ nhất thị trường với thị giá trên 200.000 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh).
Theo nguyên tắc xác định giá cơ bản trong những đợt thoái vốn gần đây, những doanh nghiệp như Habeco khi thoái bớt phần vốn Nhà nước sẽ xác định giá căn cứ theo giá thị trường, tức là không bán dưới thị giá giao dịch của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Dù đã hạ nhiệt sau đó nhưng thị giá của BHN vẫn cao hơn nhiều so với mức mà lãnh đạo Carlsberg đánh giá là hợp lý.
Đáng chú ý, giai đoạn cổ phiếu BHN còn đang giao dịch ở mức 3 chữ số cuối năm 2016 đầu 2017, Tổng giám đốc Carlsberg Việt Nam khi đó từng có phát biểu gây sốc "giá cổ phiếu Habeco đã tăng gần 3 lần kể từ ngày giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, không phản ánh chính xác giá trị thực của doanh nghiệp".
Thời điểm đó, đại diện Carlsberg Việt Nam cho rằng vị thế của Habeco đã không còn được như năm 2008 khi đại gia này bắt đầu mua cổ phần. Cổ đông ngoại dẫn chứng kế hoạch bán 82% phần vốn Nhà nước tại Habeco với tổng giá trị 404 triệu USD, tương ứng 48.000 đồng/cổ phiếu và cho rằng đây là mức giá hợp lý.
Với một số quan điểm, tuyên bố của lãnh đạo Carlsberg mang tính "ép giá" nhờ những lợi thế có sẵn. Dù vậy, mức định giá mà cổ đông ngoại này đưa ra cũng không phải là không có cơ sở. Thực tế, cổ phiếu BHN cũng đang trôi dần về vùng đáy lịch sử, vốn hóa thị trường còn chưa đến 9.000 tỷ đồng, gần mức thấp nhất từ trước đến nay.
Khoản đầu tư của Carlsberg hiện có giá trị thị trường gần 1.600 tỷ đồng trong khi giá mua khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại gia bia đến từ Đan Mạch vẫn đang có lãi tương đối với khoản đầu tư này nếu tính cả cổ tức. Chỉ tính riêng từ lúc cổ phiếu BHN lên sàn chứng khoán, Carlsberg đã "bỏ túi" hơn 600 tỷ đồng cổ tức tiền tươi. Dù vậy, nếu tính trượt giá và chênh lệch tỷ giá, khoản lãi này cũng chẳng đáng là bao.
Khó khăn bủa vây, mất dần vị thế
Habeco tiền thân là nhà máy bia Hommel được người Pháp xây dựng từ năm 1890. Sau 134 năm tồn tại, thương hiệu bia hơi Hà Nội đã trở thành cái tên quen thuộc với nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Dù vậy, vị thế của Habeco đang dần bị lu mờ trước sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là hãng bia ngoại như Heineken.
Là hãng bia lớn và có truyền thống lâu đời nhưng hoạt động kinh doanh của Habeco đang bộc lộ nhiều khó khăn khi sản lượng tiêu thụ bia ngày càng giảm sút những năm qua. Bên cạnh đó, việc "chưa toàn tâm toàn ý" của Carlaberg cũng phần nào ảnh hưởng đến tham vọng chiếm lĩnh thị phần của Habeco. Từ mức hơn 18% năm 2016, thị phần của Habeco đã giảm xuống còn khoảng 8% vào năm 2022, kém xa các đối thủ như Sabeco hay Heineken.
Thị phần bị thu hẹp, kết quả kinh doanh của Habeco cũng đi xuống rõ rệt những năm qua. Sau giai đoạn lao dốc thời Covid, doanh số của Habeco đã phục hồi từ năm 2022 nhưng chưa thể quay trở lại mức trước dịch. Năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm 7% so với năm trước, xuống còn 7.900 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, Habeco lãi ròng 355 tỷ đồng, giảm gần 30% so với năm 2022 và là mức thấp thứ 2 kể từ khi lên sàn chứng khoán, chỉ cao hơn con số năm 2021.
Động thái siết chặt việc sử phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông thời gian qua đang đảnh hưởng rõ rệt đến văn hóa bia rượu. Không chỉ ở Việt Nam, giảm tiêu thụ bia rượu cũng đang là xu hướng chung trên thế giới. Theo tờ Forbes, quan điểm hạn chế bia rượu trong giới trẻ ngày càng gia tăng đã khiến nhu cầu tiêu thụ đồ uống có cồn giảm mạnh.
Nhiều dự báo cho thấy danh mục sản phẩm đồ uống không có cồn sẽ tăng 25% trong khoảng 2022-2026 khi các hãng rượu bia buộc phải chuyển hướng kinh doanh. Theo Forbes, thế hệ Gen Z ngày nay uống rượu bia ít hơn 20% so với thế hệ Millenials và việc ngày càng nhiều người tiêu dùng chú trọng đến sức khỏe khiến nhu cầu tiệu thụ đồ uống có cồn giảm mạnh.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tiêu thụ bia tại Việt Nam có thể phục hồi nhờ một số yếu tố mang tính thời vụ. Theo ShinhanSec, tiêu thụ bia được cải thiện vào năm 2024 nhờ sự quay trở lại của các giải bóng đá lớn (Asian Cup, Euro 2024, Copa America). Bên cạnh đó, sự thích nghi và chuyển đổi thói quen từ tiêu thụ tại chỗ sang mua mang về khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP phạt vi phạm nồng độ cồn tiếp tục thực thi quyết liệt hơn cũng sẽ góp phần thúc đẩy doanh số cho các hãng bia.
Xem thêm tại cafef.vn