Đại hội cổ đông Vietcombank 2025: Đẩy mạnh tăng vốn, củng cố nền tảng quản trị

Củng cố nền tảng quản trị, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo

Tại Đại hội, cổ đông Vietcombank đã thông qua việc bầu bổ sung hai thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023 - 2028 là ông Kohei Matsuoka và bà Hoàng Thanh Nhàn. Ông Kohei Matsuoka từng giữ chức Ủy viên điều hành Ngân hàng Mizuho và Đồng Trưởng phòng Quản lý kinh doanh khu vực châu Á tại Trụ sở chính Ngân hàng Mizuho toàn cầu. Trong khi đó, bà Hoàng Thanh Nhàn hiện là Tổng Biên tập thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đại hội cũng đã miễn nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Shojiro Mizoguchi - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc. Với những thay đổi này, Hội đồng quản trị Vietcombank hiện có 10 thành viên, đảm bảo sự cân đối về chuyên môn, kinh nghiệm và phù hợp với chiến lược quản trị hiện đại.

Ngoài ra, ông Trần Sỹ Mạnh - Trưởng Phòng Kế hoạch, Trụ sở chính Vietcombank, được bầu bổ sung làm thành viên Ban Kiểm soát thay cho ông Trịnh Ngọc An - người được miễn nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Nhiệm kỳ của thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát được bầu bổ sung là thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2023-2028. 

Việc kiện toàn nhân sự cấp cao là bước đi chiến lược trong bối cảnh Vietcombank đẩy mạnh chuyển đổi số, mở rộng mạng lưới hoạt động trong và ngoài nước, tiên phong trong tăng trưởng xanh. Đây là tiền đề vững chắc giúp Vietcombank nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững, tạo giá trị dài hạn cho cổ đông.

Phát hành hơn 543 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ

Một trong những nội dung trọng tâm tại Đại hội là việc thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhằm tăng vốn điều lệ. Cụ thể, Vietcombank dự kiến phát hành tối đa 543,1 triệu cổ phiếu, tương đương 6,5% số cổ phiếu đang lưu hành, cho không quá 55 nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá ước tính lên tới 5.431 tỷ đồng.

Năm 2024, Vietcombank đạt tổng tài sản 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Dư nợ tín dụng đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 14%, trong khi tổng huy động vốn đạt khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 8%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ ở mức 0,96%, với dư quỹ dự phòng rủi ro lên tới 31.183 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng đạt 223%, cao nhất trong nhóm các ngân hàng lớn tại Việt Nam.

Việc chào bán có thể thực hiện trong một hoặc nhiều đợt trong giai đoạn 2025–2026, tùy thuộc vào tình hình thị trường và nhu cầu thực tế. Theo quy định, cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng từ gần 83.557 tỷ đồng lên gần 88.988 tỷ đồng, tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để Vietcombank mở rộng quy mô hoạt động, tăng cường năng lực cạnh tranh và đầu tư chiều sâu vào các dự án chiến lược.

Trước đó, năm 2024, Vietcombank đã phát hành hơn 2,76 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, nâng vốn điều lệ lên 83.557 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế còn lại sau trích lập các quỹ đến cuối năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021.

Chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số

Bước sang năm 2025, Vietcombank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản khoảng 10% so với năm trước, điều chỉnh dư nợ tín dụng tối đa 16,28% theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 1,5%. Huy động vốn từ thị trường 1 dự kiến tăng 8% để đáp ứng nhu cầu tín dụng và phát triển kinh doanh.

Ngân hàng tiếp tục kiên định mục tiêu phát triển bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện và tăng trưởng xanh, thể hiện qua việc triển khai các chuẩn mực quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp (ESG). Vietcombank cam kết giữ vững vai trò tiên phong trong hệ thống tài chính quốc gia và từng bước vươn ra thị trường quốc tế.

Năm 2024, Vietcombank đạt tổng tài sản 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Dư nợ tín dụng đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 14%, trong khi tổng huy động vốn đạt khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 8%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ ở mức 0,96%, với dư quỹ dự phòng rủi ro lên tới 31.183 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng đạt 223%, cao nhất trong nhóm các ngân hàng lớn tại Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2024, Vietcombank trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế và quy định tại Việt Nam. Quy mô vốn hóa thị trường của ngân hàng đạt khoảng 21 tỷ USD, tiếp tục là doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất Việt Nam và nằm trong top 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất toàn cầu.

Với nền tảng tài chính vững mạnh, định hướng chiến lược rõ ràng và đội ngũ lãnh đạo được kiện toàn, Vietcombank tiếp tục khẳng định vị thế là ngân hàng chủ lực, tiên phong đổi mới, đóng góp tích cực cho sự phát triển của hệ thống tài chính Việt Nam trong kỷ nguyên số và xanh hóa toàn diện.

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn