Dấu ấn của những 'ông lớn' đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam

Hiện Nhật Bản là quốc gia tài trợ vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam và trên lĩnh vực đầu tư, quốc gia mặt trời mọc để lại dấu ấn đặc biệt rõ nét khi đứng thứ ba trong danh sách rót vốn đầu tư. Theo dữ liệu từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2024, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ ba về vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với gần 2 tỷ USD, tiếp tục khẳng định vị thế một trong những đối tác hàng đầu trong khu vực cũng như trên thế giới.

Dấu ấn của những 'ông lớn' đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam ảnh 1

Mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển rực rỡ sau 50 năm vun đắp (Nguồn: Website Bộ Công Thương)

https://moit.gov.vn/en/news/industry-and-trade/japan-vietnam-to-cooperate-on-avoiding-supply-chain-disruptions.html

Dấu ấn từ những ông lớn đầu tư

Một trong những cái tên nổi bật trong làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam là Tập đoàn Sumitomo. Rót vốn vào Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ 20, Sumitomo đặt dấu ấn đầu tiên tại dự án Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long 1 nằm tại Huyện Đông Anh, Hà Nội. Tại thời điểm hoàn thành năm 1997, đây chính là dự án khu công nghiệp tập trung đầu tiên của Việt Nam đồng thời là điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu tới từ Nhật Bản.

Tiếp nối thành công ban đầu, Sumitomo mở rộng hoạt động đầu tư sang nhiều dự án khác như KCN Thăng Long II tại Hưng Yên, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc với tổng quy mô trên 1.012 ha và tổng vốn đầu tư 404,1 triệu USD, tạo ra một lượng lớn công ăn việc làm cho người dân.

Ngoài giúp Việt Nam “dọn ổ đón đại bàng”, Sumitomo còn tham gia phát triển hạ tầng đô thị khi bắt tay tập đoàn BRG xây dựng thành phố thông minh phía Bắc Hà Nội với tổng mức đầu tư 4,2 tỷ USD với điểm nhấn tháp tài chính 108 tầng cao nhất Việt Nam. Lấn sân sang lĩnh vực tài chính, tháng 10/2023, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) thông báo hoàn tất thương vụ mua lại 1,19 tỷ cổ phiếu của Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) với giá trị lên tới gần 1,5 tỷ USD.

Dấu ấn của những 'ông lớn' đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam ảnh 2

Một góc Khu công nghiệp Thăng Long 1 (nguồn: Website KCN Thăng Long 1) https://tlip1.com/

Cũng xuất hiện tại Việt Nam từ hơn ba thập kỷ trước, Tập đoàn Marubeni đã đầu tư khoảng 90 tỷ yên (tương đương gần 600 triệu USD) tại nước ta, tạo việc làm cho 7.500 người; coi Việt Nam là thị trường quan trọng ở châu Á. Hoạt động của Marubeni tập trung vào nhiều lĩnh vực như: Xuất nhập khẩu hàng hóa; xây dựng các nhà máy nhiệt điện và các nhà máy công nghiệp, các nhà máy chế biến thực phẩm và dệt may... Marubeni đã tham gia làm tổng thầu EPC cho 11 dự án nhà máy điện như: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 (600MW) và đầu tư BOT Nghi Sơn 2 (1.200MW); Dự án điện khí Ô Môn 2 (1.050 MW) đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang đàm phán hợp đồng mua bán khí/điện với PVN và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Mảng năng lượng tái tạo cũng được tập đoàn này chú ý tới với kế hoạch đầu tư hàng trăm triệu USD vào nhiều dự án bao gồm trang trại điện gió, điện mặt trời, góp phần hiện thực hóa mục tiêu net-zero của Việt Nam tới năm 2050. Đây là điều mà Giám đốc điều hành Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) Kakinoki Masumi đã chia sẻ với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2023.

Thật thiếu sót khi không đề cập tới Mitsui & Co (“Mitsui”) với một loạt dự án nổi bật. Cuối tháng 3/2024, Mitsui tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 84 tỷ yên (560 triệu USD) cho dự án Lô B - Ô Môn. Chuỗi dự án khí Lô B (gồm các khâu thượng nguồn (nhà máy khí), đường ống và hạ nguồn (nhà máy điện) có tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ USD, dự kiến cung cấp khí cho 4 nhà máy điện Ô Môn I, II, III và IV trong hơn 20 năm. Khi đi vào vận hành, các nhà máy điện Ô Môn này sẽ cung cấp điện với tổng công suất khoảng 3.800 MW, đóng góp quan trọng vào an ninh năng lượng quốc gia.

Trước đó, Mitsui công bố đầu tư vào nền tảng số cho giải pháp xây dựng nhà ở tại Việt Nam, thị trường vốn được định giá lên đến 30 tỷ USD. Năm 2019, tập đoàn này thông báo mua lại 35,1% cổ phần Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nhà sản xuất tích hợp tôm lớn nhất thế giới từ nuôi đến chế biến và bán hàng.

Và gần đây nhất, vào ngày 15/8/2024, Mitsui chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Tasco Auto. Tasco Auto hiện là nhà phân phối ô tô có thị phần lớn nhất trên thị trường với 13,3%, sở hữu hệ thống 90 showroom trên toàn quốc và là đối tác tin cậy của 14 thương hiệu xe ô tô. Ngoài ra, Tasco Auto còn được hưởng trọn lợi ích từ hệ sinh thái Tasco bao gồm dịch vụ thu phí điện tử không dừng (ETC), bảo hiểm xe cơ giới Tasco,... Với năng lực và lợi thế có một không hai tại Việt Nam, Tasco Auto hoàn toàn phù hợp với chiến lược kinh doanh của Mitsui trong mảng Mobility tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, vốn sở hữu tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Ở chiều ngược lại, Tasco Auto sẽ được tiếp cận những giải pháp công nghệ, sự hỗ trợ, tư vấn giúp doanh nghiệp cải thiện cấu trúc quản trị, tinh gọn bộ máy nhằm đạt được mức độ hiệu quả hoạt động cao nhất. “Cái bắt tay” giữa Mitsui và Tasco Auto mang theo kỳ vọng lớn góp phần thúc đẩy xu hướng ô tô hóa tại một quốc gia trăm triệu dân nhưng tỷ lệ sở hữu xe hơi mới chỉ dừng lại ở ngưỡng 5,5%.

Dấu ấn của những 'ông lớn' đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam ảnh 3

Showroom ô tô thương hiệu Lynk & Co tại TP. HCM - thuộc hệ thống Tasco Auto

Ngoài những “ôm trùm” đầu tư nói trên, hàng nghìn doanh nghiệp Nhật Bản khác như Canon, Panasonic, LG... cũng đã rót vốn vào Việt Nam trong suốt chiều dài 50 năm hai nước xây dựng quan hệ ngoại giao, giúp cải thiện sinh kế người dân, thúc đẩy kim ngạch thương mại và vị thế của nước ta trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã từng cho biết không ít doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng trong hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng và điểm đến đầu tư triển vọng nhất trong các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện chính là cam kết của Nhật Bản trong việc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng với mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Và cùng song hành trên chặng đường ấy chính là sự hỗ trợ đắc lực từ dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước này.

Xem thêm tại tienphong.vn