Đằng sau làn sóng người dân "ồ ạt" đem tiền gửi ngân hàng
Hơn 1,6 triệu tỷ đồng được “cất” thêm vào ngân hàng năm 2023
Theo nhận định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, đây là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng. Riêng trong năm 2023, tiền gửi của cư dân và các tổ chức kinh tế đã tăng thêm 1,6 triệu tỷ đồng, mức tăng cao nhất trong hàng chục triệu năm trở lại đây.
Trong đó, quý IV/2023, lượng tiền gửi ngân hàng tăng trên 800 nghìn tỷ đồng. Nếu so với năm 2022, lượng tiền gửi tăng thêm trong năm 2023 cao gần gấp đôi. Các ngân hàng lớn trên thị trường, đặc biệt nhóm ngân hàng quốc doanh đã ghi nhận lượng tiền gửi của khách hàng tăng mạnh trong năm qua. Cụ thể, huy động vốn của BIDV đến cuối năm 2023 đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%; tăng trưởng huy động vốn của VietinBank đạt 13,7%, Vietcombank tăng 12,1%.
Trước đó, thống kê đến quý III/2023, tiền gửi của cư dân và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm.
Đánh giá về dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư và các tổ chức kinh tế ồ ạt đổ vào hệ thống ngân hàng, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, kênh tiền gửi ngân hàng không chỉ mang lại lợi ích từ tiền lãi mà còn là nơi người dân giữ của để dành, tích lũy tiện lợi và an toàn.
Theo ông Lệnh, tính đến cuối năm 2023, tổng tiền gửi tiết kiệm dân cư của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 1,34 triệu tỷ đồng. Mức này đã tăng 7,8% so với năm 2022, chiếm 38% so với tổng tiền gửi trên địa bàn Thành phố.
Nhìn nhận về tốc độ tăng trưởng tiền gửi của hệ thống ngân hàng, ông Lệnh cho biết, so với 10 năm trước đây, cơ cấu tiền gửi có sự thay đổi theo xu hướng tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân tăng, chiếm tỷ trọng cao nhất. Thực tế cho thấy, cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất của NHNN trong suốt thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả, củng cố vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô và kìm giữ lạm phát, ổn định giá trị tiền đồng, chống đô la hóa nền kinh tế.
Lượng tiền tăng mạnh dù lãi suất thấp kỷ lục
Tiền gửi tại hệ thống ngân hàng tăng mạnh bất chấp lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục. Hầu hết các nhà băng hiện niêm yết lãi suất tiết kiệm cao nhất về dưới 6%/năm.
Việc người dân vẫn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng cho thấy, dòng tiền từ dân cư chưa thực sự tìm được kênh đầu tư hấp dẫn. Trong khi đó, thanh khoản thấp của thị trường chứng khoán đang dần cải thiện là minh chứng nhà đầu tư đang chờ thời.
Bên cạnh đó, việc chờ đợi thời cơ kinh doanh khi thị trường phục hồi cũng khiến dòng tiền gửi ngân hàng tăng mạnh. Những yếu tố này đồng nghĩa khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn trong tương lai. Một phần tiền gửi sẽ được chuyển hóa vốn đầu tư. Đó sẽ là tín hiệu tốt của nền kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, việc chuyển dịch dòng tiền khỏi kênh tiết kiệm sẽ không diễn ra sớm hay mạnh mẽ. Đơn cử, nhiều chuyên gia dự báo tới quý III/2023 sẽ đến thời điểm nhiều khoản tiết kiệm tất toán, và khi lãi suất xuống thấp, dòng tiền sẽ dịch chuyển vào chứng khoán, song, thực tế đã không diễn ra như kỳ vọng.
Theo ông Trần Việt Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, mức lãi suất huy động các ngân hàng đang ở mức thấp lịch sử tại các kỳ hạn. Thống kê cho thấy, mức huy động 12 tháng trung bình toàn hệ thống hiện ở ngưỡng 5%, giảm mạnh từ mức 6,2% vào trung tuần tháng 8. Kỳ hạn ngắn hạn cũng chứng kiến các mức giảm đáng kể.
Trong khi đó, lượng tiền gửi ngân hàng vẫn tăng cao, phần nào cho thấy dòng tiền vẫn còn thận trọng trong việc dịch chuyển sang các kênh khác như bất động sản hay chứng khoán... Bên cạnh đó, năm 2024, dự kiến còn nhiều khó khăn, thách thức khi năng lực hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp; nợ xấu có xu hướng gia tăng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng…
“Do đó, dù lãi suất tiền gửi thấp nhưng người dân vẫn hướng dòng tiền vào kênh tiết kiệm nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh rõ ràng hơn", ông Dũng nói.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn