Đang ở đỉnh, giá vàng nguy cơ rơi xuống 80 triệu đồng/lượng?
Giá vàng từ đỉnh rơi xuống 72 - 80 triệu đồng trong trường hợp nào?
Những ngày gần đây, giá vàng trong nước biến động dữ dội theo giá thế giới. Giá vàng trong nước sáng 20/3 tiếp tục phá đỉnh mới.
Giá vàng nhẫn sáng 20/3 tăng cả triệu đồng mỗi lượng, tiến sát mốc 101 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty Bảo Tín Minh Châu nâng giá vàng nhẫn tròn trơn lên mức 99,25-100,9 triệu (mua vào - bán ra), cao nhất lịch sử.
Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji đưa vàng nhẫn 9999 lên mức giá 99,2-100,8 triệu đồng/lượng (mua - bán). Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng nâng giá vàng nhẫn lên 98,4-100,4 triệu đồng/lượng (mua - bán). Tại PNJ, giá vàng nhẫn được niêm yết ở mức 98,7-100,7 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Cùng xu hướng, giá vàng miếng cũng tăng mạnh, lên mức kỷ lục 98,6-100,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)
Trên thị trường quốc tế, kim loại quý nối dài đà tăng, lập kỷ lục 3.054 USD một ounce. Giá vàng tăng mạnh trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị leo thang.
Theo dự báo của Hội đồng Vàng Thế giới, giá vàng thế giới nhiều khả năng duy trì đà tăng trong năm 2025, nhưng với tốc độ chậm hơn năm 2024.

Trong bài tham luận gửi hội thảo "Cơ hội đầu tư trong bối cảnh mới" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, PGS-TS Trần Việt Dũng và nhóm nghiên cứu đưa ra 3 kịch bản về giá vàng.
Trong đó, ở kịch bản cơ sở, kinh tế toàn cầu dần ổn định, tình hình căng thẳng địa chính trị không xảy ra biến động lớn, các ngân hành trung ương lớn (FED, ECB) giữ chính sách tiền tệ thận trọng, giá vàng quốc tế dự kiến tăng trong biên độ hẹp. Khi đó, giá vàng sẽ dao động từ 81-87 triệu đồng/lượng.
Với kịch bản tăng mạnh, nhóm nghiên cứu dự đoán giá vàng trong nước có thể tăng lên 88-92 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2025 và các dịp cao điểm.
Ngoài hai kịch bản tăng, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra một số yếu tố có thể kéo giá vàng trong nước giảm.
Cụ thể, giá vàng thế giới có thể giảm xuống mức 2.500-2.600 USD/ounce do các nền kinh tế lớn phục hồi nhanh chóng và các ngân hàng trung ương ưu tiên chính sách tiền tệ thắt chặt; đồng USD tăng giá mạnh; lãi suất trong nước tăng mạnh hơn dự kiến, kéo dòng tiền trở lại kênh tiết kiệm ngân hàng và giảm nhu cầu đầu tư vàng.
Theo đó, ở kịch bản này, giá vàng trong nước có thể giảm xuống mức 72-80 triệu đồng/lượng và có khả năng giảm nữa khi nhu cầu tích trữ và đầu tư trong nước giảm mạnh.
Nhiều tổ chức tài chính nước ngoài đã nâng dự báo triển vọng giá vàng có thể đạt đến 3.200 USD/ounce hay thậm chí lên đến 3.500 USD/ounce trong quý II/2025. Song cũng không ít ý kiến lo ngại rằng vàng có thể trải qua một đợt bán tháo mạnh.
Một số nhà phân tích cảnh báo rằng đợt tăng lên 3.000 USD/ounce hiện nay có thể đang lặp lại mô hình giống năm 2011, khi vàng đạt mức cao kỷ lục lúc đó là trên 1.900 USD, sau đó bị bán tháo mạnh sau 3 năm tăng liên tục…
Cẩn thận khi mua vàng giá đỉnh
Khi giá vàng trong nước chính thức vượt mốc 100 triệu đồng/lượng, nhiều người dân trên cả nước vẫn đổ xô đến các cửa hàng vàng để mua vì lo ngại giá sẽ còn tăng tiếp.
Theo một số công ty vàng, giá vàng tăng mạnh trong những ngày qua phần nào cũng kích thích nhu cầu mua của người dân, trong khi người nắm giữ vàng lại không bán ra, vì kỳ vọng mức giá cao hơn. Cùng với đó, yếu tố nguồn cung có phần khan vì nhiều năm qua không được nhập vàng nguyên liệu nên giá vàng trong nước liên tục được đẩy lên.

Theo đại diện của Bảo Tín Mạnh Hải, giá vàng trong nước tăng theo giá thế giới trong vài ngày gần đây nên lượng khách có nhu cầu mua vào nhiều hơn bán ra.
Tuy nhiên, đại diện Bảo Tín Mạnh Hải cũng thông tin, trong vài ngày gần đây, một số quỹ đầu tư vàng lớn trên thế giới đã ngừng mua vào. Vì thế, người dân cần cân nhắc khi quyết định mua vào, tránh mua theo tâm lý đám đông, vì rủi ro sẽ rất lớn.
Theo các chuyên gia, giá vàng đang ở vùng đỉnh lịch sử và trong trạng thái quá mua, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định ‘xuống tiền’.
Dù giá vàng đang tăng cao nhưng rủi ro do giảm giá trong ngắn hạn là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhất là khi chiến tranh thương mại bất ngờ hạ nhiệt nhờ những thỏa thuận giữa các bên thì động lực tăng giá của vàng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Hơn nữa, khi đã tiệm cận mức đỉnh, giá vàng thường đối mặt với rủi ro điều chỉnh giảm, do các nhà đầu tư lớn có xu hướng chốt lời.
Khi giá vàng thế giới đi xuống sẽ kéo giá vàng trong nước giảm theo. Vì vậy, nhà đầu tư không nên mua vàng theo tâm lý đám đông và không nên vay tiền để mua vàng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Huân cho biết, việc giá vàng liên tiếp chinh phục các mức đỉnh lịch sử khiến nhiều người có tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ) cơ hội. Nhưng ở vùng giá này, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro điều chỉnh rất lớn.
"Giá vàng đang tăng cao mà mua đuổi thì rủi ro quay đầu giảm rất lớn, nên hạn chế mua vàng khi giá đang trên đỉnh”, ông Huân lưu ý.
Ông Nguyễn Quang Huy, Trường Đại học Nguyễn Trãi cho biết, NHNN có thể áp dụng các công cụ điều tiết cung - cầu vàng để bình ổn thị trường. Vì thế, hà đầu tư cần cập nhật thông tin kịp thời, tránh chạy theo tâm lý đám đông mà không có chiến lược rõ ràng.
Các chuyên gia cũng khuyên nhà đầu tư không nên tập trung toàn bộ "nguồn lực" vào vàng mà cần phân bổ hợp lý sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, tiết kiệm... Đặc biệt, nên xem xét các cơ hội đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp để tận dụng đà phục hồi kinh tế và dòng vốn FDI đang chảy mạnh vào Việt Nam.
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa chỉ ra rằng đầu tư vàng chỉ có thể ghi nhận được lãi về vốn, tức khoản chênh lệch giữa giá bán với giá mua ban đầu mà không tạo ra tiền lãi ổn định. Câu chuyện đầu tư nên nhìn rộng ra để có bức tranh toàn cảnh chứ không chỉ tập trung đầu tư vào một kênh "sốt nóng".
Ông Nghĩa nhận định giá vàng sẽ tiếp tục ở mức cao nếu giá thế giới liên tục tăng. Nhưng biến động tỷ giá và chính sách điều hành của Nhà nước có thể tác động đến mức độ tăng của vàng.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, việc giá vàng liên tục lập đỉnh lịch sử cũng đang tiềm ẩn rủi ro. Nhà đầu tư có thể "đu đỉnh" bất cứ lúc nào nếu không có chiến lược phù hợp, nhất là những người chỉ xác định vàng là kênh lướt sóng.
Theo ông Khánh, nhà đầu tư nên phân bổ danh mục tài sản hợp lý mà không nên tất tay vào vàng. Tỷ trọng vàng không nên vượt quá 50% trong danh mục đầu tư. Tốt nhất nên giữ vàng chiếm tỷ trọng 10-20% trong danh mục.
Đặc biệt, không nên mua đuổi khi giá tăng quá nhanh. Trong giai đoạn này, nhà đầu tư lưu ý không nên vay tiền mua vàng và nhất là không vay mượn vàng để đem bán tiêu dùng, vì có thể thua lỗ lớn.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn