Đặt ‘ngôi sao hy vọng’ cho cổ phiếu dệt may
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp lớn nhất đến từ mảng vải tăng 15,6%, trong khi mảng xơ và sợi dệt tăng 4,3%.
Trở lại "đường đua"
Các doanh nghiệp cho biết, lạm phát ở các thị trường lớn đã hạ nhiệt, nhu cầu tiêu dùng đối với sản phẩm dệt may gia tăng. Tồn kho ở các thị trường lớn giảm, doanh nghiệp Việt Nam hiện đã nhận đơn hàng đến hết năm 2024.
Với sự hồi phục trở lại của thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp dệt may đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán kỳ vọng năm nay sẽ có mức tăng trưởng tốt.
Kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp dệt may tăng trưởng trở lại. |
Thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 và 6 tháng đầu năm với nhiều tín hiệu khởi sắc.
Chẳng hạn, Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) báo cáo doanh thu thuần trong quý II đạt gần 2.174 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ - mức doanh thu quý cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp. Khấu trừ chi phí, TNG ghi nhận lãi ròng hơn 86 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất trong gần 2 năm qua. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, TNG ghi nhận doanh thu đạt 3.527 tỷ đồng tăng 6% và lãi ròng đạt hơn 129 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.
Tương tự, Dệt may Hoà Thọ (HTG) ghi nhận doanh thu thuần trong quý II đạt 1.094 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ; lãi ròng 70 tỷ đồng - mức cao nhất trong 7 quý và tăng 109% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp lãi ròng hơn 115 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ.
Hay như Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) vừa công bố kết quả quý II/2024 đạt gần 847 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 19% so với cùng kỳ, lãi ròng 71,4 tỷ đồng - cao nhất gần 2 năm. Bán niên, doanh nghiệp báo lãi ròng hơn 134 tỷ đồng, tăng 138% so với cùng kỳ.
Ngược thời gian, trong năm 2023, ngành dệt may của Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn do tình hình lạm phát căng thẳng ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU, khiến cho nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may suy giảm mạnh. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, tình hình khó khăn giảm dần, các nền kinh tế lớn dần phục hồi, đơn hàng xuất khẩu dệt may cải thiện rõ rệt.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành dệt may đã tăng ít nhất 16% trong năm 2023, cao hơn 3,9% so với chỉ số VN-Index. Do đó, với nhiều động lực đưa cổ phiếu nhóm này thăng hoa trong năm 2024, giới phân tích đặt ra kỳ vọng lớn.
Nhóm cổ phiếu dệt may đã ghi nhận diễn biến khá tích cực từ đầu năm, điển hình như: cổ phiếu TNG, STK, TCM, MSH, VGT… Thậm chí, cổ phiếu HTG còn lập đỉnh lịch sử tại mức giá 44.100 đồng/cp (phiên 26/7).
Dù vậy, nhìn chung cả nhóm cổ phiếu dệt may vẫn chưa thực sự bùng nổ như kỳ vọng. Dự báo, giai đoạn cuối năm, khi ngành dệt may thực sự khởi sắc trở lại sẽ tạo “bàn đạp” giúp nhóm cổ phiếu này “thăng hoa”.
Chờ mùa cao điểm cuối năm
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đơn hàng xuất khẩu dệt may bắt đầu ổn định, các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 11/2024. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn về cuối năm với mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024.
Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán VPS đánh giá hiện ngành dệt may đang được trợ lực bởi nhiều yếu tố trong nước cũng như quốc tế. Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn dần hồi phục, ECB có động thái hạ lãi suất, các Hiệp định thương mại như: EVFTA, CPTPP và RCEP tiếp tục tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU và Nhật Bản.
Mặt khác, diễn biến gần nhất là bạo loạn tại Bangladesh được giới phân tích nhận định sẽ tạo “cơ hội vàng” cho ngành dệt may Việt Nam.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng với tình hình trên thì trước mắt sẽ có một số lợi thế cho dệt may Việt Nam.
Theo đó, năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh sẽ tạm thời bị giảm sút, trong khi hiện nay là giai đoạn cao điểm, các nhà máy trên thế giới đang chạy đua để sản xuất hàng cho mùa đông. Điều này dẫn đến khách hàng sẽ phải chuyển dịch đơn hàng sang nước khác, để bù đắp số lượng bị thiếu hụt, từ đó khiến niềm tin của khách hàng đối với ngành dệt may Bangladesh sẽ bị giảm sút.
Ngoài ra, Bangladesh cũng đang phải chịu sức ép tăng lương cho người lao động, nên lợi thế về chi phí lao động của nước này cũng sẽ giảm.
Thị phần xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh sang Mỹ vẫn giữ ổn định ở mức 7,1% từ năm 2023 đến nửa đầu năm 2024 và Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam (thị phần của Việt Nam tại Mỹ là 15%).
SSI Research cho rằng Đầu tư và Thương mại TNG sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do có tỷ trọng đóng góp cao từ thị trường châu Âu và tỷ lệ đơn đặt hàng CMT cao hơn so với các công ty cùng ngành như Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công và May Sông Hồng (MSH).
Dù vậy, vẫn phải nhìn nhận rằng các doanh nghiệp sản xuất dệt may cũng đang đối mặt với nhiều thách thức mới, do khách hàng có thay đổi yêu cầu, thường đặt đơn hàng nhỏ, số lượng ít, đơn giá thấp, thời gian giao hàng ngắn. Người tiêu dùng có xu hướng mua hàng qua thương mại điện tử ngày càng nhiều, nhu cầu sản phẩm đa dạng hơn.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều biến động, vì vậy tình hình đơn hàng của các quý III, quý IV cũng phụ thuộc vào sự biến động này.
"Mặc dù ngành dệt may Việt Nam đã có sự cải thiện, nhưng môi trường kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2024 vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu là từ những bất ổn vĩ mô", Mirae Asset đánh giá.
Hải Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn