Đảo chiều thành công, GVR đột biến kịch trần, khối ngoại vẫn xả dữ dội

Khối lượng bán trong phiên chiều bất ngờ “mỏng” đi đáng kể, khiến cổ phiều phục hồi khá thuận lợi dù thanh khoản thấp. Giao dịch hai sàn niêm yết chiều nay giảm tới 26% so với buổi sáng, nhưng hàng trăm cổ phiếu “đổi màu” thành công. VN-Index được các cổ phiếu tầm trung dẫn dắt, chốt tăng 0,43% dù VN30 vẫn giảm.

Dẫn dắt điểm số chiều nay là GVR, cổ phiếu từ áp chót vị trí thứ 20 trong bảng xếp hạng vốn hóa, lên thứ 11 hôm nay. Mã này là một trong số ít cổ phiếu trong rổ VN30 còn xanh trong phiên sáng, thậm chí tăng mạnh 2,28%. Chiều nay GVR cực mạnh, từ khoảng 2h trở đi lao vút lên kịch trần tăng 6,98%.

Như vậy riêng buổi chiều GVR đã tăng thêm gần 4,6% nữa và thanh khoản cũng khá ấn tượng với 228,7 tỷ đồng. Điều này cho thấy có lực kéo chủ động và cũng phải vượt qua lượng bán cản không hề nhỏ. Tổng giá trị khớp lệnh của GVR cả ngày đạt 347,8 tỷ đồng, cao nhất 11 phiên. Tuy nhiên do vốn hóa cũng chưa phải là lớn nên GVR chỉ đem về khoảng 2,3 điểm cho VN-Index.

Nhóm blue-chips VN30 chiều nay cũng giao dịch khá tích cực, cổ phiếu hồi giá nhiều nhưng cũng chưa đủ để đẩy VN30-Index vượt tham chiếu. Nguyên nhân là GVR vốn hóa khá nhỏ trong chỉ số này, trong khi các mã ngân hàng như STB, VPB lại có ảnh hưởng mạnh. STB chiều nay lao dốc sâu thêm 1,47% nữa, mở rộng biên độ giảm lên -3,82% so với tham chiếu. STB khiến VN30-Index mất khoảng 2,2 điểm trong khi GVR kịch trần chỉ đem lại chưa tới 0,4 điểm. Ngược lại STB rất nhỏ trong VN-Index và chỉ khiến chỉ số này mất chưa tới 0,6 điểm.

Dù vậy mặt bằng giá blue-chips chiều nay đã cao hơn nhiều so với phiên sáng. Thống kê có 27 mã trong rổ tăng giá so với buổi sáng, chỉ 3 mã tụt là STB, BID và SAB. Độ rộng của rổ từ chỗ 4 mã tăng/23 mã giảm buổi sáng đảo ngược thành 15 mã tăng/13 mã giảm. Chỉ số từ giảm 0,79% còn giảm 0,02%. Ngoài GVR, các mã mạnh của rổ là GAS tăng 2,36%, POW tăng 1,76%, BCM tăng 1,71%, MSN tăng 1,5%, PLX tăng 1,2%.

Nhóm cổ phiếu blue-chips phục hồi khá tốt chiều nay, nhưng vẫn thiếu đi sức mạnh từ trụ.
Nhóm cổ phiếu blue-chips phục hồi khá tốt chiều nay, nhưng vẫn thiếu đi sức mạnh từ trụ.

Mở rộng ra cả sàn HoSE, cổ phiếu cũng phục hồi ở diện rộng và nhiều mã vừa tới nhỏ còn tăng nóng. Độ rộng sàn này cuối phiên sáng rất tệ với 99 mã tăng/372 mã giảm nhưng đóng cửa đã cân bằng 248 mã tăng/241 mã giảm. 9 cổ phiếu kịch trần nhưng chỉ số ít mã giao dịch khá mạnh như CNG với 39,5 tỷ đồng thanh khoản và DRC với 177 tỷ đồng bên cạnh GVR.

Tuy vậy số tăng ít hơn thì khá nhiều, toàn sàn có 100 mã tăng trên 1%, trong đó 12 mã tăng trên 2% đi cùng với thanh khoản vượt quá 100 tỷ đồng. DXG, PVD, HSG, KBC, PC1, PVT là các cổ phiếu giao dịch sôi động nhất và giá tăng rất mạnh. Nhóm midcap cũng xuất sắc nhất, chỉ số đại diện rổ đóng cửa tăng 1% trong khi smallcap tăng 0,48% và VN30 giảm 0,02%. Hầu hết các cổ phiếu tăng giá hàng đầu và có thanh khoản cao nhất đều thuộc rổ này.

Một điều khá bất ngờ chiều nay là sức nóng phục hồi chủ yếu do bên mua đẩy giá lên, còn bên bán yếu thế rất nhiều. Thanh khoản sàn HoSE phiên chiều giảm tới 30% so với buổi sáng, chỉ đạt 10.508 tỷ đồng. Tuy nhiên mặt bằng giá lại lên cao hơn như mới đề cập ở trên, chứng tỏ cầu chủ động đã không gặp nhiều lực cản. Mặt khác, dù độ rộng thể hiện sự cân bằng nhưng sức mạnh giá và thanh khoản hoàn toàn vượt trội ở nhóm tăng khỏe nhất. Cụ thể, nhóm tăng trên 1% ở HoSE chiếm tới 33,1% tổng giá trị khớp sàn này, trong khi nhóm giảm hơn 1% chỉ chiếm 13,9%.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục là điểm trừ khi duy trì cường độ bán ròng cao liên tục. Chiều nay khối này xả tiếp 1.657,6 tỷ đồng nữa trên sàn HoSE, tương ứng bán ròng thêm 297,5 tỷ đồng. Phiên sáng khối này đã bán ròng 440,2 tỷ. Chuỗi ngày rút vốn mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa có tín hiệu hạ nhiệt khi sàn HoSE chứng kiến 3 ngày gần đây bán ròng liên tục trên 700 tỷ đồng/phiên chưa kể tuần trước còn có 2 phiên rút cả ngàn tỷ đồng.

Các cổ phiếu bị bán nhiều hôm nay là STB -283,7 tỷ, VCI -224,3 tỷ, SSI -156,4 tỷ, MSN -141 tỷ, VNM -129,1 tỷ, VHM -117,4 tỷ, VRE -81,7 tỷ. Phía mua có TCB +188,5 tỷ, MWG +70,5 tỷ, GVR +66,7 tỷ, KBC +63,1 tỷ, thêm PVS bên HNX +162,6 tỷ đồng.

Xem thêm tại vneconomy.vn