‘Đại gia’ Vũ Văn Tiền - ông chủ ABBank, Geleximco có ‘vũ khí’ gì để tạo ra ‘thủ phủ sản xuất ô tô’ của Đông Nam Á, đấu với Vinfast ngay trên sân nhà?
Biến Việt Nam trở thành ‘thủ phủ’ sản xuất xe ô tô điện của Đông Nam Á và cả Châu Á
Ngày 4/4 tại Hà Nội, Tập đoàn Geleximco chính thức ký kết hợp đồng liên doanh với thương hiệu OMODA&JAECOO (Trung Quốc). Theo kế hoạch, hai bên sẽ xây dựng nhà máy với công suất 200.000 xe/năm, để sản xuất các mẫu xe mang thương hiệu OMODA&JAECOO.
Tại sự kiện, Chủ tịch Vũ Văn Tiền phát biểu: “Tôi rất tâm huyết với dự án này. Chúng tôi gặp gỡ nhau trong Covid, vượt qua không ít khó khăn để xây dựng chủ trương hợp tác. Tôi mong muốn liên doanh này có thể tạo ra một thủ phủ sản xuất ô tô của Đông Nam Á nói riêng và cả châu Á”.
Lễ ký kết giữa Tập đoàn Geleximco và OMODA&JAECOO diễn ra ngày 4/4 tại Hà Nội |
Nhà máy được xây dựng tại tỉnh Thái Bình với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới hơn 800 triệu USD, tương đương khoảng 20.000 tỷ đồng. Việc xây dựng nhà máy sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I/2026.
Trong quá trình xây dựng nhà máy, OMODA&JAECOO sẽ tiếp cận thị trường Việt Nam bằng hình thức nhập khẩu xe nguyên chiếc, dự kiến sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm 2024. Mẫu xe thuần điện thông minh crossover SUV OMODA E5 và mẫu xe việt dã công nghệ JAECOO 7 PHEV sẽ là sản phẩm đầu tiên được ra mắt.
Chân dung ông chủ Ngân hàng An Bình (ABBank), Geleximco
Ông Vũ Văn Tiền sinh năm 1959, trong một gia đình thuần nông tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông tốt nghiệp Kỹ sư Học viện Kỹ thuật Quân sự, Cử nhân kinh tế Đại học Đại học Kinh tế Quốc dân.
Ông bắt đầu khởi nghiệp bằng Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco vào năm 1993, tiền thân của Tập đoàn Geleximco ngày nay. Cũng kể từ thời điểm đó, ông Vũ Văn Tiền điều hành Geleximco với cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch HĐQT Geleximco, đồng Phó Chủ tịch HĐQT ABBank |
Từ một công ty xuất nhập khẩu nhỏ, Geleximco hiện tại là tập đoàn đa ngành, đầu tư vào 5 lĩnh vực kinh doanh gồm sản xuất công nghiệp, bất động sản, tài chính - ngân hàng, thương mại - dịch vụ, công nghệ thông tin.
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Geleximco là cổ đông sáng lập và đồng sở hữu các đơn vị như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình, Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình.
Vai trò của vị doanh nhân gốc Thái Bình này còn gắn chặt với Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank). Từ 3/2005-4/2018, ông Tiền giữ chức Chủ tịch HĐQT, đi cùng nhà băng này “nâng cấp” từ ngân hàng nông thôn lên thành thị. Tháng 4/2018, ông rời ghế Chủ tịch ABBank và nhường lại cho ông Đào Mạnh Khang để đáp ứng quy định của Luật các TCTD sửa đổi, bổ sung.
Hiện, ông Tiền là Phó Chủ tịch ABBank, sở hữu cá nhân và gia đình ông tại nhà băng này chiếm hơn 3,2% vốn điều lệ của ngân hàng. Bên cạnh đó, tập đoàn Geleximco đang là cổ đông lớn, sở hữu 12,779% vốn của ABBank - là cổ đông lớn thứ 2 của ngân hàng sau cổ đông chiến lược Malayan Banking Berhad (Maybank), nắm 16,39% vốn.
Đâu là “vũ khí” của doanh nhân Vũ Văn Tiền?
Theo Báo cáo triển vọng ngành Ô tô 2024, SSI Research nhận định, thị trường xe điện tuy nhỏ nhưng đầy tiềm năng tăng trưởng.
Theo CNBC, BMI Research, một đơn vị nghiên cứu của Fitch Solution cho biết: “Chúng tôi hiện kỳ vọng doanh số bán xe điện chở khách ở Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình hàng năm là 25,8% trong giai đoạn 2023-2032 để đạt doanh số hàng năm khoảng 65.000 chiếc, tăng từ 8.400 chiếc vào năm 2022”.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự đoán số lượng sở hữu xe điện sẽ đạt 1 triệu chiếc vào năm 2028 và 3,5 triệu chiếc vào năm 2040.
"Ảnh cả" thị trường ô tô điện Việt Nam - Vinfast có thể coi là đối thủ nội địa lớn nhất của Geleximco - OMODA&JAECOO |
Trước mảnh đất “tiềm năng” này, Geleximco và OMODA&JAECOO đang đứng trước nhiều đối thủ đã, đang và sẽ khai thác và khẳng định vị thế của mình trên thị trường. Tuy vậy, khác với các đối thủ TMT Motors - WULING AUTOMOBILE hay Thái Hưng đang tập trung vào phân khúc xe ô tô điện mini, Geleximco - OMODA&JAECOO đang “nhắm tới” phân khúc hạng trung và sang.
Như vậy, “anh cả” của thị trường ô tô điện Việt Nam - Vinfast có thể coi là đối thủ nội địa lớn nhất ở thời điểm hiện tại.
Vậy, đâu là “vũ khí” của Chủ tịch Vũ Văn Tiền trong “cuộc đua” xe điện với tham vọng không nhỏ là mong muốn biến Việt Nam thành “thủ phủ” sản xuất xe của Đông Nam Á và cả châu Á?
Đầu tiên, phải nói tới tiềm lực tài chính của hệ tập đoàn đa ngành Geleximco, trong đó có miếng ghép là Ngân hàng TMCP An Bình, 1 trong 10 tập đoàn tư nhân hàng đầu, có uy tín tại Việt Nam. Tổng tài sản của Geleximco tại thời điểm cuối năm 2023 là 3,6 tỷ USD.
Geleximco là tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh bậc nhất Việt Nam - có doanh thu hàng năm trên 20.000 tỷ đồng (Ảnh: Geleximco) |
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới 2 thương vụ liên doanh với nước ngoài và thành công của Geleximco trong quá khứ.
Lần đầu tiên là thương vụ Geleximco liên doanh 30% cổ phần với Honda để thành lập Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Honda Việt Nam (VAP) – Chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô xe máy có tổng vốn đầu tư 90 triệu USD tại Hưng Yên.
Đây là một trong những hình mẫu hợp tác thành công đầu tiên giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp. Liên doanh này chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy cung cấp cho các hãng Yamaha, Suzuki, Kawasaki và Honda Việt Nam. Riêng với thương hiệu Honda, liên doanh còn lắp ráp xe máy Honda với công suất 400.000 xe/năm.
Thừa thắng xông lên, năm 2000, doanh nghiệp của ông Tiền tiếp tục triển khai dự án liên doanh sản xuất mỳ ăn liền cùng VIFON- ACECOOK và sau đó xây dựng nhà máy sản xuất bao bì phục vụ cho nhà máy mỳ ăn liền cũng như xuất khẩu tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Lần này, ở tuổi 65, doanh nhân người Thái Bình bước chân vào lĩnh vực xe điện đầy tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức. Chưa thể nói trước giấc mơ về "thủ phủ" sản xuất xe ô tô tại Đông Nam Á của ông chủ ABBank có thể thành hiện thực không, nhưng đây sẽ là một đối thủ đáng gờm của Vinfast ngay trên sân nhà.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn