Dạo một vòng ĐHĐCĐ xem lãnh đạo các doanh nghiệp cam kết những gì
Chủ tịch Đoàn Hồng Việt: Digiworld sẽ có 2-3 thương vụ M&A mỗi năm
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thế giới Số (Digiworld) chia sẻ, việc M&A sẽ giúp Digiworld tiến nhanh hơn, tận dụng thế mạnh về hiểu biết thị trường của của Digiworld, cũng như nền tảng back-end vững chắc.
Thông tin được đưa ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thế giới Số Đoàn Hồng Việt |
Chủ tịch Đoàn Hồng Việt chia sẻ: "Tầm nhìn của Digiworld là công ty tỷ đô, không chỉ doanh thu lợi nhuận. Đó là động lực để Digiworld tiếp tục tăng trưởng. Lợi thế quy mô sẽ ngày càng được phát huy giúp Digiworld hoạt động hiệu quả hơn, thu hút nhân tài để kiến tạo tương lai".
Theo đó, M&A là định hướng phát triển quan trọng. Trong đó, công thức thành công của Digiworld là cung cấp cho các công ty mục tiêu nền tảng back-end và giúp tối ưu hoạt động. Achison là một ví dụ điển hình. Sau khi mua lại, Digiworld đã giúp chi phí giảm xuống và mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ đồng cho năm 2024, tăng trưởng 50%.
Kết quả kinh doanh quý I/2024, Digiworld đạt 4.985 tỷ đồng doanh thu và 92 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng trưởng 26% và 16% so với cùng kỳ 2023.
Ngoài ra, Digiworld cũng vừa công bố quyết định nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 49,1% lên đến 100% tại công ty Cổ phần Tập đoàn B2X Việt Nam - đơn vị cung ứng dịch vụ chăm sóc khách hàng nổi tiếng trên thế giới có trụ sở tại Munich (Đức), chuyên về mảng điện thoại thông minh và các thiết bị kết nối internet (IoT), thông qua nhận chuyển nhượng cổ phần từ B2X Care Solutions GmbH – công ty liên doanh do Digiworld và B2X hợp tác thành lập từ năm 2017.
Tổng giám đốc Kim khí TP.HCM Võ Trí Nghĩa: Tình hình không khởi sắc như đánh giá
CTCP Kim khí TP.HCM đã tổ chức ĐHĐCĐ nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 3.036 tỷ - giảm 3% và lợi nhuận sau thuế 16 tỷ đồng - giảm 24% so với năm 2023.
Ông Võ Trí Nghĩa, Tổng giám đốc CTCP Kim khí TP.HCM (người ngồi) |
Nhận định năm 2024, ông Võ Trí Nghĩa, Tổng giám đốc CTCP Kim khí TP.HCM cho rằng: Tình hình vẫn rất khó khăn chứ không hề khởi sắc như nhiều đánh giá trước đó.
Về mặt vĩ mô, ông Nghĩa lo ngại, lạm phát có thể tăng trở lại, tỷ giá vẫn trong xu hướng tăng, trong khi can thiệp của Nhà nước có giới hạn. Xung đột địa - chính trị cũng là một thách thức lớn, nhất là xung đột ở Biển Đỏ. Cuối cùng, sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc sẽ tác động tới Việt Nam.
“Biến động trong kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp và "sát sườn" tới Việt Nam”, ông Nghĩa nhận định.
Đặc biệt, biến động tỷ giá đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Kim khí TP.HCM.
Trong năm 2024, Công ty đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ ở mức 210.000 tấn; sản lượng thép nhập khẩu mục tiêu 55.000 tấn, tăng 13-15% so với cùng kỳ. Biến động mạnh trong tỷ giá sẽ ảnh hưởng rất lớn tới mảng nhập khẩu thép này dù Công ty đang nỗ lực kiểm soát vấn đề này.
“ Khi xây dựng kế hoạch, chúng tôi dự đoán tỷ giá USD/VND ở mức 24.800, nhưng hiện tại đã tăng lên 25.500. Điều này gây thiệt hại lớn cho Công ty” , ông Nghĩa nói.
Trong năm 2023, Công ty đã quyết định tạm dừng dự án mở rộng xưởng gia công thép Vĩnh Lộc do vướng mắc thủ tục, đồng thời cũng chưa hoàn tất thương vụ bán cổ phiếu Thép Nhà Bè (hiện đã trích lập hơn 8 tỷ đồng).
Chủ tịch Masan Consumer: Tự hào nhất là chai nước tương có giá 7.000 đồng
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Masan Consumer, ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT đã chia sẻ về sản phẩm ông thấy tự hào nhất, đó là chai nước tương Chinsu Tam Thái Tử Nhị Ca có giá 7.000 đồng/chai.
Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT Masan Consumer |
Theo ông Thắng, Masan Consumer có những dòng sản phẩm cao cấp dành cho người giàu - những người không phải nghĩ gì về tiền khi đi siêu thị, nhưng Công ty hiểu rằng, 70% người Việt Nam vẫn phải chờ đến tháng để nhận lương, vẫn còn những người mưu sinh nơi góc chợ, lề đường, làm việc hàng ngày để mai có tiền mà tiêu.
Với 1 chai nước tương 7.000 đồng, bất cứ gia đình nào ở Việt Nam cũng dùng được trong khoảng 2 tuần và đảm bảo được hương vị, thơm ngon, an toàn cho sức khỏe, đảm bảo mùi vị cho rau, thịt, cá.
Chủ tịch Masan Consumer chia sẻ, Công ty luôn lắng nghe ý kiến của người tiêu dùng, luôn tâm niệm rằng Masan Consumer là công ty của 100 triệu người dân Việt Nam.
"Suốt 7 năm qua, tôi đã đồng hành cùng những người công nhân ở nhà máy, ở công trường, để lắng nghe tâm tư tình cảm của người tiêu dùng Việt Nam – những người mà đồng tiền thấm đẫm mồ hôi. Chúng tôi là công ty muốn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần hàng ngày cho 100 triệu người dân Việt Nam".
Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Chúng tôi không bao giờ buông VinFast
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ 2024 do Vingroup công bố, năm nay, Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục 200.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng. So với năm trước, doanh thu Vingroup dự kiến tăng 23,7% còn lợi nhuận tăng 119%.
Chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Nhật Vượng (ở giữa). |
Tại cuộc họp, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết, việc nghi ngờ dòng tiền và năng lực của Vingroup là không có cơ sở. Công ty chưa bao giờ chậm ngân hàng một đồng nợ nào. Tuy hiện tại công ty đang gặp nhiều khó khăn nhưng những gì khó khăn nhất đã qua. VinFast đã lần đầu tiên trở thành hãng có doanh số lớn nhất Việt Nam.
"Không ai bảo làm VinFast là dễ dàng, bởi dễ dàng chúng tôi đã không làm. Chúng tôi làm VinFast vì nhiệm vụ quốc gia. Chúng tôi vẫn dồn hết nguồn lực vào VinFast", ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ.
Ông Vượng khẳng định VinFast là sứ mệnh, danh dự và tương lai của Vingroup nên không bao giờ buông VinFast. Cá nhân ông có kế hoạch tài trợ thêm 1 tỷ USD cho VinFast trong thời gian tới. Không công ty nào trong Tập đoàn chối bỏ trách nhiệm tài trợ cho hãng xe điện này, nhưng phải đúng quy định pháp luật. Thậm chí, Vingroup còn bán bớt một số tài sản cho công ty con hoặc ra ngoài để dồn lực tài trợ cho VinFast.
Ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ, việc xây dựng nhà máy tại nước ngoài mang lại nguồn lợi khủng khiếp cho VinFast. Chẳng hạn, nếu chi 2 tỷ USD để xây nhà máy tại Mỹ, Vingroup có thể nhận hỗ trợ hơn 2 tỷ USD từ chính sách và thuế phí. VinFast khó cạnh tranh với các hãng khác vì chi phí logistics quá cao, nếu xây nhà máy tại Mỹ có thể giảm chi phí và chiếm được thêm nhiều thị phần tại Mỹ.
Ông Phạm Nhật Vượng không cho rằng, xe điện sẽ hết thời mà nó sẽ là một phương án phát triển bền vững. "Pin càng ngày càng rẻ và dần dần xe điện sẽ rẻ bằng xe xăng. Bên cạnh đó, VinFast có chính sách cho thuê pin nên xe của VinFast có thể cạnh tranh ngang ngửa với xe xăng, thậm chí có thể rẻ hơn. Chi phí bảo hành, bảo dưỡng cũng thấp hơn thì không có lý do gì xe điện không thể "áp đảo" xe xăng", Chủ tịch Vingroup nói.
"Tôi cho rằng xe điện là xu thế. Chúng tôi sẽ cạnh tranh trực tiếp với xe xăng. Bản thân tôi sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ để xây trạm sạc tại Việt Nam. Tôi đã đọc một báo cáo rằng 90% thế giới đi dưới 100 km mỗi ngày, trong khi đó VinFast đi được 300 – 400 km thì không có gì không cạnh tranh được với xe xăng. Câu chuyện ở Việt Nam theo tôi là chưa truyền thông đẩy đủ về lợi ích của xe điện, nhưng chúng tôi sẽ đẩy mạnh điều này", Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết.
Ông Phạm Nhật Vượng cũng khẳng định VinFast đang ngày càng phát triển và tương lai của Vingroup chính là VinFast.
Đến tháng 6/2024, VinFast sẽ nhận đặt hàng cho VF3, giá thậm chí còn rẻ hơn 1 số loại xe máy. Đây là dòng xe A- và tạo ra sự hấp dẫn, cạnh tranh trên thị trường. VinFast năm 2026 có thể hòa EBITDA và dần dần sẽ có lãi. Tại một số thị trường công ty đã hòa vốn.
Chủ tịch HĐQT DIC Nguyễn Thiện Tuấn: Sai lầm lớn của tôi là chỉ làm khu đô thị
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC) Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ 2024 rằng: “Sai lầm lớn của tôi là chỉ làm khu đô thị, không quan tâm đến khu công nghiệp, làm mất một khoản thu rất lớn. Bây giờ cơ hội đã đến với chúng ta, ngàn năm có một. Khu công nghiệp bây giờ phải là khu công nghiệp sinh thái. Nếu không làm thì sẽ bị lạc hậu, doanh thu đi lùi. Tất cả khu đô thị cũng được định hướng phát triển như vậy”.
Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC) Nguyễn Thiện Tuấn. |
Theo ông Tuấn, đến hiện tại, DIG đang quan tâm đến 4 khu đất để phát triển khu công nghiệp gồm: Khu Châu Đức II quy mô 1.000 ha (có 400 ha là đất đô thị) đã thỏa thuận được với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; khu Phạm Văn Hai 270 ha đang xin làm chủ đầu tư; KCN Hàng Gòn ở cuối cao tốc Long Thành - Dầu Giây có 400 ha đất trồng cây cao su, KCN Long Sơn liên doanh với đối tác và DIG có thể sở hữu 30%.
Ông Tuấn nhấn mạnh việc tập trung làm khu công nghiệp sinh thái để có thể tăng giá thuê lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực phát triển khu đô thị, trong năm 2024, DIC tập trung vào khá nhiều dự án. Có thể kể tới việc hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án khu đô thị du lịch Long Tân - Đồng Nai; được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư khu trung tâm Chí Linh; hoàn thành điều chỉnh tiến độ khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu và khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước; điều chỉnh chủ trương đầu tư khu dân cư Hiệp Phước; hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên; hoàn thành các thủ tục pháp lý khu nhà ở Lam Hạ Center Point…
Tổng kế hoạch đầu tư năm 2024 là hơn 7,2 ngàn tỷ đồng gồm đầu tư dự án 6,4 ngàn tỷ và đầu tư tài chính 811 tỷ đồng. Tổng giám đốc DIC Nguyễn Quang Tín cho biết, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã cam kết hỗ trợ DIC trong việc phát triển tất cả dự án giai đoạn 2024-2028.
Ngoài ra, ông Tuấn cho biết, Công ty đang thực hiện đề án gồm: Làm việc với các bên đối tác nước ngoài triển khai 2 bệnh viện liên danh với Nhật Bản, hợp tác với hội y tế Nhật Bản trong việc tài trợ và hướng tới việc đầu tư hai hệ thống máy móc về tầm soát ung thư, xạ trị.
Về du lịch, DIC có kế hoạch bán hết phần sở hữu còn lại tại khách sạn Pullman, bù lại sẽ phát triển hai khách sạn ở đường Thùy Vân, TP. Vũng Tàu (trước đây là nhà nghỉ của cán bộ nhân viên) và phấn đấu mua thêm một khu đất để làm 6 block khách sạn (cao tối đa 32 tầng, thấp nhất 25 tầng) thuộc khu Chí Linh.
Ngoài ra, Công ty cũng đang có kế hoạch mua lại một sân golf, trong đó có 6 ha đất dự kiến làm khách sạn 5 sao. Vừa rồi, DIC đã thành lập công ty để quản lý sân golf...
Chủ tịch Vietjet Air: Không có chủ trương lấy thị phần hay giành khách
Năm 2024, HĐQT Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air) dự trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch hoạt động với 95 đội tàu, nhiều hơn 8 tàu so với năm 2023; khai thác 141.998 chuyến bay, tăng 6,8%; vận chuyển 27,4 triệu khách, tăng 8,3%; hệ số sử dụng ghế bình quân giữ nguyên mức 87%.
Chủ tịch HĐQT Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo (thứ hai, từ bên phải). |
Doanh thu vận tải hàng không kỳ vọng 59.066 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện 2023; doanh thu thuần 65.566 tỷ đồng, tăng 12,4%; lãi trước thuế quay lại mức ngàn tỷ với 1.081 tỷ đồng, tăng 78%.
Trao đổi với các cổ đông tại ĐHĐCĐ 2024, Chủ tịch HĐQT Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, để ngành hàng không hoạt động có hiệu quả là vô cùng khó khăn, đôi khi vì những diễn biến khách quan. Điển hình là dự báo thị trường Trung Quốc hồi phục nhanh vào năm 2023, nhưng thực tế lại trái ngược.
Năm 2023, Vietjet Air có doanh thu nội địa rất mạnh, trong khi thị trường quốc tế có tăng trưởng chậm hơn, do phải phối hợp với nhiều thị trường, quốc gia khác nhau.
Tuy nhiên, từ nửa cuối quý IV/2023, thị trường quốc tế đã phục hồi và kéo dài đến hiện tại, kỳ vọng tiếp tục tốt cho năm 2024.
VJC đã có 5 đường bay bằng tàu thân rộng tới Australia và dự kiến mở thêm 2 đường bay nữa từ Hà Nội đi Sydney và Melbourne. Tại khu vực Đông Bắc Á, Hãng sẽ mở lại thị trường Trung Quốc vốn mang về doanh thu tốt.
Bên cạnh đó, sẽ mở thêm các đường bay Nhật Bản và Hàn Quốc nối đến Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng. Đối với Đài Loan, Vietjet Air cũng mở nhiều điểm bay Cao Hùng, Đài Bắc nối đến Phú Quốc.
Vietjet Air có mở tàu thân rộng A330 đến Kazakhstan và sẽ tiếp tục tăng tần suất, dự kiến tới mùa đông năm 2024 kỳ vọng mở tiếp đường bay đến Nga.
Với thị trường châu Âu phải sử dụng tàu bay thân rộng, đường bay dài, lãnh đạo Công ty cho biết sẽ nhận thêm 2 tàu bay vào cuối năm và có thể khai thác từ cuối 2024 hoặc đầu 2025, nhắm đến Pháp, Đức, Séc với các đường bay từ Hà Nội, TPHCM. Đó là tiền đề để hướng đến kỳ vọng 4-5 đường bay đến châu Âu ngay trong đầu năm 2026.
Hiện nay, các dòng tàu thân hẹp của Vietjet Air cũng bay đến các thị trường Ấn Độ, Philippines. Dự kiến quý 4/2024 tiếp tục mở rộng thêm trong tầm ngắm của đội tàu thân hẹp A320, A321.
Về thị phần, Vietjet Air đã và đang duy trì vị trí số 1 thị phần quốc tế từ năm 2020, khoảng 21-23%. Với nội địa, Công ty cũng tiếp tục giữ vị trí số 1 với 43-46%. Cập nhật đến tháng 3/2024 vừa qua vẫn tiếp tục duy trì vị thế này.
Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo bày tỏ quan điểm, Viejet Air ít nhắc đến thị phần, không có chủ trương lấy thị phần hay giành khách, mà hướng đến thị trường mới, hành khách mới, đặc biệt là những vùng chưa có điều kiện đi máy bay, điển hình như thành phố Hiroshima (Nhật Bản) hay hàng loạt thành phố tại Ấn Độ, Philippines, Indonesia…
Tổng giám đốc Sabeco: Phải học cách khiêu vũ ngay trong cơn mưa
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Ban lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tin rằng, năm 2024 sẽ mang đến những cơ hội vàng. Sabeco đặt mục tiêu tăng trưởng 13% doanh thu thuần và 8% lãi sau thuế so với thực hiện 2023, tương ứng đạt 34,397 tỷ đồng và 4,580 tỷ đồng. Công ty cũng dự kiến tiếp tục trả cổ tức tỷ lệ 35% bằng tiền mặt, tương ứng mức chi 4,489 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Lester Tan Teck Chuan phát biểu tại đại hội cổ đông sáng 25/4/2024. |
“Thông thường việc kinh doanh sẽ có những lúc khó khăn. Sẽ có những cơn mưa rào, giông bão chờ đợi phía trước. Chúng ta không thể đợi mưa ngừng, gió lặng, mà phải có hành động ứng phó. Phải học cách khiêu vũ ngay trong cơn mưa” – trích chia sẻ của ông Tan.
Ông Tan tiết lộ, kết quả quý 1/2024 vừa nhận được cho thấy thành quả cao hơn so với cùng kỳ, và cũng vượt kỳ vọng của Sabeco. “Tôi kỳ vọng kế hoạch 2024 dù cao hơn, chúng tôi vẫn sẽ đạt được nó”. Sabeco sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính: tối ưu hoạt động thương mại, hiệu quả chuỗi cung ứng, và ESG.
Năm 2024, Ban lãnh đạo Sabeco cho rằng, ngành bia Việt Nam vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan như Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100.
“Chúng tôi muốn nói rõ ràng, Sabeco ủng hộ Nghị định 100, ủng hộ việc uống có trách nhiệm. Bên cạnh đó, chúng tôi đang làm việc với Hiệp hội bia rượu Việt Nam để bàn thêm về mức 0% nồng độ cồn tuyệt đối, tức có sai số như một số nước khác, thay vì áp dụng triệt để”, Tổng giám đốc Sabeco cho biết.
Ngoài ra, việc người dân thắt chặt chi tiêu, thị hiếu và yêu cầu người tiêu dùng ngày càng khắt khe đối với thiết kế bao bì, chất lượng... cũng là những áp lực, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chi mạnh cho quảng cáo và khuyến mãi
Liên quan đến cơ hội M&A, ông Tan cho biết luôn tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội M&A. “Riêng với thị trường Việt Nam, có một số cơ hội khá hứa hẹn. Nếu như có mức giá hợp lý, chúng tôi sẽ luôn cân nhắc và xem xét”, ông Tan nói.
Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh: Sẽ làm tất cả để trở thành nhà thầu lớn xây dựng dự án sân bay Long Thành
Phát biểu tại ĐHĐCĐ 2024 của Vinaconex, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex đã cam kết, Vinaconex sẽ làm tất cả những điều gì tốt nhất, uy tín nhất để trở thành nhà thầu lớn xây dựng dự án sân bay Long Thành.
Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex. |
Điều này được Chủ tịch Đào Ngọc Thanh đưa ra khi được hỏi về khả năng tiếp tục triển khai gói thầu khác ở dự án sân bay Long Thành. Theo ông Thanh, sân bay Long Thành là hạng mục lớn của nền kinh tế Việt Nam, vì là công trình lớn nên không phải trong năm mà tôi nghĩ phải xây lắp hàng chục năm nữa
Hiện Vinaconex đang triển khai hai gói thầu ở dự án sân bay Long Thành. Cùng với đó, Vinaconex đang triển khai một số gói thầu thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (đoạn Vũng Áng - Bùng), dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, gói thầu số 9 - dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô.
Về đánh giá các hiệu quả khi tham gia các dự án đầu tư công lớn, Chủ tịch Đào Ngọc Thanh cjp rằng, tình hình đều rất khó khăn, quan điểm của Vinaconex là trong quá trình thi công cố gắng đừng lỗ và phải có lãi.
Đặc biệt dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, trên thị trường đều khẳng định nhà thầu sẽ lỗ, đã có rất nhiều nhà thầu bỏ cuộc.
“Thời điểm hiện tại, Vinaconex đúng là có chỗ phải lỗ, nhưng chúng tôi vẫn đứng vững, vẫn tiếp tục triển khai. Nói chung, Vinaconex là nhà thầu lớn, không chỉ dự án cao tốc Bắc - Nam, tất cả gói thầu cao tốc đều có sự tham gia của Vinaconex”, ông Thanh nhấn mạnh.
Năm 2024, Vinaconex đặt mục tiêu tổng doanh thu, thu nhập hợp nhất 15.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 950 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 140% so với thực hiện năm 2023. Nếu hoàn thành đúng kế hoạch, đây sẽ là mức lãi cao nhất 4 năm qua kể từ 2021.
Về khả năng hoàn thành kế hoạch 2024 như thế nào, Chủ tịch Đào Ngọc Thanh cho biết, năm nay, Công ty còn kế hoạch tăng vốn để nâng cao năng lực, nhằm khả năng đáp ứng gói thầu lớn, xây dựng năng lực quản trị, trong đó con người là vấn đề quan trọng nhất, Vinaconex sẽ làm tất cả những gì để phục vụ cho sau này.
“Việc thực hiện được kế hoạch hay không, tôi nghĩ đã đề ra là để thực hiện, cổ đông hãy yên tâm chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành”, ông Thanh nói.
Xem thêm tại baodautu.vn