Đại dự án của giao thông Việt Nam vừa giải quyết vấn đề vốn, nay tiếp tục dành 48.000 tỷ trong 4 năm cho mục tiêu lớn
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện giai đoạn 2 của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành). Theo đó, Bộ kiến nghị Thủ tướng giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lập nghiên cứu phương án triển khai giai đoạn 2 của dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trước đó, tại Nghị quyết số 94/2015/QH13, Quốc hội đã xác định quy mô đầu tư theo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành sẽ được đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 3 hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Theo nội dung hồ sơ trình phê duyệt đầu tư giai đoạn 1, chủ đầu tư ACV đã lên kế hoạch kinh doanh, tích lũy nguồn tiền để thực hiện giai đoạn 2 của dự án và định hướng cho giai đoạn 3. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2 của sân bay Long Thành khoảng 48.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong vòng 4 năm, từ năm 2028-2032.
Trước đó, vào ngày 6/5, ACV đã thông qua nghị quyết về việc vay vốn 1,8 tỷ USD từ 3 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank và BIDV để thực hiện dự án thành phần 3, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành. Thời gian vay là 20 năm. Biện pháp đảm bảo là tài sản hình thành từ dự án (các hạng mục được phép thế chấp) cho dù các tài sản này đang có hay sẽ hình thành trong tương lai.
Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Sân bay đạt cấp 4F, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong đó, giai đoạn 1 công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Mức đầu tư khái toán toàn bộ dự án là khoảng 16,06 tỷ USD, giai đoạn 1 là 5,45 tỷ USD. Khi được đi vào hoạt động, đây sẽ là cảng hàng không quốc tế quan trọng của Việt Nam, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực.
Hiện nay, công trường dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế với hơn 2.000 máy móc đang ngày đêm tăng tốc thi công nhiều công trình thuộc các gói thầu. Các gói thầu quan trọng đang được đẩy nhanh tiến độ để kịp hoàn thành và đưa sân bay vào khai thác cuối năm 2025.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn