Đại gia “Hùng Cá” và con đường đưa cá tra “xuất ngoại” đến khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng
Số liệu từ Hải quan Việt Nam cho thấy, trong tháng 5/2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Nga ghi nhận tăng gấp 6,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến hết tháng 5/2024, lũy kế XK cá tra Việt Nam sang Nga đạt hơn 8 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu Vasep cho thấy, có 5 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra sang Nga lớn nhất gồm: CTCP Thực phẩm Quế Ký, CTCP Nam Việt, Công ty TNHH Hùng Cá, Công ty TNHH MTV Trần Hân, CTCP Vạn Ý.
Trong số này, Công ty TNHH Hùng Cá và CTCP Vạn Ý đều do doanh nhân Trần Văn Hùng (thường được gọi với cái tên "Hùng Cá") điều hành.
Chân dung đại gia "Hùng Cá"
Trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, cái tên Hùng Cá thường được nhắc đến bằng sự ngưỡng mộ dành cho một doanh nhân vươn lên từ nghèo khó, trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá, sở hữu 6 nhà máy chế biến thủy sản cùng vùng nuôi cá nguyên liệu cả ngàn hecta ở tỉnh Đồng Tháp (thời điểm năm 2020).
Ông Trần Văn Hùng (Năm Hùng), sinh năm 1959 tại thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Theo lời kể, ông Trần Văn Hùng từng có 7 năm làm việc ở Campuchia và tích lũy được trên 10 lượng vàng. Trở về quê nhà, năm 1987, ông Hùng đầu tư vốn đóng 2 chiếc bè gỗ neo đậu dưới lòng sông Tiền để nuôi cá basa.
Đến năm 1997, ông Hùng phát triển thêm lên 7 chiếc bè gỗ lớn nuôi cá, xuất bán hơn 3.000 tấn cá basa thương phẩm, thu nhập 4 tỷ đồng. Và biệt danh đại gia “Hùng Cá” đã lan rộng ra khắp vùng châu thổ. Vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, phong trào nuôi cá tra lên ngôi do giá cả trên thị trường lúc bấy giờ tăng cao, Hùng Cá quyết định chuyển sang nuôi loại cá này.
Sau đó, đại gia Hùng Cá đầu tư mua 6 ha đất bãi bồi ven sông Tiền, thuê xáng nạo vét thành 4 cái ao lớn, thiết kế hệ thống thoát nước và xử lý môi trường để nuôi cá tra. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, sau vụ nuôi đầu tiên, ông thu hoạch hơn 1.000 tấn cá tra thương phẩm, thu nhập hơn 1 tỷ đồng.
Năm 2000, ông tiếp tục nuôi cá tra, áp dụng các giải pháp KHCN, cuối vụ thu hoạch, sản lượng và lợi nhuận tăng gấp đôi so với năm trước. Sau nhiều năm thành công, ông mở rộng thêm đất đào ao nuôi cá. Đến năm 2005, trang trại của ông có 40 ao, mỗi ao rộng khoảng 1 ha, hàng năm xuất bán gần 20.000 tấn cá, doanh thu đạt gần 300 tỷ đồng.
Vào tháng 2/2006, Công ty TNHH Hùng Cá chính thức được thành lập với quy mô 250 ha vùng nuôi trải dài trải dài trên 80 ao nuôi tại Hồng Ngự, Tam Nông và Thanh Bình và 1 nhà máy chế biến sản xuất, cung cấp sản lượng trên 50.000 tấn nguyên liệu/năm.
Chính nhờ lòng quyết tâm và nhạy bén với thị trường, đến nay gia đình ông Hùng sở hữu khối tài sản đáng mơ ước.
Dữ liệu cho thấy, chỉ xét riêng ở một số doanh nghiệp do ông Trần Văn Hùng làm đại diện, khối tài sản của vị đại gia này đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, tại Công ty TNHH Hùng Cá, ông Hùng sở hữ 97,3% vốn điều lệ tương ứng với hơn 1.365 tỷ đồng.
Tại CTCP Nhà họ Trần Sở Thượng Đồng Tháp (thành lập ngày 14/3/2024) - doanh nghiệp có vốn điều lệ 126 tỷ đồng, trong đó ông Trần Văn Hùng là cổ đông lớn nhất nắm 79,76%, tương ứng với 100,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp này có ngành nghề chính là chế biến, xuất khẩu, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản. Ông Hùng là đại diện kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Công ty.
Còn tại CTCP Phát triển Hùng Cá 2 (thành lập tháng 10/2012), doanh nghiệp có vốn điều lệ 298 tỷ đồng (tại thời điểm tháng 1/2017), trong đó ông Hùng nắm tới 75,5%, tương ứng gần 225 tỷ đồng vốn điều lệ.
Trong khi đó, tại CTCP Phát triển Hùng Cá (thành lập tháng 11/2010), công ty có điều lệ 240 tỷ đồng (thời điểm tháng 11/2013), trong đó ông Hùng góp hơn 41 tỷ đồng, tương ứng 17,11% vốn điều lệ.
Như vậy, chỉ xét riêng các doanh nghiệp kể trên, đại gia "Hùng Cá" đã sở hữu khối tài sản lên tới hơn 1.730 tỷ đồng.
Bệ phóng của đại gia "Hùng Cá"
Công ty TNHH Hùng Cá ra đời với 3 thành viên sáng lập là ông Hùng cùng 2 con trai Trần Văn Hài, Trần Văn Hậu. Tháng 4/2006, Công ty Hùng Cá xây dựng nhà máy chế biến thủy sản tại tỉnh Đồng Tháp, với công suất 45.000 tấn cá nguyên liệu/năm, đánh dấu việc hoàn chỉnh quy trình khép kín của Hùng Cá: nuôi trồng – chế biến – xuất khẩu. Đây được coi là bước ngoặt lớn đưa Hùng Cá trở thành nhà xuất khẩu duy nhất sở hữu một quy trình sản xuất khép kín giúp kiểm soát được nguồn nguyên liệu và linh động trong việc cung cấp hàng xuất khẩu.
Tháng 12/2006, Chi nhánh Công ty TNHH Hùng Cá được thành lập tại Tp. Hồ Chí Minh. Từ đây, việc xuất khẩu cá được đầy mạnh. Sản phẩm của Hùng Cá, chủ yếu là mặt hàng cá Tra/Basa phi lê đã có mặt trên thị trường quốc tế, chủ yếu ở các thị trường Châu Âu, Trung Đông, Nga, Châu Á, Nam Mỹ…
Đến năm 2007, ông Trần Văn Hùng được Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam trao giấy chứng nhận “Điển hình sáng tạo Việt Nam” cho công trình nghiên cứu và thực hiện hệ thống nuôi cá sạch trong ao.
Năm 2008, Hùng Cá được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Châu Âu với mã số DL 126; Hùng Cá liên tiếp nhận các chứng nhận chất lượng, bao gồm: chứng chỉ ISO 22000:2005, chứng chỉ BRC, HACCP, IFS.
Tháng 6/2010, Hùng Cá là một trong 6 doanh nghiệp đầu tiên đạt chứng nhận Global Gap, giúp Hùng Cá tự tin thâm nhập các thị trường khó tính ở Châu Âu, đồng thời khẳng định uy tín thương hiệu Hùng Cá trên thị trường quốc tế.
Tháng 8/2010, công ty hoàn tất xây dựng và chính thức đưa vào hoạt động nhà máy chế biến thủy sản thứ hai – Vạn Ý với công suất 80.000 tấn/năm, nâng tổng sản lượng của Hùng Cá lên 120.000tấn/năm.
Năm 2011, Công ty TNHH Hùng Cá xếp thứ 25 trong 35 doanh nghiệp thủy sản trong top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam do CTCP Báo cáo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report).
Doanh nghiệp đã có nhiều lần thay đổi vốn điều lệ và cổ đông góp vốn. Cụ thể, vào tháng 10/2015, doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 368 tỷ đồng lên 569 tỷ đồng, trong đó ông Trần Văn Hùng góp nhiều nhất với 71,8%, Trần Văn Hậu góp 8,5%, Nguyễn Thị Ý góp 8,5%, Nguyễn Văn Sol góp 1,35%, Trần Văn Hân góp 8,5%, Trần Văn Minh góp 1,35%.
Đến tháng 1/2017, cổ đông tại Hùng Cá được cô đọng lại còn 3 người gồm: ông Trần Văn Hùng góp 97,3%, còn lại ông Nguyễn Văn Sol và Trần Văn Minh mỗi người góp 1,35%.
Sau nhiều lần thực hiện tăng vốn, tới tháng 7/2023 vốn điều lệ của Hùng Cá đạt mức 1.403 tỷ đồng, trong đó, ông Trần Văn Hùng vẫn nắm 97,3%, và ông Nguyễn Văn Sol và Trần Văn Minh mỗi người góp 1,35%.
Từ năm 2012 đến nay, Công ty TNHH Hùng Cá đã vinh dự được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, cúp vàng, bằng khen... Nổi bật là việc DN này được trao tặng cúp Chất lượng Vàng thủy sản Việt Nam.
Riêng Tổng Giám đốc Trần Văn Hùng từng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba; được Thủ tướng và nhiều bộ, ngành cũng như UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen cho thành tích trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh và công tác từ thiện xã hội.
Năm 2019, Công ty TNHH Hùng Cá nằm trong top 50 DN xuất sắc nhất Việt Nam (Top 50 Vietnam The Best) - DN 3 năm liên tiếp có tên trong bảng xếp hạng VNR500 (Vietnam Report) về doanh thu.
Những năm gần đây, Hùng Cá luôn nằm trong top các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất cả nước. Tại thị trường Nga, Hùng Cá và Vạn Ý đều nằm trong 5 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Ông Trần Văn Hùng có 3 người con và cũng đều thành danh. Trong số đó, phải kể đến doanh nhân Trần Văn Hậu - sáng lập và điều hành HungHau Holdings. Hệ sinh thái Nông nghiệp Hùng Hậu cũng lớn mạnh không ngờ. Ở bài sau, Thị trường Tài chính sẽ giới thiệu về con trai đại gia Hùng Cá và hệ sinh thái Nông nghiệp Hùng Hậu.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn