Đạm Cà Mau (DCM): Cuối quý I 'ôm' gần 11.000 tỷ đồng tiền mặt, ‘của để dành’ tăng hơn 14 lần
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau - Đạm Cà Mau (Mã DCM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.885 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ (YoY).
Xét về cơ cấu doanh thu, hoạt động xuất khẩu ure là động lực chính cho tăng trưởng khi mang về xấp xỉ 1.194 tỷ đồng (+35% YoY), chiếm 41% cơ cấu doanh thu. Trong khi đó, dù vẫn là hoạt động mang về nhiều tiền nhất cho Đạm Cà Mau song doanh thu bán ure trong nước đã giảm 6% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, tại các mảng kinh doanh cốt lõi khác như NPK, hàng hoá phân bón và bao bì, doanh thu của doanh nghiệp đều đồng loạt đi lùi.
Các mảng doanh thu của Đạm Cà Mau |
Xét về cơ cấu chi phí, giá vốn hàng giảm gần 6%, tương ứng khoảng 2.039 tỷ đồng; chi phí bán hàng lên tới 337 tỷ đồng (+22% YoY); chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 115 tỷ đồng (-20% YoY)
Kết quả, Đạm Cà Mau lãi ròng gần 350 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2023.
Kết thúc quý I, quy mô tổng tài sản của Đạm Cà Mau nâng lên mức 15.744 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lên đến 10.929 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản.
Không chỉ sở hữu lượng tiền mặt lớn, DCM còn có hàng trăm tỷ đồng “của để dành”. Cụ thể, khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn ghi nhận ở mức 333 tỷ đồng, tăng 14,3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, phần lớn các khoản trả trước này nằm tại các doanh nghiệp nước ngoài, một lần nữa cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu của Đạm Cà Mau.
"Của để dành" của Đạm Cà Mau chủ yếu là tiền ngoại (Nguồn:BCTC quý I DCM) |
Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Đạm Cà Mau tính đến ngày 31/3 ghi nhận ở mức 5.423 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, tổng nợ vay đạt gần 1.410 tỷ đồng (gần như là vay ngắn hạn).
Trong năm 2024, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 795 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã thực hiện được 44% chỉ tiêu đề ra chỉ sau 3 tháng.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn