Cước vận tải tăng mạnh, vì sao HAH chưa hưởng lợi ngay?
Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn diễn ra tại các cảng trọng điểm, căng thẳng trên biển Đỏ khiến hàng hóa chuyển hướng vòng qua Mũi Hảo Vọng đang tác động sâu rộng đến cả chuỗi cung ứng và đẩy giá cước vận tải tăng lên.
Chỉ số Container Thế giới (WCI) gần đây đã đạt mức 4.716 USD/FEU (áp dụng cho container 40 feet), tăng 181% so với cùng kỳ và tương đương với 232% so với mức trung bình năm 2019 (1.420 USD/FEU).
Trong khi đó, giá cho thuê tàu định hạn đối với tàu 1.700 TEU tăng 65% từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 5 và hiện tại mức tăng đã đạt 90% so với đầu năm.
Theo SSI Research, giá cước tăng do tác động của việc chuyển hướng hàng hóa khỏi Biển Đỏ kể từ tháng 2, làm xuất hiện những nút thắt của chuỗi cung ứng. Tại các cảng ở khu vực Đông Nam Á, tâm điểm chính là Cảng Singapore, các tàu hiện phải chờ 7 ngày để cập bến so với thời gian nửa ngày trước đây.
Tình trạng tắc nghẽn cũng đang diễn ra ở các cảng khác như Dubai hoặc Rotterdam. Việc mất cân bằng số lượng container cũng dẫn đến việc thiếu hụt container tại một số cảng trọng điểm ở Trung Quốc, càng đẩy giá cước vận tải lên cao.
Ở phía cầu, nhóm phân tích nhận thấy các doanh nghiệp bán lẻ và sản xuất đã có xu hướng tăng lượng hàng tồn kho trở lại kể từ quý I. Các doanh nghiệp vận tải cố gắng vận chuyển hàng hóa sớm để tránh tình trạng tắc nghẽn vào cuối năm.
Nhu cầu vận chuyển tăng mạnh từ Trung Quốc đến các khu vực khác trên thế giới (đặc biệt là Mỹ, trước khi Mỹ áp dụng mức thuế mới) cao hơn đáng kể đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng là một lý do khác đẩy giá cước vận chuyển container tăng mạnh gần đây.
SSI Research giả định tình hình kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu dùng tiếp tục phục hồi, giá cước vận chuyển container giao ngay và giá cho thuê tàu định hạn kỳ vọng tiếp tục neo ở mức cao cho đến cuối năm nay.
Nếu thực trạng này xảy ra, các chuyên gia SSI cho rằng Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) là một trong những hãng vận tải container được hưởng lợi từ tình trạng này, nhờ số lượng tàu lớn và tuyến hoạt động đa dạng.
Hiện Hải An có 40% công suất hoạt động tại thị trường cho thuê tàu định hạn và hợp tác với các hãng tàu hàng đầu thế giới (như hãng vận tải ZIM của Israel và ONE của Singapore) tại các tuyến Nội Á.
Tuy nhiên, giá cước cho thuê tàu định hạn đã được cố định đến cuối năm 2024 nên việc điều chỉnh giá cước vận chuyển giao ngay chỉ ảnh hưởng nhẹ đến lợi nhuận ròng. Lợi nhuận được kỳ vọng đi ngang so với năm 2023.
"Việc điều chỉnh giả định chủ yếu ảnh hưởng đến lợi nhuận ước tính của năm 2025, vì hầu hết hợp đồng cho thuê tàu đều được gia hạn vào cuối năm nay", SSI Research nêu giả định cước cho thuê tàu định hạn sẽ tăng thêm 15% trong năm 2025, thay vì giữ nguyên như năm 2024.
Nhóm phân tích dự báo lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ năm 2025 ước đạt khoảng 540 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ), tương ứng với lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 4.911 đồng.
Chuyên gia SSI cũng lưu ý nhà đầu tư về triển vọng kinh doanh của Hải An có thể bị ảnh hưởng khi thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas khi được thông qua làm giảm bớt áp lực lên giá cước, khả năng phục hồi của nhu cầu vận tải và lợi nhuận có thể bị pha loãng nếu quyền chuyển đổi trái phiếu được thực hiện.
Xem thêm tại vietnambiz.vn