Đã có 11,4 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng qua
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/9, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8/2024 đạt 1,43 triệu lượt, tăng 24,5% so với tháng trước và tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau ba tháng liên tiếp sụt giảm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào tháng 8 đã tăng trở lại.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt hơn 11,4 triệu lượt, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019. Hai thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc đóng góp gần một nửa tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với hơn ba triệu lượt (chiếm 26%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ hai, đạt trên 2,4 triệu lượt (chiếm 21%).
Các vị trí tiếp theo lần lượt là Đài Loan (xếp thứ 3, 850.000 lượt), Mỹ (xếp thứ 4, 529.000 lượt), Nhật Bản (xếp thứ 5, 461.000 lượt). Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Australia (315.000 lượt), Malaysia (313.000 lượt), Ấn Độ (312.000 lượt), Campuchia (295.000 lượt), Thái Lan (274.000 lượt).
Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, hầu hết các thị trường đều ghi nhận tăng trưởng, trong đó có các thị trường lớn khu vực Đông Bắc Á: Trung Quốc (tăng 157,7%), Hàn Quốc (tăng 32,4%), Nhật Bản (tăng 32,0%), Đài Loan (Trung Quốc) (tăng 70,6%). Thị trường khách Hàn Quốc tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá Australia đang là thị trường tiềm năng với mức tăng trưởng khả quan, 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả từ các hoạt động kết nối, hợp tác xúc tiến du lịch của ngành, các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam với các đối tác của Australia thời gian qua. Ngày 9 - 17/9, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Australia và New Zealand.
Khách Ấn Độ cũng tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh tiềm năng lớn của thị trường này. Tháng 8, ngành du lịch đã đón đoàn 4.500 khách du lịch MICE từ tập đoàn Sun Pharmaceutical Industries Limited sang du lịch Việt Nam, cho thấy còn nhiều dư địa để tăng thu hút thị trường này trong thời gian tới.
Các thị trường khu vực châu Âu cũng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 8 tháng đầu năm (+42,7%). Hầu hết các thị trường đều tăng trưởng khả quan, trong đó có các thị trường chính như Anh (+22,0%), Pháp (+30,1%), Đức (+25,6%), Nga (+80,4%). Bên cạnh đó là Italia (+64,0%), Tây Ban Nha (+34,7%), Ba Lan (+43,5), Đan Mạch (+21,8%),ThụySỹ (+19,2%), Thụy Điển (+22,9%), Bỉ (+19,7%), NaUy (+15,6%)... Việc các thị trường châu Âu liên tục tăng trưởng cho thấy hiệu quả từ chính sách thị thực thông thoáng cũng như hàng loạt chiến dịch xúc tiến, quảng bá sôi động của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các địa phương, doanh nghiệp tại các thị trường chính như Pháp, Đức, Ý, Nga…
Trong tổng số hơn 11,4 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 8 tháng đầu năm 2024, khách đến bằng đường hàng không đạt 9,7 triệu lượt người, chiếm 84,7% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 41% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 1,6 triệu lượt người, chiếm 13,8% và tăng 73,3%; bằng đường biển đạt 165,6 nghìn lượt người, chiếm 1,5% và gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước.
Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng cao.Cùng với đó, gần đây du lịch Việt Nam liên tiếp "ghi điểm" khi trở thành một trong những điểm đến an toàn trên thế giới.
Trong khuôn khổ lễ trao Giải thưởng World Travel Awards cho khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2024 diễn ra tối 3/9 tại thủ đô Manila, Philippines, ở cấp quốc gia du lịch Việt Nam tiếp tục được vinh danh là "Điểm đến hàng đầu châu Á", "Điểm đến di sản hàng đầu châu Á 2024" và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2024".
Ở cấp địa phương, Thủ đô Hà Nội tiếp tục được vinh danh tại hạng mục "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á" và "Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á”. TP.HCM tiếp tục giành giải "Điểm đến du lịch doanh nhân hàng đầu châu Á" và "Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á". Giải thưởng "Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á" lần thứ 5 đã gọi tên đô thị cổ Hội An. "Viên ngọc xanh" Mộc Châu lần thứ 3 liên tiếp đạt giải thưởng "Điểm đến thiên nhiên cấp địa phương hàng đầu châu Á"…
Do đặc điểm về thời tiết, khí hậu, mùa cao điểm đón khách quốc tế của du lịch Việt Nam thường bắt đầu từ tháng 9, 10 đến hết tháng 3, 4 năm sau. Do đó, ngành Du lịch kỳ vọng cuộc bứt tốc vào những tháng cuối năm để đạt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách trong năm nay.
Ngành du lịch không chỉ đơn thuần là một ngành kinh tế, mà còn là một cầu nối quan trọng để quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới. Với tiềm năng to lớn, du lịch đã và đang đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Du lịch quốc tế đóng góp khoảng 8% GDP của Việt Nam. Việc ngành du lịch Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024 dự kiến sẽ đóng góp thêm điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của cả nước, sau khi đã đóng góp 4% trong năm ngoái.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) thông tin: 8 tháng đầu năm, các cảng hàng không đón 75,852,267 lượt khách, trong đó 27,472,661 là khách quốc tế - một con số ấn tượng với mức tăng 32.4% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, thị trường nội địa lại chứng kiến sự sụt giảm 17.3%, đạt 48,379,606 lượt khách.
Bức tranh tương phản này cũng được phản ánh qua số liệu chuyến bay. Trong khi các chuyến bay quốc tế tăng vọt 22%, đạt 170,362 lượt, thì các chuyến bay nội địa lại giảm 19.5%, chỉ đạt 289,772 lượt. Tổng số chuyến bay trong 8 tháng qua là 460,135 lượt, giảm nhẹ 7.9% so với cùng kỳ 2023.
Xem thêm tại vneconomy.vn