Đà phục hồi trở lại, doanh nghiệp cần tăng tốc tín dụng

Phấn đấu tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm khoảng 5%

Chính phủ đã yêu cầu ngành Ngân hàng phấn đấu tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm khoảng 5%, cả năm khoảng 15%; tiếp tục thực hiện việc giảm lãi suất cho vay từ 1 đến 2%/năm, trong đó, 5 ngân hàng thương mại lớn là nòng cốt.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, tín dụng tăng chậm (tính đến cuối tháng 5 mới tăng trưởng 2,41%), tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn là một trong những tồn tại, hạn chế mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra. Vì thế, người đứng đầu Chính phủ đã tiếp tục yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Có thể thấy, vấn đề thúc tăng trưởng tín dụng đã được nhắc đến nhiều trong các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều tháng qua. Nhiều ngân hàng bày tỏ, mặc dù lãi suất huy động đang có xu hướng tăng, nhưng lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp, cộng với tình hình thanh khoản dồi dào nên các ngân hàng luôn mong muốn tìm được khách hàng cho vay.

Hiện các ngân hàng đang cho khách hàng doanh nghiệp vay với lãi suất bình quân từ 4-6%/năm, khách hàng cá nhân từ 6-8%/năm. Đồng thời, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, được “may đo” cho từng lĩnh vực và ngành nghề cụ thể, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận tín dụng.

Ngoài ra, 2 “đầu tàu” kinh tế lớn cũng đang thúc đẩy hàng loạt chương trình tín dụng ưu đãi, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tạo lực kéo tín dụng cho toàn quốc, giúp kết quả tăng trưởng tín dụng cao gấp đôi mức tăng chung toàn quốc.

Tại Thủ đô Hà Nội, đến cuối tháng 5/2024, tổng dư nợ tín dụng ước đạt trên 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 5,09% so với cuối năm 2023. Cục Thống kê TP Hà Nội cho hay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt.

Tại TPHCM, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 5 ước đạt 3,61 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2023.Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để hai bên ngân hàng và doanh nghiệp gặp được nhau trong mối quan hệ tín dụng bởi những rào cản trong tiếp cận tín dụng vẫn còn nhiều, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc những doanh nghiệp đã từng gặp khó khăn, thua lỗ trong kinh doanh.

Để dN có phương án kinh doanh hiệu quả tiếp cận vốn vay

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhu cầu thị trường đang dần phục hồi giúp xuất khẩu dệt may trong quý 1/2024 tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng muốn phục hồi hơn nữa thì doanh nghiệp cần nguồn lực và nguồn vốn để triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, ông Trường cho hay, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 xấu nên xu thế cấp vốn tín dụng năm 2024 cho các doanh nghiệp ở mức thấp hơn. Chẳng hạn như với ngành sợi, năm 2024, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sợi chỉ được duyệt hạn mức thấp hơn 20% so với năm 2023, nên nhiều doanh nghiệp rơi vào thiếu nguồn vốn lưu động để nhập khẩu nguyên liệu, tổ chức sản xuất.

Nhấn mạnh đến những thiệt hại nếu không hỗ trợ ngành sợi phục hồi, Chủ tịch Vinatex nêu rõ, các thị trường thế giới như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ… sẵn sàng bù lại lượng sợi mà Việt Nam mất đi nên nếu không nhanh chóng phục hồi thì ngành sợi Việt Nam sẽ mất đi khả năng chiếm lĩnh thị trường. Do đó, vị này đề nghị các ngân hàng thương mại cần đồng hành cùng doanh nghiệp, phải ngồi làm việc chi tiết với doanh nghiệp để thấy rằng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của từng đơn vị, doanh nghiệp, đơn hàng sau tốt hơn đơn hàng trước, số lượng đơn hàng năm nay nhiều hơn năm trước… để xét duyệt cấp hạn mức tín dụng phù hợp.

Ngoài ra, TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HANOISME) đã không ít lần kiến nghị, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội chiếm 98,2 % tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập, tạo việc làm cho 55,1% tổng lao động, đóng góp trên 40% GRDP cho Thành phố nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn gặp khó khăn về thủ tục vay vốn khi ngân hàng thương mại yêu cầu phải có thế chấp tài sản, trong khi khu vực này nhiều doanh nghiệp thiếu và yếu về điều kiện này. Cũng về điều kiện tài sản thế chấp, bà Nguyễn Hải Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP cho hay, tài sản của doanh nghiệp gắn với vùng nước, trong khi quy định là tài sản thế chấp là tài sản gắn liền với đất.

Với tình cảnh trên, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn các ngân hàng nghiên cứu cơ chế cho vay tín chấp phù hợp, hoặc cho vay dựa theo phương án kinh doanh khả thi cho các doanh nghiệp được thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng tích cực rà soát các dự án để đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi, đẩy nhanh việc xét duyệt cho vay, áp dụng các biện pháp, hình thức tài sản đảm bảo cho vay linh hoạt, phù hợp quy định; đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp… Thậm chí, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà không tiếp cận được vốn vay; thường xuyên tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp…

Tuy nhiên, để thúc đẩy, kéo tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Trong đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp thị trường đầu ra, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi cũng như kết hợp các cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ mới… để doanh nghiệp vừa phục hồi, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp hấp thụ vốn hiệu quả, tránh nguy cơ nợ xấu.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn