Đằng sau sự điều chỉnh của cổ phiếu công nghệ

Nhiều nhà đầu tư chuyển từ kỳ vọng sang thất vọng

Giá cổ phiếu của các hãng công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) đã tăng mạnh trong khoảng một năm tính đến đầu tháng 7/2024, nhờ kỳ vọng của các nhà đầu tư vào tiềm năng to lớn mà AI có thể mang lại.

Tại thời điểm được kỳ vọng nhiều nhất, chuyên gia của McKinsey từng tuyên bố, AI tạo sinh có thể bổ sung cho nền kinh tế thế giới đến 8.000 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, PwC dự báo, AI có thể bổ sung gần 16.000 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu năm 2030, chủ yếu nhờ vào việc giúp cải thiện đáng kể năng suất lao động. Một đại diện của JPMorgan cho rằng, AI sẽ có tác động còn lớn hơn Internet hay Iphone.

Tính đến hết tuần đầu tháng 7/2024, giá cổ phiếu Nvidia tăng 156,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mức tăng của các công ty công nghệ lớn (Big Tech) khác cũng tích cực như Alphabet là 26,3%, Amazon là 20,6%, Microsoft là 26,5%.

Sau đó, cổ phiếu của các Big Tech giảm mạnh khi kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư vào tiềm năng của AI dường như tan biến cùng với các khoản đầu tư hàng trăm tỷ USD vào công nghệ này, trong khi lợi ích thu về chưa rõ ràng. Tính đến cuối tuần đầu tháng 8, cổ phiếu của các hãng công nghệ hàng đầu ghi nhận giảm mạnh so với 1 tháng trước: cổ phiếu Nvidia giảm 18,9%, cổ phiếu Alphabet giảm 11,6%, cổ phiếu Amazon giảm 14,2%, cổ phiếu Microsoft giảm 10,5%, cổ phiếu Intel - một hãng sản xuất chip - giảm 42,9%.

Nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục có xu hướng giảm cho đến cuối tháng 8, nhất là cổ phiếu Nvidia. Ngày 28/8, giá cổ phiếu của nhà sản xuất chip này giảm 2,1%, góp phần chính vào mức giảm 1,3% của nhóm công nghệ thông tin (cổ phiếu Amazon giảm hơn 1%, cổ phiếu Microsoft giảm 0,8%....).

Khi phiên giao dịch ngày 28/8 kết thúc, Nvidia công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2024 với doanh thu hơn 30 tỷ USD doanh thu và lợi nhuận sau thuế 16,6 tỷ USD, cao hơn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái và cao hơn kỳ vọng. Vậy nhưng, trong phiên giao dịch ngoài giờ, cổ phiếu Nvidia có thời điểm giảm tới 8%.

Nhiều nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu công nghệ giảm kỳ vọng vào những “hứa hẹn” về tiềm năng của AI trong tương lai được xem là lý do chính khiến giá cổ phiếu nhóm này gần đây sụt giảm, bên cạnh việc chịu tác động từ tính chu kỳ (tăng - giảm) của cổ phiếu.

Theo đó, sự sụt giảm của cổ phiếu công nghệ cùng với những lo ngại về kinh tế Mỹ có nguy cơ suy thoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chậm cắt giảm lãi suất so với kỳ vọng, sự đảo chiều của các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) được xem là nguyên nhân dẫn tới sự đi xuống của thị trường chứng khoán toàn cầu thời gian gần đây.

Không ai phủ nhận tiềm năng của AI, nhưng thực tế cho thấy, các công ty công nghệ chưa tạo ra nhiều giá trị kinh tế từ lĩnh vực này và rất có thể, họ sẽ không làm được điều này trong ngắn hạn.

Có 2 lý do được giải thích cho thực trạng trên. Thứ nhất, các công ty công nghệ liên tục cho ra đời các mô hình AI mới, trong khi người tiêu dùng chưa kịp làm quen với mô hình cũ. Thứ hai, với việc còn quá mới mẻ, việc áp dụng AI cho cá nhân có thể hữu ích, tiết kiệm thời gian, công sức, nhưng ứng dụng trên phạm vi rộng, toàn doanh nghiệp, toàn ngành thì chưa có. Do các thế hệ AI nối tiếp nhau ra đời, các doanh nghiệp dù muốn cũng chưa thể yên tâm để triển khai ứng dụng vào một hoạt động, lĩnh vực cụ thể, vì không biết liệu có sớm bị lạc hậu hay không, trong khi việc triển khai diện rộng chắc chắn tốn nhiều thời, chi phí. Đây chính là lý do mà các hãng công nghệ chưa thể kiếm tiền từ ứng dụng mà mình phát triển.

Cho đến nay, so với những việc AI đã làm được với tiềm năng từng được nói đến vẫn có một khoảng cách xa, tiềm năng năng to lớn tiếp tục nằm ở đâu đó trong tương lai. Các sản phẩm ứng dụng AI hiện tại mới chỉ dừng ở mức độ cá nhân như trả lời câu hỏi của người dùng, tạo video, tạo hình ảnh theo lời nhắc. Những cải cách hữu hình của AI được cho là chỉ có thể đem lại một mức giá trị vừa phải, chứ không phải là một bước đột phá. AI có thể thay thế các nhân viên trong trung tâm dịch vụ khách hàng hay xử lý dữ liệu ban đầu, việc này không thể bù đắp hàng nghìn tỷ USD đã được đầu tư.

Big Tech tiếp tục đầu tư lớn vào AI

Khi nhiều nhà đầu tư dường như mất kiên nhẫn vào triển vọng lợi ích kinh tế mà AI mang lại, thì các công ty công nghệ, đặc biệt là các Big Tech vẫn đang cho thấy niềm tin vào lĩnh vực này và gia tăng các khoản đầu tư vào AI. Việc cổ phiếu bị bán tháo không ảnh hưởng đến quyết tâm của họ.

Trong một tuyên bố mới đây, Giám đốc điều hành của Alphabet, ông Sundar Pichai nhận định: “Trong xã hội chuyển động không ngừng ngày nay, rủi ro từ việc đầu tư không đủ nhiều vào AI sẽ cao hơn đáng kể so với việc đầu tư quá mức”.

Giám đốc tài chính của Amazon, ông Brian Olsavsky cho biết, chi tiêu của hãng sẽ tăng đáng kể vào cuối năm 2024, tập trung vào hạ tầng mới cho điện toán đám mây. Ông Brian Olsavsky coi AI sáng tạo là tài sản có giá hàng nghìn tỷ USD của Công ty.

Nhìn chung, trọng tâm đầu tư của các Big Tech là mua đất và xây dựng trung tâm dữ liệu mới cho hoạt động điện toán đám mây, chi cho mảng phần cứng bao gồm các cụm sản xuất chip chuyên dụng. Trong 2 quý đầu năm 2024, đầu tư của Alphabet tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 25 tỷ USD. Trong cùng khoảng thời gian, đầu tư của Microsoft tăng 78%, lên mức 33 tỷ USD; Amazon trong nỗ lực phát triển mạng lưới thương mại điện tử và hậu cần ứng dụng công nghệ AI đã tăng đầu tư 27%, lên mức 32,5 tỷ USD. Các nhà phân tích đến từ Dell’Oro Group dự báo, các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trung tâm dữ liệu có thể thu hút 1.000 tỷ USD đầu tư trong vòng 5 năm tới.

“Các Big Tech đang đặt cược vào các khoản chi lớn, trong khi các nhà đầu tư chưa hình dung được về mô hình kinh doanh và lợi nhuận”, Giám đốc tăng trưởng phụ trách thị trường Mỹ tại AllianceBernstein, ông Jim Tierney nhận xét.

Trong khi đó, báo cáo của Goldman Sachs hồi tháng 6/2024, ngân hàng này cho rằng, các công ty công nghệ công nghệ chi tiêu nhiều nhất đã không báo cáo đầy đủ số tiền mà họ đầu tư vào AI.

Vấn đề đáng lưu ý là lợi nhuận mà AI mang lại chưa nhiều, trong khi các khoản đầu tư tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. OpenAI là một trong số ít công ty công nghệ thu được tiền từ người dùng các ứng dụng liên quan tới AI bằng cách yêu cầu khách hàng trả phí với các phiên bản nâng cấp. Tuy nhiên, theo Tạp chí The Information, năm 2024, OpenAI có thể thua lỗ đến 5 tỷ USD, gấp 10 lần so với số lỗ của năm 2023.

Các nhà phân tích tài chính ước tính, so với mức độ đầu tư của các Big Tech cho AI, các hãng này cần phải tạo doanh thu khoảng 600 tỷ USD/năm để bù đắp chi phí và hoàn vốn. Đây là mức cao hơn 6 lần so với mức thu 100 tỷ USD hiện .

Việc lợi nhuận từ AI chưa đến không đồng nghĩa với lợi nhuận chung của các hãng công nghệ sụt giảm. Thực tế, các công ty như Alphabet, Microsoft, Nvidia, Amazon, Tesla vẫn đạt được mức lợi nhuận khổng lồ từ các dịch vụ quảng cáo, hoạt động kinh doanh mua sắm hay sản xuất - kinh doanh xe điện. Đây là nguồn lực đảm bảo cho các hãng có thể duy trì hoạt động cho đến khi công nghệ AI sẵn sàng và mang lại nguồn thu. Đây cũng chính là lý do khiến không ít nhà đầu tư tỏ ra bình tĩnh trước các so sánh của đợt sụt giảm cổ phiếu công nghệ với bong bóng Dotcom hai thập kỷ trước. Bởi lẽ, các hãng công nghệ lớn hiện nay có hoạt động kinh doanh cốt lõi tốt, lợi nhuận khổng lồ và nền tảng tài chính vững mạnh.

Cổ phiếu công nghệ tại Việt Nam có diễn biến tương tự

Bức tranh doanh nghiệp ngành công nghệ Việt Nam những năm gần đây có sự thay đổi rõ nét theo hướng tích cực. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp công nghệ chưa tạo được những điểm nhấn ấn tượng với các nhà đầu tư chứng khoán. Đồng thời, nhóm này cũng có ít đại diện trên sàn nổi bật, hiện trong nhóm VN30 chỉ có cổ phiếu FPT là đại diện duy nhất của khối công nghệ, trong khi các lĩnh vực khác như ngân hàng, bất động sản thường có 5 - 7 đại diện góp mặt.

Tuy nhiên, xu hướng thị trường dường như đang có sự thay đổi cùng với những bước phát triển của ngành công nghệ thông tin khi ghi nhận các khoản doanh thu lớn và đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước. Đặc biệt, sau cái bắt tay của Công ty cổ phần FPT (mã FPT) và Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (mã CMG) với Nvidia vào cuối năm 2023, các mảng kinh doanh truyền thống như xuất khẩu phần mềm, chuyển đổi số đạt mức tăng trưởng cao. Trong khi đó, chủ trương về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số của Chính phủ giúp Công ty cổ phần Viễn thông FPT (mã FOX) có triển vọng cải thiện mạnh mẽ kết quả kinh doanh.

Tính từ đầu năm 2023 đến tuần đầu tháng 8/2024, cổ phiếu FPT ghi nhận mức tăng 2 lần, từ gần 59.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 126.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, giá trị vốn hóa công ty lập kỷ lục mới, đưa FPT vào Top 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất thị trường.

Trong cùng khoảng thời gian, cổ phiếu CMG tăng 56%, từ vùng giá 32.000 đồng/cổ phiếu lên vùng giá 50.000 đồng. Các cổ phiếu công nghệ - viễn thông khác thuộc “họ” FPT và Viettel cũng “nổi sóng” và đang giao dịch ở vùng giá cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, trong xu hướng biến động của cổ phiếu công nghệ toàn cầu từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8/2024, các cổ phiếu công nghệ của Việt Nam cũng rơi vào trạng thái điều chỉnh: cổ phiếu FPT giảm 8,5%, cổ phiếu FOX giảm 12,1%, cổ phiếu CMG giảm 21,9%...

Sự điều chỉnh của các cổ phiếu công nghệ nhắc nhở các nhà đầu tư rằng, tiềm năng chuyển đổi thực sự của AI nằm ở các ứng dụng thực tế và giá trị thật của chúng, chứ không phải ở sự phấn khích và cường điệu mang tính đầu cơ. Đây là bài học kinh nghiệm cho các chặng đường đầu tư tiếp theo, không chỉ với các cổ phiếu AI, mà với cả các cổ phiếu khác, khi tiềm năng của các sản phẩm mà các doanh nghiệp tạo ra mới chỉ ở bước đầu.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn