Cuối năm ‘nóng’ giao dịch, ngân hàng mở đường chống nghẽn
Nhiều ngân hàng đã nâng cấp hệ thống Core Banking, tìm thêm những luồng lạch mới, những "đường đi" mới để khách hàng không bị tắc nghẽn giao dịch, "tắc đường này sẽ đi đường khác".
Nhu cầu thanh toán trực tuyến tăng nhanh
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, năm 2024, thanh toán không dùng tiền mặt bình quân hàng ngày đạt kỷ lục trên 26,2 triệu giao dịch, thanh toán QR tăng trưởng trên 200% về số lượng và giá trị so với cuối năm 2023.
Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết trong năm 2024, hệ thống NAPAS xử lý bình quân hơn 26 triệu giao dịch mỗi ngày, tăng 30,8% về số lượng và 15,9% về giá trị giao dịch so với năm 2023. Điều này phản ánh sự tăng trưởng vượt bậc của các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là chuyển tiền nhanh NAPAS 247 - dịch vụ chiếm 93,5% tổng số giao dịch của toàn hệ thống. Loại hình này đã tăng trưởng 34,7% về số lượng và 16,4% về giá trị giao dịch, khẳng định vị trí dẫn đầu trong hệ sinh thái thanh toán điện tử.
Cứ mỗi dịp cuối năm, nhiều khách hàng lại lo lắng có thể gặp tình trạng gián đoạn, lỗi giao dịch ngân hàng. |
Những con số trên phản ánh rõ nét nhu cầu rút tiền mặt của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn. Minh chứng là phương thức thanh toán bằng mã VietQR đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ với số lượng giao dịch tăng gấp 2,2 lần và giá trị giao dịch tăng gấp 2,6 lần so với năm trước.
Mặc dù không có số liệu thống kê cụ thể, song đã thành thông lệ, dịp cuối năm dương lịch, Tết Nguyên đán, nhu cầu giao dịch, mua bán tăng nên việc thanh toán trực tuyến cũng nhiều hơn. Và vấn đề khiến nhiều người dùng lo ngại là tình trạng nghẽn mạng khi thanh toán không dùng tiền mặt vào dịp cuối năm, điều đã từng xảy ra ở những năm trước.
Anh Nguyễn Hoàng Linh, kế toán viên tại Công ty TNHH Phú Quý (Hà Nội) chia sẻ, giao dịch thanh toán trên kênh ngân hàng số hiện nay rất thuận lợi và dễ dàng. Đặc biệt, phí không còn là gánh nặng khi hầu hết các ngân hàng đang áp dụng miễn phí giao dịch trên nền tảng số. Do đó, 100% giao dịch của công ty đã chuyển từ tiền mặt sang thanh toán trực tuyến.
“Vào những tuần cuối năm, các giao dịch sẽ tăng gấp rưỡi, đôi khi gấp đôi so với các ngày bình thường. Do vậy, các doanh nghiệp chúng tôi mong muốn nhất là các ứng dụng ngân hàng có thể giao dịch một cách trơn tru, mượt mà hơn”, anh Linh nói.
Nỗi lo của anh Linh và nhiều người khác là hoàn toàn có cơ sở khi ngày 12/12 vừa qua, hệ thống giao dịch của TPBank bị gián đoạn gần 1 ngày khiến nhiều khách hàng bức xúc. Trước đó, vào tháng 9, TPBank cũng từng bị nghẽn giao dịch.
Điều đó đòi hỏi ngân hàng và các tổ chức thanh toán phải sẵn sàng các phương án bảo đảm hoạt động thanh toán ổn định, thông suốt, an toàn.
Loạt giải pháp để tránh tắc nghẽn
Theo đại diện nhiều ngân hàng thương mại và tổ chức trung gian thanh toán, trước xu hướng phát triển nhanh của thanh toán không dùng tiền mặt, các đơn vị đã ứng dụng công nghệ, bảo đảm an toàn, chất lượng dịch vụ ngày càng cao hơn, không chỉ riêng dịp cao điểm. So với nhiều năm trước, tình trạng nghẽn mạng giảm đáng kể nhờ công nghệ ngày càng tiên tiến. Việc xếp hàng rút tiền tại điểm ATM gần như không còn khi tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng cao.
Thực tế, hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt đã hiện diện hằng ngày, thậm chí ở cả chợ dân sinh, người dân mua một bó rau vài nghìn cũng quét QR để thanh toán.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán… tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thanh toán liên ngân hàng qua các hệ thống thanh toán, đảm bảo an toàn, thông suốt, phục vụ nhu cầu thanh toán của khách hàng trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025. Đồng thời, chủ động dự báo về tình hình nhu cầu thanh toán và có phương án ứng phó cụ thể cho từng trường hợp để bố trí đầy đủ nguồn lực, đáp ứng nhu cầu thanh toán tăng cao trước và trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Lãnh đạo một số nhà băng cho hay, để tránh gián đoạn giao dịch dịp cao điểm cuối năm, các ngân hàng cấp tập nâng cấp hệ thống Core Banking (ngân hàng lõi) - được coi là hạt nhân của hệ thống thông tin ngân hàng.
Liên quan đến việc nghẽn giao dịch mới đây, TPBank cho biết hệ thống ghi nhận gián đoạn giao dịch trên các kênh do thực hiện nâng cấp cập nhật hệ thống rạng sáng ngày 12/12.
Trước TPBank, nhiều ngân hàng đã hoàn tất việc cập nhật hệ thống Core Banking mới. Hệ thống mới cho phép ngân hàng có khả năng xử lý khối lượng giao dịch lớn, đáp ứng sự tăng trưởng nhanh của ngân hàng, và đặc biệt hạn chế những phát sinh do quá tải trong các giai đoạn cao điểm.
Chẳng hạn như LPBank đã hoàn tất việc chuyển đổi và đưa vào sử dụng hệ thống Core Banking T24 của nhà cung cấp Temenos (Thụy Sĩ) từ tháng 5/2024. Tương tự, MSB đã chuyển đổi thành công Core Banking từ tháng 5/2024, cũng sử dụng phiên bản được cung cấp bởi Temenos.
Bên cạnh việc nâng cấp hệ thống Core Banking, một số ngân hàng đã mở thêm tài khoản thanh toán riêng trên kênh số, với tốc độ xử lý giao dịch tăng gấp nhiều lần. Các ngân hàng cũng mở rộng hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ thanh toán số để tạo thuận lợi hơn cho người dùng.
Ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết: "Trong các giao dịch thanh toán, trước kia chúng ta chỉ đi một đường. Hiện nay, với giải pháp này, chúng ta sẽ tạo thêm những luồng lạch mới, những đường đi mới để khách hàng không bị tắc nghẽn, tắc đường này sẽ đi đường khác. Giải pháp này làm tăng tốc độ xử lý giao dịch thanh toán của khách hàng lên nhanh gấp gần chục lần, đồng thời dung lượng để xử lý các giao dịch thanh toán trong thời điểm cao điểm nhất có thể lên gấp 20 lần so với giao dịch hiện nay".
Ngoài ra, các ngân hàng cũng áp dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), AI, bảo mật đa lớp... để tối ưu trải nghiệm và đảm bảo an toàn cho người dùng.
Thanh Hoa
Xem thêm tại vnbusiness.vn