Ngày 24/4, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - Mã ck: PGB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Toàn bộ các tờ trình và kế hoạch chiến lược của Hội đồng Quản trị được các cổ đông thông qua với đa số phiếu tán thành.

Lên kế hoạch tăng tốc, nâng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ

Năm 2025, PGBank phấn đấu tổng tài sản đạt 91.226 tỷ đồng tăng 24,9%, tương đương tăng 18.211 tỷ đồng so với cuối năm 2024; tổng dư nợ tín dụng đạt 48.653 tỷ đồng tăng 17,1% so với năm 2024; tổng huy động đạt 78.449 tỷ đồng tăng 17,6% so với năm 2024. Nợ xấu trên tổng dư nợ dự kiến được kiểm soát dưới 2% theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Mục tiêu lãi trước thuế vượt 1.000 tỷ đồng

Về kế hoạch kinh doanh 2025, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.001 tỷ đồng, tăng 135,3% so với 2024 và vượt xa mục tiêu lợi nhuận trước thuế 716 tỷ đồng mà Hội đồng Quản trị PGBank đã tạm giao tại nghị quyết trước đó.

Để đạt được những mục tiêu này, PGBank đặt ra 04 nhiệm vụ trọng tâm, đó là tiếp tục tinh gọn hiệu quả bộ máy tổ chức để nâng cao năng suất lao động; chuyển đổi số mạnh mẽ để gia tăng trải nghiệm khách hàng; cải tiến quy trình vận hành, tối ưu hóa hiệu suất toàn hệ thống; quản trị rủi ro và kiểm soát tốt tỷ lệ nợ xấu.

Đồng thời, ngân hàng chú trọng kiểm soát chi phí hiệu quả, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập hoạt động.

Trước đó, tại báo cáo tài chính quý I/2025 mới công bố, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 95,9 tỷ đồng, giảm 17,3% cùng kỳ. Giải trình về kết quả này, lãnh đạo PGBank cho biết, nguyên nhân chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng so với cùng kỳ năm 2024, mặc dù kết quả kinh doanh từ các hoạt động của ngân hàng tăng trưởng tích cực.

Đại hội đồng cổ đông PGBank: Bứt tốc sau kiện toàn, kỳ vọng lợi nhuận và vốn điều lệ tăng vọt
Đồ hoạ: Ánh Tuyết.

Đáng chú ý, PGBank đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng trong năm 2025. Trước mắt, ngân hàng sẽ hoàn tất phương án tăng vốn thêm 800 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu. Cùng với đó, PGBank trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm từ 5.000 tỷ đồng qua hai hình thức. Một là, trả cổ tức với tỷ lệ 10%, tương ứng phát hành thêm 50 triệu cổ phiếu. Hai là, chào bán ra công chúng theo tỷ lệ 9:11 với giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng phát hành thêm 450 triệu cổ phiếu.

Tại tờ trình phương án tăng vốn điều lệ, lãnh đạo PGBank nhận định, với sự phát triển của thị trường chứng khoán như hiện nay và uy tín của PGBank, việc tăng vốn điều lệ thêm 4.500 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng với giá chào bán thấp hơn giá thị trường là hoàn toàn khả thi.

Kiện toàn đội ngũ, vươn tới các chỉ tiêu tăng trưởng mới

Tại đại hội, nhiều cổ đông quan tâm đến các vấn đề chiến lược của PGBank như: tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, lộ trình tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng, tác động của việc xem xét bỏ room tín dụng. Cổ đông cũng đặt câu hỏi về tính khả thi trong mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.001 tỷ đồng, bởi kết quả quý I đạt gần 96 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông PGBank: Bứt tốc sau kiện toàn, kỳ vọng lợi nhuận và vốn điều lệ tăng vọt
Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của PGBank. Ảnh: PGBank.

Chủ động kiểm soát rủi ro, tự tin mục tiêu lợi nhuận

"Lợi nhuận quý I giảm bởi chúng tôi chủ động rà soát các khoản nợ, khoản phải thu, trích lập dự phòng theo đúng quy định và tối ưu hoá tài sản sinh lời. Trong hoạt động kinh doanh, quan trọng nhất đến từ doanh thu và kiểm soát các hoạt động, chất lượng nợ. Vì vậy, dù quý I chỉ đạt 96 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng chúng tôi hoàn toàn tự tin nhờ tăng trưởng về quy mô, các nguồn thu cũng như kiểm soát chi phí, chất lượng nợ, PGBank sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.001 tỷ đồng năm 2025" - ông Nguyễn Văn Hương - Tổng Giám đốc PGBank khẳng định.

Tính chung 5 năm qua 2020 - 2024, PGBank tăng trưởng ấn tượng ở hầu hết các chỉ tiêu tài chính quan trọng. Theo đó, tổng tài sản tăng gấp đôi, từ 36.153 tỷ đồng năm 2020 lên 73.015 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng gần 62%, từ 25.675 tỷ lên 41.533 tỷ đồng.

Cùng với đó, vốn chủ sở hữu đạt 5.166 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 425 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ổn định dưới 3%, trong khi hệ số an toàn vốn (CAR) duy trì ở mức cao, từ 10 - 12%, vượt yêu cầu.

Không chỉ chú trọng vào các chỉ tiêu tài chính, PGBank còn triển khai loạt chiến lược mang tính nền tảng và dài hạn nhằm tái định vị thương hiệu và củng cố nội lực, đặc biệt là tăng vốn điều lệ. Cùng với đó, PGBank ra mắt diện mạo thương hiệu mới năm 2024; đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống ngân hàng lõi, phát triển ngân hàng số toàn diện.

Đại hội cũng thông qua cơ cấu thành viên Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2025 - 2030. Theo đó, bà Cao Thị Thúy Nga - Thành viên độc lập Hội đồng Quản trị PGBank nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ trở thành tân Chủ tịch Hội đồng Quản trị PGBank nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Bà Nga có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng và từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại BIDV và là một trong những cán bộ cao cấp được BIDV cử sang đặt nền móng ngân hàng liên doanh VID Public Bank (nay là Public Bank). Năm 2005, bà gia nhập MB giữ vai trò Phó Tổng Giám đốc, từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị MBS và trở thành Thành viên độc lập Hội đồng Quản trị PGBank từ tháng 8/2024.

Còn ông Trần Ngọc Dũng tiếp tục được bầu là Trưởng Ban kiểm soát PGBank. PGBank sẽ bổ sung thêm Thành viên Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vào kỳ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường trong thời gian quy định.

Tầm nhìn năm 2030

Giai đoạn 2025 - 2030, Hội đồng Quản trị đặt mục tiêu đưa PGBank vào top 15 ngân hàng thương mại cổ phần có thu nhập hoạt động (TOI) tăng trưởng cao nhất. Đến năm 2030, ngân hàng đặt kế hoạch nâng vốn điều lệ lên tối thiểu 20.000 tỷ đồng, duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu thường niên từ 25 - 30%.

Các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động cũng được kiểm soát chặt chẽ, với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) duy trì dưới 40%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. PGBank đồng thời tích cực tìm kiếm cổ đông chiến lược trong và ngoài nước, cam kết tuân thủ nghiêm các giới hạn và tỷ lệ an toàn theo quy định.