Đà trượt dốc của Garmex Sài Gòn đến từ đâu?

GMC-HINH

Garmex Sài Gòn chỉ còn 35 nhân sự tính đến cuối 2023. Nguồn: GMC

Lợi nhuận lao dốc, thu hẹp hoạt động

Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (mã: GMC) là doanh nghiệp dệt may lớn ở TP.HCM, được thành lập từ 1976, cổ phần hóa 2004 và niêm yết trên HoSE vào 2006.

Kể từ thời điểm cổ phần hóa, doanh nghiệp liên tục phát triển, doanh thu từ 124 tỷ đồng năm 2004 lên đỉnh 2.038 tỷ đồng vào 2018. Tương tự lợi nhuận cũng tăng từ 7,7 tỷ đồng lên 121 tỷ đồng.

Sau đó, kết quả kinh doanh Garmex Sài Gòn dần trượt dốc, đơn hàng xuất khẩu bị thu hẹp. Một trong nguyên nhân là do công ty không bắt kịp xu hướng phát triển chuỗi cung ứng, không đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ từ các hiệp định thương mại. Bởi vậy, từ chỗ chuyên hàng xuất khẩu công ty phải tăng cường tìm đơn hàng gia công trong nước để ổn định sản xuất. Vào năm 2021, doanh thu xuất khẩu giảm đến 48%, công ty chuyển đổi 2 nhà máy sang gia công nội địa để bù đắp.

Sự thay đổi này đã khiến Garmex Sài Gòn không chống đỡ được trong bối cảnh nhu cầu giảm đột ngột từ nửa cuối 2022, đơn hàng dệt may giảm mạnh ở các thị trường chính như Mỹ, EU. Tính chung, năm 2022, đơn hàng xuất khẩu của công ty giảm đến 93%, đơn hàng gia công cũng chững lại từ tháng 8. Hàng sản xuất ra không giao được, tồn kho tăng buộc doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí.

Năm 2023, doanh nghiệp thậm chí không có đơn hàng, doanh thu vỏn vẹn 8 tỷ đồng. Nhân sự từ gần 4.000 người cuối 2021 thì nay giảm xuống 35 người. Hệ quả, Garmex lỗ liên tiếp 2022 và 2023 với lần lượt 85 tỷ và 52 tỷ đồng.

Chưa tuyển lại lao động, đàm phán giảm lương

Vào cuối năm 2023, lãnh đạo Garmex Sài Gòn đánh giá ngành dệt may chưa có biến động lớn, tồn kho còn nhiều ở nước ngoài, nhu cầu thị trường Mỹ, châu Âu chưa có sự tăng trưởng lớn, đơn hàng mới còn ít, hàng hóa giá trị thấp, thị trường chưa thực sự khởi sắc trước tình hình kinh tế, chính trị thế giới.

Do vậy, công chưa có kế hoạch tuyển lại lao động cho ngành nghề truyền thống, đồng thời, ngay từ tháng đầu năm, ban lãnh đạo đã thỏa thuận với người lao động giảm tiền lương, cắt tiếp những chi phí hợp lý, tập trung thanh lý nguyên phụ liệu tồn kho, chuyển nhượng tài sản. Lãnh đạo Garmex Sài Gòn cho biết đã định giá xong máy móc thiết bị, nhà máy Tân Mỹ và Quảng Nam đang định giá, các công cụ, dụng cụ thanh lý bằng hình thức chào giá cân ký.

Trước tình hình mảng kinh doanh truyền thống bế tắc, doanh nghiệp xác định cần đa dạng hóa ngành nghề để tránh rủi ro. Công ty bổ sung ngành nghề kinh doanh liên quan đến kho bãi, lưu giữ hàng hóa, dịch vụ liên quan đến vận tải; sửa đổi chi tiết ngành nghề kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Đồng thời, khoản đầu tư mới duy nhất trong năm 2023 của Garmex Sài Gòn là đầu tư vào Công ty cổ phần Phú Mỹ cho dự án nhà ở khoảng 1,5 ha. Lãnh đạo công ty kỳ vọng dự án sẽ mang lại giá trị tiềm năng trong tương lai cho công ty.

Vào tháng 8/2023, HĐQT công ty đã thống nhất tăng góp vốn vào Công ty cổ phần Phú Mỹ từ 18,2 tỷ lên 29,6 tỷ đồng, giữa nguyên tỷ lệ sở hữu 32,47% vốn khi Phú Mỹ tăng vốn lên 91,1 tỷ đồng.

Hơn 100 tỷ hàng tồn kho liên quan Gilimex chưa xử lý

Sự khó khăn của Garmex Sài Gòn không chỉ đến từ bối cảnh ngành dệt may chung mà còn liên quan đến mảng gia công cho Gilimex (mã: GIL).

Mối quan hệ giữa 2 bên có từ lâu khi Gilimex sở hữu gần 25% vốn Dệt May Gia Định trong khi Dệt May Gia Định sở hữu hơn 10% Garmex Sài Gòn. Năm 2018, 2 lãnh đạo của Gilimex là ông Lê Hùng – Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Việt Cường – Thành viên HĐQT được bầu vào HĐQT Garmex Sài Gòn với tư cách đại diện sở hữu của Dệt May Gia Định. Ông Lê Hùng còn giữ cương vị Tổng Giám đốc GMC.

Trong thời kỳ ăn nên làm ra của thương mại điện tử (2020 – 2021), Gilimex liên tục mở rộng quy mô để đáp ứng đơn hàng khổng lồ từ khách hàng chính như Amazon, IKEA… Đây cũng là thời điểm Gilimex gom cổ phiếu GMC thành cổ đông lớn, tỷ lệ sở hữu 7,09% vốn. Khi đó, Garmex Sài Gòn trở thành đối tác gia công, hương lợi từ các đơn hàng Amazon cùng Gilimex.

Tuy nhiên, từ quý II/2022, Amazon đột ngột giảm đơn hàng khiến doanh thu Gilimex giảm đến 80% đến nay chưa thể phục hồi. Garmex Sài Gòn cũng liên đới ảnh hưởng, doanh thu giảm mạnh và bắt đầu thua lỗ.

Tại cuối năm 2023, hàng tồn kho của công ty có giá gốc 126 tỷ đồng thì đến 100 tỷ liên quan đến hàng gia công cho Gilimex, trích lập dự phòng lên đến 36 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho biết Gilimex đang làm việc với đối tác (Amazon) để giải quyết các khúc mắc. Theo đó, Garmex Sài Gòn cũng trong tình trạng thúc đẩy Gilimex giải phóng hàng tồn cho công ty.

Hiện nay, Gilimex đã rút vốn khỏi Dệt may Gia định nhưng vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu tại Garmex Sài Gòn. Báo cáo của Gilimex ghi nhận khoản đầu tư giá gốc 61 tỷ vào Garmex Sài Gòn, tạm lỗ 42,5 tỷ đồng.

Mặt khác, Dệt may Gia Định đang muốn thoái sạch vốn tại GMC khi đăng ký bán 3,3 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn. Ban đầu, công ty đưa ra mức giá 18.528 đồng/cp nhưng chưa bán được và mới đây đã hạ xuống 16.675 đồng/cp. Thời gian giao dịch dự kiến từ 9/1 đến 7/2.

Giao dịch bán của Dệt may Gia Định không thành công là điều dễ hiểu khi mà cổ phiếu GMC từ 3 tháng qua chỉ biến động quanh vùng 8.000 – 9.000 đồng/cp.

Về nhân sự, ông Lê Hùng đã rút nhường vị trí Tổng Giám đốc cho bà Nguyễn Minh Hằng từ tháng 9/2022, ông Nguyễn Việt Cường vẫn tại vị.

Thời điểm cuối năm, công ty có tổng tài sản 419 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ đồng so với đầu năm. Tài sản công ty tập trung nhiều ở tài sản cố định với 153 tỷ đồng, hàng tồn kho 94 tỷ đồng và 92 tỷ đồng tiền, tiền gửi.

Xem thêm tại nhadautu.vn