CVC Capital xem xét bán cổ phần tại ACB
Theo hai nguồn tin của Reuters, CVC Capital Partners đang xem xét kế hoạch bán cổ phần tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - Mã: ACB).
Các nguồn tin cho biết, CVC Capital đang đàm phán với một số cố vấn về việc bán cổ phần của ACB sau khi được một số người mua tiềm năng tiếp cận, bao gồm cả những người mua từ Nhật Bản. Công ty đầu tư có trụ sở tại châu Âu này là cổ đông nhỏ lẻ (sở hữu dưới 5% vốn) của ACB.
Các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra và quyết định cuối cùng chưa được thông qua, nguồn tin ẩn danh của Reuters cho hay.
Với mức vốn hóa chốt phiên hôm 4/1 của ACB là gần 98.300 tỷ đồng, có thể ước tính khoản đầu tư của CVC tại ngân hàng này có thể trị giá lên đến 4.900 tỷ đồng (tương đương gần 5% cổ phần), theo Reuters.
Một nguồn tin cho biết vì giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) của ACB đã đạt 30%, bằng mức trần mà Chính phủ quy định nên cách duy nhất để nhà đầu tư nước ngoài mua thêm cổ phần của ngân hàng là một nhà đầu tư khác phải bán ra.
“Cách duy nhất để nhà đầu tư ngoại nắm cổ phần trong ngân hàng là được chuyển nhuyện từ một nhà đầu tư ngoại khác”, người này nói. CVC từ chối yêu cầu bình luận trong khi ACB chưa phản hồi yêu cầu của Reuters.
CVC đã đầu tư vào ACB vào năm 2017, theo website của công ty. Tuy nhiên, CVC không công bố thông tin chi tiết về khoản đầu tư trên.
Trong năm ngoái, CVC cũng đã bỏ ra 155 triệu USD để trở thành cổ đông nhỏ của công ty khí đốt Samator Indo Gas của Indonesia. Vào tháng 12/2022, công ty đã bán cổ phần tại Garudafood Putra Putri Jaya của Indonesia cho Hormel Foods từ Mỹ.
Quý III vừa qua, ACB ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 4.038 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận ACB đạt hơn 12.000 tỷ đồng, xếp thứ 7 toàn ngành (bao gồm cả Agribank).
Tổng tài sản ACB đạt gần 650.000 tỷ đồng vào cuối quý III/2023. Tăng trưởng tín dụng đạt 8,2%, cao hơn trung bình toàn ngành. ACB cũng là một trong những ngân hàng duy trì chất lượng tài sản tốt nhất, với tỷ lệ nợ xấu là 1,2% vào cuối quý IV.
Ngành ngân hàng Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập trong vài năm qua, khi các nhà đầu tư tăng cường tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. Các ngân hàng Việt Nam cũng đang tìm kiếm đối tác ngoại để tăng vốn.
Xem thêm tại vietnambiz.vn