Đà Nẵng tiếp tục gỡ vướng Dự án Nhà máy điện sinh khối
Không nằm trong kế hoạch
Theo UBND TP. Đà Nẵng, Dự án Nhà máy điện sinh khối 15 MW do Công ty cổ phần Tập đoàn Tín Thành làm chủ đầu tự nằm trong phụ lục các nguồn điện tiềm năng trong Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg, ngày 2/11/2023.
Thông tin giới thiệu dự án của Tập đoàn Tín Thành. |
Dự án được triển khai đầu tư xây dựng trong khuôn viên thửa đất số 38, lô G, D đường số 3, Khu công nghiệp Liên Chiểu, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu và đã được cấp có thẩm quyền giao đất cho nhà đầu tư. Dự án sử dụng nhiên liệu sinh khối vừa cung cấp hơi cho Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng – DRC (đã cấp hơi cho DRC từ năm 2010 đến nay), đồng thời phát điện vào hệ thống điện quốc gia. Dự án dự kiến khởi công trong năm 2024 và đóng điện vào năm 2025.
UBND TP. Đà Nẵng khẳng định, Dự án Nhà máy điện sinh khối 15MW Đà Nẵng đầy đủ 9 tiêu chỉ theo hướng dẫn của Bộ Công thương tại Công văn số 7704/BCT-DL ngày 2/11/2023. Trên cơ sở này, UBND TP. Đà Nẵng đã có nhiều văn bản đăng ký Bộ Công thương tổng hợp trình Thủ tướng phân bổ công suất 15 MW cho địa phương dựa trên cơ sở Dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Tín Thành.
Tuy nhiên, theo danh mục các dự án nguồn điện theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 (viết tắt Quyết định số 262), TP. Đà Nẵng không được phân bố công suất điện sinh khối.
Do vậy, sau khi có Quyết định số 262, UBND TP. Đà Nẵng tiếp tục có các văn bản gửi Bộ Công thương cung cấp các thông tin, tiêu chí của Dự án Nhà máy điện sinh khối tại Khu công nghiệp Liên Chiểu và kiến nghị bổ sung vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Song tại Tờ trình số 3015/TTr-BCT ngày, 7/5/2024 của Bộ Công thương trình Thủ tướng về bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII, TP. Đà Nẵng không được phân bổ công suất điện sinh khối và không có tên Dự án Nhà máy điện sinh khối tại Khu công nghiệp Liên Chiểu (trong danh mục các dự án điện sinh khối bổ sung, cập nhật giai đoạn đến 2030).
Theo ý kiến của đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương tại các cuộc họp trực tuyến về hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, qua tính toán, rà soát của Bộ Công thương, một số tỉnh, thành phố nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng ít có tiềm năng về điện sinh khối, không có nguồn nguyên liệu sinh khối tại chỗ.
Đồng thời, việc phân bố công suất nguồn điện sinh khối trên từng tỉnh, thành phố đã tính toán đầy đủ, phù hợp với Đề án Quy hoạch điện VIII nên Bộ Công thương không phân bổ công suất nguồn điện sinh khối cho TP. Đà Nẵng.
Trong thời gian đến, UBND TP. Đà Nẵng khẳng định, sẽ bổ sung nội dung về tiềm năng, khai thác nguồn nguyên liệu cho phát triển điện sinh khối và kiến nghị Bộ Công thương bổ sung quy phát triển công suất nguồn điện sinh khối cho TP. Đà Nẵng để có cơ sở triển khai thực hiện.
Chưa có dự án mới
Về điện chất thải rắn, cũng theo Quyết định số 262, TP. Đà Nẵng được phân bổ công suất nguồn điện sản xuất từ rác là 18 MW trên cơ sở Dự án Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện tại Khánh Sơn do Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam làm nhà đầu tư (với quy mô công suất 18 MW, dự án đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lần thứ 3 ngày 18/9/2023).
Dự án đã được Bộ Công thương tổng hợp trong danh mục các dự án điện sản xuất từ rác bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, trình Thủ tướng tại Tờ trình số 3015/TT-BCT ngày 7/5/2024, vận hành trong giai đoạn 2023-2025.
Về điện gió, thời gian qua, Công ty TNHH Năng lượng Trung Du Xanh có đề xuất với UBND TP. Đà Nẵng xin chủ trương cho phép được nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch Dự án Nhà máy điện gió tại khu vực biển gần bờ thuộc địa bàn 3 quận gồm Liên Chiểu, Thanh Khê và Ngũ Hành Sơn.
Liên quan đến đề xuất của doanh nghiệp, UBND TP. Đà Nẵng có văn bản lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Sau khi nhận được ý kiến của Bộ Quốc phòng, UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản chuyển ý kiến đến Sở Công thương, Công ty TNHH Năng lượng Trung Du Xanh để tiếp tục nghiên cứu.
Về điện mặt trời, tính đến cuối tháng 5/2024, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đang đấu nối cho 2.513 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà, trong đó có 8 hệ thống nội bộ với công suất 81,646 MWp.
Điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà xưởng trong Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. |
Theo số liệu của Sở Công thương TP. Đà Nẵng (tại Hội nghị về cung ứng điện, tiết kiệm điện và đảm bảo an toàn điện năm 2024 trên địa bàn TP. Đà Nẵng vào ngày 10/7/2024), tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong tổng cung năng lượng sơ cấp trên địa bàn TP. Đà Nẵng đạt khoảng 3,69%. Trong đó, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời toàn TP. Đà Nẵng là 81,6 MW (đạt 33% theo kế hoạch đến năm 2025).
Con số 3,69% trên thuộc về đóng góp sản lượng điện của điện mặt trời (tự dùng và phát lên lưới) và không thay đổi so với tháng 5/2023.
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, TP. Đà Nẵng được phân bổ 30 MW công suất điện mặt trời mái nhà phát triển đến năm 2030.
Tuy nhiên, UBND TP. Đà Nẵng cho rằng “với công suất 30 MW được phân bổ để thực hiện đến năm 2030 (luỹ kế sẽ là 111,6 MW) thì không đảm bảo mục tiêu phát triển điện mặt trời đến năm 2025 (244,675 MW) theo Đề án Phát triển sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035; đồng thời sẽ khó đáp ứng nhu cầu phát triển điện mặt trời mái nhà thực tế của khu vực công và khu vực tư nhân”.
Xem thêm tại baodautu.vn