'Đại gia' Thái Lan dự kiến thu về hơn 258 tỷ đồng từ đợt chi trả cổ tức sắp tới của Nhựa Bình Minh

Nhựa Bình Minh vừa công bố quyết định của HĐQT về việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 1/2024. Theo đó, ngày 14/11 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 57,4% (1 cổ phiếu được nhận 5.740 đồng). Thời gian chi trả vào 5/12/2024.

Với gần 82 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Nhựa Bình Minh sẽ phải chi khoảng 470 tỷ đồng thanh toán cổ tức đợt này cho cổ đông.

-2615-1729673905.jpg

Nhựa Bình Minh vừa công bố quyết định của HĐQT về việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 1/2024.

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ, công ty dự kiến dành tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế năm 2024 để chia cổ tức.

Thực tế, nhiều năm trở lại đây, Nhựa Bình Minh đều bỏ ra gần như toàn bộ lợi nhuận đạt được trong năm để chi trả cổ tức bằng tiền. Chẳng hạn, như năm 2023, Nhựa Bình Minh đã chia cổ tức tổng tỷ lệ kỷ lục 126%, tương ứng số tiền chi trả hơn 1.030 tỷ đồng, chiếm 99% lãi sau thuế đạt được trong năm (1.041 tỷ).

Việc chia cổ tức đều đặn với tỷ lệ “khủng” hàng năm giúp "đại gia" Thái Lan là The Nawaplastic Industries (Saraburi) - thành viên của Tập đoàn SCG, thu về hàng trăm tỷ mỗi năm nhờ nắm quyền chi phối gần 55% cổ phần Nhựa Bình Minh. Đợt tạm ứng cổ tức chi trả vào tháng 12 tới đây, “cá mập” này dự kiến “bỏ túi” hơn 258 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, quý III/2024, doanh thu thuần của Nhựa Bình Minh đạt 1.407 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ và tăng 22% so với quý liền trước.

Khấu trừ các chi phí, Nhựa Bình Minh báo lãi ròng 290 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ, sát đỉnh lợi nhuận trong quý II/2023 mà doanh nghiệp này đạt được.

Dù vậy, do 2 quý đầu năm kết quả thấp nên 9 tháng đầu năm, công ty đạt 3.563 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 4% và lợi nhuận ròng đạt 760 tỷ đồng, giảm 3%. Lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 9.282 đồng.

Đáng chú ý, kết quả kinh doanh luỹ kế 9 tháng có xu hướng giảm so với cùng kỳ, thế nhưng Nhựa Bình Minh vẫn mạnh tay chi gần 21 tỷ đồng để trả thù lao hậu hĩnh cho dàn lãnh đạo.

Trong đó, người được chi trả nhiều nhất là ông Chaowalit Treejak – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc với hơn 4,6 tỷ đồng cho 9 tháng làm việc tại doanh nghiệp (cùng kỳ, khoản này ghi nhận chỉ 3,4 tỷ đồng), trung bình ông được trả 511 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch HĐQT Sakchai Patiparnpreechavud nhận về hơn 2 tỷ đồng tiền lương, thưởng và thù lao; trung bình mỗi tháng, vị Chủ tịch người Thái này được trả 222 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái, khoản này ghi nhận chỉ 1,3 tỷ đồng/9 tháng.

4 thành viên HĐQT còn lại là ông Nguyễn Hoàng Ngân, Poramate Larnroongroji, Phan Khắc Long và bà Nguyễn Thị Minh Giang được trả lần lượt 1,27 tỷ đồng, 1,2 tỷ đồng, 387 triệu đồng và 820 triệu đồng cho 9 tháng đầu năm 2024.

Bên cạnh đó, công ty chi trả cho thành viên khác của Ban Tổng Giám đốc 7,5 tỷ đồng và Thành viên Ban Kiểm soát được trả 2,8 tỷ đồng cho 3 quý làm việc.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu BMP vừa lập đỉnh lịch sử ở mức 133.500 đồng/cp vào phiên 23/10. So với đầu tháng 10, cổ phiếu này đã tăng gần 20%. Vốn hoá theo đó đạt gần 11.000 tỷ đổng.

Châu Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn