Đang gặp khó về dòng tiền, Lộc Trời trúng đơn hàng 1.300 tỷ đồng xuất sang Indonesia
Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) vừa thông báo trúng thầu 100.000 tấn gạo cung ứng cho Cơ quan Hậu cần Nhà nước Indonesia (Perum Bulog), trên tổng số 300.000 tấn mà Bulog đấu thầu vào đợt này.
Trong đó, công ty mẹ Lộc Trời trúng thầu 60.000 tấn và là lần trúng thầu thứ 6 tính từ tháng 8/2023 đến nay. Công ty thành viên là Nông nghiệp Công nghệ cao Đại Tài cũng có lần đầu tiên trúng thầu với sản lượng 40.000 tấn gạo xuất sang Indonesia.
Toàn bộ đơn hàng sẽ được giao trong 2 tháng, hình thức thanh toán thông qua tín dụng thư (LC). Lộc Trời và công ty thành viên sẽ thu về trên 55 triệu USD (tương đương trên 1.300 tỷ đồng) khi hoàn tất.
Đại diện tập đoàn nói đang làm việc với các ngân hàng trong và ngoài nước để tài trợ cho phương án mua lúa tối đa cho bà con nông dân, sử dụng năng lực sản xuất sẵn có từ 10 nhà máy chế biến lúa gạo với công suất sấy 10.000 tấn/ngày để hoàn tất đơn hàng này.
"Khi ký kết các đơn hàng, từng mức giá đều được tính toán rất kỹ lưỡng, bù đắp được các khoản chi phí, tập đoàn có lợi nhuận đồng thời hài hòa lợi ích của bà con nông dân, lợi ích thị trường và lợi ích của nông sản Việt Nam về lâu dài", đại diện doanh nghiệp nói.
Lộc Trời nói thêm mức giá của đơn hàng trên phản ánh tình hình thị trường lúa gạo hiện tại, đúng phẩm cấp chất lượng gạo theo yêu cầu, có tính thời điểm và không làm ảnh hưởng tới các đợt đấu thầu tiếp theo.
Trước đó, sau khi Indonesia công bố kết quả mở thầu tháng 5/2024, hai doanh nghiệp từ Việt Nam đã trúng thấu với giá thấp. Riêng Lộc Trời trúng lô 60.000 tấn với giá 563 USD/tấn, giảm 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn.
Tập đoàn nông nghiệp này đang cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa nông dân sản xuất ra với mức giá cao hơn thị trường từ 100 đến 500 đồng/kg, tổ chức bán hàng theo các đơn hàng lớn để đảm bảo tiêu thụ hết số lượng.
Lộc Trời đang tham gia vào Đề án “1 triệu hecta lúa chất lượng cao” của Chính phủ. Công ty ký kết với các tỉnh ĐBSCL để triển khai liên kết sản xuất trên 300.000ha cho đến 2030, tương đương sản lượng có thể đạt 6 triệu tấn lúa hay 3,5 triệu tấn gạo.
Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Thòn nêu định hướng đang tăng cường xuất khẩu ra thế giới, do đó nhu cầu vốn rất lớn vì cần ứng tiền đầu tư cho nông dân trong vùng liên kết sản xuất - không chỉ giống, phân, thuốc mà còn là các dịch vụ cơ giới cả vụ.
Lời Trời mới đây vướng khủng hoảng nợ tiền thu mua lúa cho nông dân vụ Đông Xuân 2023-2024. Công ty đã mua trên 300.000 tấn lúa với tổng giá trị gần 2.500 tỷ đồng nhưng đến giữa tháng 4 chỉ trả được khoảng 2.000 tỷ đồng.
"Do một số biến động khách quan từ các khách mua gạo và ngân hàng", doanh nghiệp cho biết dù chủ động thu xếp dòng tiền, thậm chí chấp nhận bán lúa khô với giá thấp để ưu tiên thanh khoản, công ty vẫn có khoảng lệch về thời gian thanh toán, ảnh hưởng đến bà con nông dân.
Đến ngày 20/5, phía công ty thông báo đã phối hợp với Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền thu mua lúa còn thiếu.
Lộc Trời còn đang hoàn tất những bước cuối trong thỏa thuận vay trị giá 90 triệu USD (tương đương 2.200 tỷ đồng) với Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO), đồng thời đàm phán với các ngân hàng khác để tài trợ các dòng vốn ngắn hạn/trung/dài hạn để hạn chế các “nút thắt cổ chai” về dòng tiền trong tương lai.
Xem thêm tại vietnambiz.vn