Đạm Cà Mau (DCM) và ba kỳ vọng tăng trưởng kinh doanh trong năm 2024
Chứng khoán MB (MBS) vừa công bố báo cáo phân tích CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (MCK: DCM) kỳ vọng lợi nhuận ròng của doanh nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh chủ yếu do đóng góp tích cực từ mảng ure khi sản lượng xuất khẩu tăng và nhà máy ure hết khấu hao.
Cụ thể, MBS nhận thấy nguồn cung phân bón thế giới trong năm 2024 sẽ tiếp tục thắt chặt khi Nga và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân ure để ổn định thị trường trong nước, đồng thời một số quốc gia tại Trung Đông thực hiện cắt giảm khí tự nhiên cho sản xuất phân ure. Nguồn cung hạn chế nhưng nhu cầu tiêu thụ phân bón thế giới được Hiệp hội Phân bón Quốc tế kỳ vọng tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ sẽ là động lực duy trì giá bán ure của DCM khi doanh nghiệp đang có tỷ trọng doanh thu ure xuất khẩu ngày càng lớn.
Sản lượng ure sản xuất và tiêu thụ của DCM ngày càng lớn |
Cùng với đó, Nhà máy Đạm Cà Mau đã chính thức hết khấu hao kể từ quý IV/2023 và kỳ vọng tổng chi phí khấu hao năm 2024 của DCM sẽ giảm 62,8% so với chi phí khấu hao năm 2023 (trong đó đã bao gồm ước tính khấu hao trong năm của nhà máy mới NPK Hàn Việt).
Nhà máy Đạm Cà Mau hết khấu hao sẽ giúp doanh nghiệp giảm lượng lớn chi phí |
Trong tháng 5/2024, DCM đã hoàn thành giao dịch mua 100% vốn góp tại Công ty TNHH Phân bón Hàn – Việt (KVF) với công suất thiết kế đạt 360 nghìn tấn NPK/năm. Qua đó giúp Đạm Cà Mau nâng tổng công suất lên 660 nghìn tấn/năm và là động lực tăng trưởng dài hạn do giúp mở rộng thị phần tốt hơn tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên (khu vực có nhu cầu tiêu thụ phân NPK khá cao khi có diện tích trồng cà phê và cao su lớn).
Ngoài ra, trong tháng 6/2024, dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (VAT) sẽ được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong dự thảo này, mặt hàng phân bón được đề xuất đưa vào diện chịu thuế VAT 5% (thay vì không chịu thuế như hiện tại). Theo đó, DCM có thể hưởng lợi nhờ được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào thay vì trích lập vào chi phí sản xuất kinh doanh và có thể cạnh tranh tốt hơn với các mặt hàng phân bón nhập khẩu.
Với các luận điểm trên, MBS kỳ vọng doanh thu năm 2024 của DCM đạt 14.526 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của NPK và Ure lần lượt tăng 57% và 45% so với cùng kỳ nhờ nhà máy ure hết khấu hao hỗ trợ lợi nhuận gộp tăng trưởng tốt bất chấp việc giá khí đầu vào tăng. Kết quả, MBS kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của Đạm Cà Mau 1.734 tỷ đồng, tăng 56,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn